• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Trái tim” quân sự Mỹ: Cạnh tranh siêu quyền lực Nga – Trung

Thế giới 20/01/2018 14:32

(Tổ Quốc) - Quân đội Mỹ coi việc chống lại Trung Quốc và Nga là một trọng tâm trong Chiến lược quốc phòng mới – vừa được công bố vào thứ Sáu ngày 19/1.  

Theo Reuters, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy những ưu tiên đã được thay đổi sau hơn một thập kỷ rưỡi tập trung vào cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo cực đoan.

Khi đề cập về chiến lược trên– văn bản vạch ra các ưu tiên đối với Lầu Năm Góc trong tương lai, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã gọi Trung Quốc và Nga là các "quyền lực xét lại" và những nước này hiện đang "tìm cách tạo ra một thế giới phù hợp với các mô hình của riêng họ."

Nga, Trung Quốc: Trọng tâm cạnh tranh

Chia sẻ trong bài phát biểu giới thiệu văn kiện chiến lược, ông Mattis cho hay, “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch chống lại lực lượng khủng bố mà hiện chúng tôi đang thực hiện. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lớn, thay vì vấn đề khủng bố, hiện đang bắt đầu trở thành trọng tâm chính trong an ninh quốc gia Mỹ.”

Lầu Năm Góc ngày 19/1 công bố một văn kiện 11 trang về chiến lược này, tuy nhiên, không cung cấp chi tiết về việc quá trình ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga sẽ diễn ra như thế nào.

Những nội dung mới trong "Chiến lược quốc phòng" Mỹ là dấu hiệu mới nhất cho thấy lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm giải quyết những thách thức từ Nga và Trung Quốc, trong khi vẫn thúc đẩy cải thiện mối quan hệ với Moscow và Bắc Kinh để kiềm chế Triều Tiên. Những ưu tiên này cũng sẽ được phản ánh trong các yêu cầu chi tiêu quốc phòng trong tương lai.

Việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược quốc phòng sang đối phó Nga, Trung Quốc là đáng chú ý. (Theo Reuters)

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói thông qua một thông dịch viên tại một cuộc họp báo ở Liên hợp quốc, rằng Hoa Kỳ đã và đang thực hiện một cách tiếp cận đối đầu.

Ông Lavrov nói: "Rất tiếc là thay vì có một tiến trình đối thoại bình thường, thay vì sử dụng nền tảng của luật pháp quốc tế, Mỹ đang nỗ lực để chứng minh sự lãnh đạo của họ thông qua các chiến lược và khái niệm về đối đầu". "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, chúng tôi đã chuẩn bị để thảo luận về các học thuyết quân sự", ông nói thêm.

Bắc Kinh cũng đã chỉ trích chiến lược này, nói rằng họ tìm kiếm "quan hệ đối tác toàn cầu chứ không phải sự thống trị toàn cầu".

Elbridge Colby, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách phát triển chiến lược và lực lượng đã phát biểu về sức mạnh của Nga và Trung Quốc tại một cuộc họp báo với các phóng viên.

Nga đã sát nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và đã can thiệp quân sự tại Syria để hỗ trợ cho đồng minh -Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, Moscow bị giới hạn bởi các nguồn lực kinh tế, theo ông Colby.

Mặt khác, Trung Quốc được mô tả như là một cường quốc về cả kinh tế và quân sự. Trung Quốc đã bắt tay vào một quá trình hiện đại hóa quân sự sâu rộng – điều ông Colby cho rằng đã "vi phạm nghiêm trọng vào lợi ích của chúng tôi."

Các chuyên gia Mỹ đã đánh giá cao việc nhắm mục tiêu vào các mối đe dọa an ninh quốc gia lớn – thay vì một danh sách dài hơn các rủi ro trong một số chiến lược trước đó. Tuy nhiên, trong khi chưa rõ các cam kết về ngân sách, rất khó để đánh giá xem đó là một chiến lược hợp lí hay không.

Mara Karlin, một thành viên của Viên nghiên cứu Brookings và từng là một quan chức quốc phòng cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Obama, nói: "Nếu chúng ta không thực sự thấy tiền vào đâu, … có nguy cơ rằng chiến lược này chỉ có tác dụng về mặt giấy tờ".

Hỗ trợ các đồng minh

Tài liệu này cũng đưa vấn đề Triều Tiên trở thành một trong số các ưu tiên của Lầu Năm Góc, cho rằng cần phải tập trung vào việc phòng thủ tên lửa chống lại mối đe dọa từ Bình Nhưỡng – điều không chỉ là về vũ khí hạt nhân mà còn các loại vũ khí khác như sinh học, hoá học và vũ khí thông thường.

Tài liệu này cũng nói rằng các liên minh quốc tế rất quan trọng đối với quân đội Mỹ, cho đến nay luôn là nguồn lực hỗ trợ tốt nhất thế giới. Dù vậy, văn bản này cũng nhấn mạnh đến nhu cầu chia sẻ gánh nặng – thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với những lời chỉ trích công khai của Trump đối với các đồng minh mà ông nói là không công bằng khi sử dụng các đảm bảo an ninh của Mỹ.

Trong khi ông Trump trước đó đã gọi liên minh NATO là "lỗi thời",thì ông Mattis vẫn nói rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường liên minh truyền thống trong khi xây dựng mối quan hệ hợp tác mới, đồng thời sẽ lắng nghe ý kiến của nhiều quốc gia khác.

Mattis nói: "Chúng tôi sẽ sẵn lòng lắng nghe họ, và đang nhận thấy rằng không phải tất cả những ý tưởng tốt đều đến từ những đất nước có nhiều tàu sân bay nhất".

Lầu Năm Góc cũng đang làm việc để xây dựng một văn bản chính sách về kho vũ khí hạt nhân của nước này. Trong khi không đưa ra nhận xét cụ thể, ông Mattis nói rằng ưu tiên sẽ là ngăn chặn hạt nhân.

"Làm thế nào để chúng ta duy trì việc ngăn chặn hạt nhân an toàn và hiệu quả để những vũ khí đó không bao giờ được sử dụng? Đó là mục tiêu ngăn chặn hạt nhân, chứ không phải là khả năng chiến đấu, trừ phi chúng ta rơi vào ngày tồi tệ nhất trong lịch sử của đất nước này hoặc của thế giới ", ông Mattis nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ