• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc và Mỹ đối phó nhau ở cấp độ quân sự tại Djibouti

Thế giới 25/06/2019 06:31

(Tổ Quốc)-Từ rất lâu trước khi Mỹ và Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh thương mại, họ đã đối đầu nhau về quân sự tại Djibouti.

Chuẩn đô đốc Mỹ Heidi Berg, giám đốc tình báo tại Bộ tư lệnh châu Phi của Mỹ, mới đây cáo buộc quân đội Trung Quốc tại căn cứ Djibouti đã có các "hành động vô trách nhiệm" đối với các phi công Mỹ. Phóng viên của Business Insider, ngày 20-6, bình luận: "Kể từ khi quân đội Mỹ và Trung Quốc trở thành láng giềng của nhau ở Djibouti, họ không hòa thuận với nhau cho lắm!"

Bà Berg cho biết binh sĩ Trung Quốc tại căn cứ nằm gần trại Lemonnier của Mỹ đã quấy rầy các lực lượng của Mỹ. Quân đội Trung Quốc đã tìm cách ngăn các lực lượng của Mỹ tiếp cận vùng không phận quốc tế nằm gần căn cứ của Trung Quốc, chiếu laser trên mặt đất nhằm vào các phi công Mỹ và triển khai máy bay không người lái để can thiệp vào các hoạt động bay của phía Mỹ. Bà Berg còn cáo buộc quân đội Trung Quốc thực hiện "hoạt động xâm nhập" tiếp cận trại Lemonnier.

Trung Quốc và Mỹ đối phó nhau ở cấp độ quân sự tại Djibouti - Ảnh 1.

Căn cứ quân sự Mỹ và Trung Quốc tại Djibouti.

Ở cấp cao hơn, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump, John Bolton, cho biết Trung Quốc đã sử dụng tia laser ở cấp độ quân sự nhằm vào các mục tiêu và làm chệch hướng các phi công Mỹ trong 10 vụ tai nạn; 2 phi công Mỹ bị tổn thương về mắt do các tia laser chiếu vào.

Tư lệnh quân sự Mỹ tại Châu Phi, Đại tướng Thomas Waldhauser, nói tại một Ủy ban của Thượng viện Mỹ, cho biết ông rất lo ngại khả năng Trung Quốc có thể tiếp quản một trong các cảng lớn nhất của Djibouti, cảng Doraleh Container Terminal, gần căn cứ của Trung Quốc, đã được chính phủ quốc hữu hóa năm 2018. Ước tính 98% cung cấp cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Phi đi qua cảng này, nếu Mỹ bị từ chối quyền tiếp cận hoặc bị hạn chế tiếp cận, sẽ ảnh hưởng đáng kể các hoạt động của Mỹ tại Châu Phi. Ông Bolton cho rằng nếu Trung Quốc tiếp quản cảng container này sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực ở vùng Sừng châu Phi.

Ai muốn vào xin mời trả tiền

Djibouti là một nước nhỏ, dân số dưới 1 triệu người nhưng lại nằm ở một trong các vị trí chiến lược nhất thế giới, là điểm nóng của Sừng châu Phi, chi phối tuyến đường biển qua Bab el-Mandeb đi vào Biển Đỏ và kênh đào Suez, nối châu Á, châu Âu và Trung Đông.

Trung Quốc là quốc gia thứ bảy sau Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Đức, Ý... thiết lập hiện diện quân sự ở Djibouti, nhưng lại là nước chiếm thế thượng phong tại đây, là nguồn đầu tư lớn nhất của Djibouti. Các công ty Trung Quốc tài trợ gần 40% các dự án đầu tư chính của Djibouti.

Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài rộng 36 héc-ta và được kiểm soát nghiêm ngặt, nhìn từ xa, phần nổi bên ngoài trông bình thường với các tòa nhà lợp ngói kiểu châu Á; song phần chìm phía dưới là một mê cung các kết cấu được kết nối với nhau bằng các đường hầm có thể chứa được 10.000 binh sĩ.

Trung Quốc và Mỹ đối phó nhau ở cấp độ quân sự tại Djibouti - Ảnh 2.

Súng laser của Trung Quốc có thể sát thương hoặc làm rơi máy bay của đối phương.

Một quan chức Djibouti cho biết Mỹ đã vận động hành lang rất mạnh nhằm thuyết phục Djibouti từ chối cho phép Trung Quốc lập căn cứ quân sự, nhưng Chính phủ Djibouti từ chối sức ép của Mỹ. Căn cứ quân sự này được Trung Quốc khai trương giữa năm 2017 và hàng năm Trung Quốc trả 20 triệu USD tiền thuê căn cứ này. Các ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ quân sự này của Trung Quốc có bãi đỗ cho máy bay lên thẳng và máy bay không người lái, cơ sở sửa chữa tàu thương mại và tàu hải quân, các phòng kho chứa vũ khí, các trại lính, cầu cảng hải quân và các cấu trúc ngầm dưới lòng đất rộng 23.000 mét vuông.

Căn cứ của Nhật Bản gần căn cứ của Mỹ, và cũng là căn cứ quân sự đầu tiên của Nhật Bản ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh thế giới II. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã mở rộng căn cứ này về quy mô cũng như các hoạt động quân sự và Trung Quốc tố cáo tàu chiến Nhật Bản đã cho người nhái vào gần các tàu của Trung Quốc.

Djibouti là nơi duy nhất trên thế giới Trung Quốc và Mỹ có các căn cứ quân sự lớn gần sát nhau. Cách căn cứ của Trung Quốc 12 ki-lô-mét là căn cứ quân sự Camp Lemonier của Mỹ, thành lập năm 2003, và là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Phi với 4.500 binh sỹ đồn trú. Sau khi không thuyết phục được Chính phủ Djibouti ngăn Trung Quốc mở căn cứ quân sự, Mỹ tiếp tục đầu tư lớn cho căn cứ Camp Lemonier bằng việc mở rộng diện tích thuê, tăng tiền thuê từ 63 triệu USD lên hơn 1 tỷ USD để nâng cấp, và sử dụng căn cứ này cho hàng trăm cuộc tấn công của các máy bay không người lái vào các mục tiêu khủng bố ở Somalia.

Li Chunpang, Chính ủy của căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti, nói trong cuộc phỏng vấn gần đây trên đài truyền hình Trung Quốc: "Chúng ta sẽ dần dần chuyển từ phụ thuộc vào các tàu cung cấp được điều đến sang thiết lập các căn cứ ở nước ngoài". Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Phi ngày càng mạnh mẽ, tiến hành các cuộc tuần tra hải quân, diễn tập quân sự, diễn tập chống cướp biển, tập trận chung. Năm 2018, PLA tiến hành diễn tập tại Nigeria, Cameroon, Ghana và Gabon, gửi 2.400 binh sỹ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi.

Chính phủ Djibouti tha thiết mong mỏi chuyển đất nước thành một trung tâm trung chuyển hàng hải hàng không cho toàn bộ châu Phi. Bộ trưởng Tài chính Djibouti Ilyas Dawaleh đã nói rằng: "Sự phát triển của Djibouti cần mọi bạn bè và đối tác chiến lược. Đồng thời, không ai có thể sai khiến chúng tôi rằng chúng tôi nên làm gì". Ai trả tiền, kẻ đó được hưởng tiếp cận căn cứ ở nước này./.


Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ