• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc–EU: Một điểm cộng và một điểm trừ cho Bắc Kinh

Thế giới 04/04/2019 07:13

(Tổ Quốc)- Khi Trung Quốc và Ý ký thỏa thuận BRI thì Ủy ban châu Âu tung đòn sát thủ đối với Trung Quốc tại EU.

Việc ký kết thỏa thuận Ý tham gia BRI diễn ra nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Ý. Ý trở thành quốc gia đầu tiên trong G-7 ủng hộ chiến lược "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Đây là sự kiện được Bắc Kinh xem là một đột phá trong nỗ lực xuyên thủng hàng phòng ngự của Mỹ và Liên minh châu Âu để thâm nhập vào châu Âu – địa bàn được Trung Quốc xem là trọng yếu trong việc kết nối BRI. Lập trường "nước Mỹ trên hết" của ông Trump xem nhẹ vai trò liên minh truyền thống, cũng như sự phân hóa trong hàng ngũ EU trong quan hệ với Trung Quốc là hai nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc nước Ý một mình thổi một điệu kèn về BRI.

Ý cũng có những lý do riêng để thực hiện bước đi quan trọng này. Việc tham gia BRI và thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc được xem là phao cứu sinh cho nền kinh tế trồi sụt của Ý - nền kinh tế lớn thứ ba của châu Âu.

Trước khi ký kết, ngày 19/3, Chính phủ Giuseppe Conte đã trình Quốc hội Ý thông qua một nghị quyết phê chuẩn bản ghi nhớ sẽ ký kết với Trung Quốc. Phát biểu trước Quốc hội, ông Conte nói rằng, việc Ý ký biên bản ghi nhớ, được tiến hành vào dịp Chủ tịch Trung Quốc thăm Ý, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia Nam Âu này. Thủ tướng Conte nhấn mạnh: "Với bản ghi nhớ Ý - Trung Quốc, chúng ta có thể tái cân bằng cán cân thương mại vốn đang bất lợi, xuất khẩu của chúng ta thấp hơn nhiều so với các nước Châu Âu khác. ‘Con đường tơ lụa’ mang lại cơ sở hạ tầng tuyệt vời, là dự án kết nối lớn mà các công ty của chúng ta đang dẫn đầu về đổi mới công nghệ có thể tham gia". Với 282 phiếu ủng hộ, 227 phiếu chống, 2 phiếu trắng, Hạ viện Ý đã thông qua kế hoạch của Chính phủ liên quan đến Bản Ghi nhớ, làm tăng thêm sự đồng thuận và tính pháp lý của Bản ghi nhớ.

Thời báo Hoàn cầu đã phản ứng ngay, đánh giá "nếu Trung Quốc và Ý giành được cơ hội hợp tác trên "Con đường tơ lụa mới", không chỉ nền kinh tế Ý sẽ được hồi sinh, mà cả hai quốc gia sẽ có thể định hình các mối quan hệ gần gũi hơn và việc quốc gia G-7 đầu tiên tham gia "Con đường Tơ lụa" sẽ tạo động lực mới "không thể nghi ngờ" đối với khả năng của sáng kiến kết nối toàn cầu.

Trung Quốc–EU: Một điểm cộng và một điểm trừ cho Bắc Kinh - Ảnh 1.

Tham gia BRI và thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc được xem là phao cứu sinh cho nền kinh tế trồi sụt của Ý - nền kinh tế lớn thứ ba của châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, tại Brussels, Ủy ban châu Âu đã nhất trí một báo cáo mới nhất về một tầm nhìn của quan hệ EU và Trung Quốc, nhằm chuẩn bị cho thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU. Báo cáo thực sự là một đòn mạnh giáng vào Trung Quốc. Báo cáo một mặt thể hiện mong muốn "tăng cường cam kết với Trung Quốc nhằm thúc đẩy các lợi ích chung trên toàn cầu, mặt khác ẩn chứa nhiều thông điệp mạnh mẽ, khi nhận định Trung Quốc là "đối thủ hệ thống", "đối thủ cạnh tranh chiến lược", mối lo ngại về quân sự trong "ngắn và trung hạn" với "tiềm lực quân sự lớn", nước xuất khẩu công nghệ điện than cản trở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nước có chính sách nhân quyền xuống cấp, nước cạnh tranh không lành mạnh…

Báo cáo có hai khía cạnh đáng chú ý hơn. Thứ nhất, nó ấn định thời hạn kết thúc đàm phán Hiệp định Toàn diện về Đầu tư EU - Trung Quốc trong năm 2020. Hiệp định đã qua 19 vòng đàm phán kéo dài trong 7 năm. Ủy ban cũng đề nghị nhanh chóng hoàn tất một Hiệp định về Chỉ dẫn Địa lý và trong một vài tuần tới hoàn tất Hiệp định về Hàng không. Liên quan đến cải cách WTO, Trung Quốc cần bắt đầu giải quyết vấn đề trợ cấp ngành công nghiệp.

Báo cáo còn đề xuất với các nước thành viên về 10 việc cần làm để thay đổi chính sách của chính EU, chứ không phải Trung Quốc. Đây chính là cuộc cách mạng mang tính bước ngoặt: thay vì đàm phán không có hồi kết với Trung Quốc và nài nỉ nước này thay đổi cách tiếp cận, Ủy ban cho rằng Châu Âu cần thay đổi và thông qua một loạt chính sách phòng vệ mạnh mẽ hơn, dù phản ứng của Trung Quốc thế nào thì một phần các chính sách này sẽ mang lại hiệu quả. Báo cáo thừa nhận có khoảng trống trong chính sách cạnh tranh của EU, các điều khoản chống trợ cấp áp dụng nhiều hơn đối với những trợ cấp nội khối EU so với những trợ cấp bắt nguồn từ nơi khác.

Các nước thành viên mới gia nhập phải đẩy nhanh việc triển khai các công cụ tài chính và quy định mới về giám sát đầu tư nước ngoài, cũng như cần có cách tiếp cận chung về an ninh đối với các mạng 5G. Hiểu theo một nghĩa rộng hơn, EU cần "tăng cường hợp tác công nghiệp xuyên biên giới, với sự tham gia của các tác nhân lớn của châu Âu, xoay quanh các chuỗi giá trị chiến lược". Đây là một lời kêu gọi các nước thành viên hành động một cách độc lập trong thống nhất: EU không tìm cách thực hiện một chính sách công nghiệp chung, mà chỉ khuyến khích các nước thành viên phát triển nó một cách thực tế và xuyên biên giới.

EU đang yêu cầu Trung Quốc triển khai cụ thể những gì nước này đã cam kết, trong đó có việc thực thi Thỏa thuận Paris về giảm khí thải CO2 đến năm 2030. Về nhân quyền, Báo cáo nhận định "khả năng EU và Trung Quốc giải quyết hiệu quả vấn đề nhân quyền sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng quan hệ song phương".

Tất cả những nội dung trên là chỉ dấu cho thấy mức độ không hài lòng của EU, thậm chí là một sự tức giận với cách Trung Quốc qua mặt các thể chế chung của châu Âu triển khai quan hệ với từng nước thành viên đơn lẻ. Chưa đầy một tháng trước Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - EU vào ngày 9/4, căng thẳng giữa hai bên đang ngày càng hiện hữu./.


Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ