• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trước sức ép dồn dập Mỹ về đại dịch Covid-19: Nga ra mặt sát cánh Trung Quốc

Thế giới 17/04/2020 10:14

(Tổ Quốc) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng bảo vệ nỗ lực của Trung Quốc trong việc đối phó với sự bùng phát của virus corona.

Thông điệp này được đưa ra trong một cuộc gọi điện đàm giữa ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và giữa bối cảnh Washington dồn dập chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề này.

Ông Putin và ông Tập Cận Bình đã có "một cuộc trao đổi kỹ lưỡng quan điểm về tình hình xung quanh đại dịch virus corona" trong cuộc điện đàm hôm thứ Năm, theo một bài viết được Điện Kremlin chia sẻ.

Hai nhà lãnh đạo đã tìm cách tăng cường quan hệ đối tác chiến lược bằng cách hợp tác chặt chẽ giữa khủng hoảng và cùng nhấn mạnh nỗ lực "tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này, bao gồm thông qua trao đổi các chuyên gia, cung cấp thiết bị y tế, thuốc men và thiết bị bảo vệ."

Trước sức ép dồn dập Mỹ về đại dịch Covid-19: Nga ra mặt sát cánh Trung Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã điện đàm về tình hình đối phó dịch bệnh và các vấn đề khác. Ảnh: SPUTNIK/AFP/Getty Images.

Và trong khi Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông cáo buộc Bắc Kinh đã xử lý sai và cố gắng che đậy sự bùng phát của căn bệnh truyền nhiễm Covid-19, lần đầu tiên được phát hiện vào cuối năm ngoái tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, ông Putin cũng đã có động thái bác bỏ những lời chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh.

"Phía Nga đánh giá cao các hành động nhất quán và hiệu quả của các đối tác Trung Quốc, giúp ổn định tình hình dịch tễ học ở nước này. Những nỗ lực phản tác dụng nhằm buộc tội Trung Quốc thông báo cho cộng đồng thế giới không kịp thời về sự lây nhiễm nguy hiểm cũng được nêu ra", theo bài viết trên.

"Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ sự tin tưởng rằng bằng cách tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, các quốc gia của họ sẽ có thể vượt qua thành công những thách thức liên quan đến đại dịch", văn bản trên cho biết.

Leo thang căng thẳng lên WHO

Bắc Kinh lần đầu tiên thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về một loại virus corona mới vào đêm chuyển giao năm mới và chính thức thông báo cho Washington vào ngày 3 tháng 1. Ông Trump ban đầu hoan nghênh phản ứng của Chủ tịch Tập đối với mầm bệnh này, được báo cáo là có tỷ lệ lây truyền từ người sang người thấp, và ngay cả khi nhà lãnh đạo Mỹ cấm đi lại từ Trung Quốc vào cuối tháng đó.

Tuy nhiên, đến tháng 3, tâm điểm lây lan Covid-19 đã chuyển sang phương Tây, tới châu Âu và Hoa Kỳ. Ông Trump và các quan chức của ông bắt đầu sử dụng các thuật ngữ như "virus Vũ Hán" và "virus Trung Quốc" còn Bộ Ngoại giao Mỹ thì nói tới những chiến dịch đánh lạc hướng thông tin do Trung Quốc và Nga phát động.

Cả hai bên đều lùi bước trong cuộc chỉ trích này nhưng sóng gió giữa họ tiếp tục leo thang khi ông Trump chuyển "cuộc tấn công" sang Tổ chức Y tế thế giới WHO, cáo buộc lãnh đạo của tổ chức này quá "trung với Trung Quốc" và tạm dừng tài trợ cho cơ quan Liên Hợp Quốc nay – hiện đang dẫn đầu nỗ lực giúp trợ cộng đồng quốc tế chống lại Covid-19. Động thái này đã vấp phải sự lên án của nhiều quốc gia và giới chuyên gia, trong đó có các nhà ngoại giao từ cả Bắc Kinh và Moscow.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng "quyết định của Hoa Kỳ có thể làm suy yếu sức mạnh của WHO, làm suy yếu sự hợp tác chống đại dịch quốc tế và tác động tiêu cực đến Hoa Kỳ và các quốc gia khác, đặc biệt là các nước dễ bị tổn thương".

Đại diện thường trực của Nga tại khối các cơ quan có trụ sở tại Geneva Gennady Gatilov cho biết hành động trên (của Mỹ -pv) sẽ "gây tổn hại nghiêm trọng cho tổ chức quốc tế này, nơi đóng vai trò điều phối hàng đầu trong việc chống lại đại dịch", theo Thông tấn xã Tass của Nga.

Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc và nhiều người khác cũng đã lên tiếng phản đối hành động này. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ "rất tiếc" và cho biết cơ quan này sẽ "xem xét những tác động về việc rút tiền tài trợ của Hoa Kỳ đối với hoạt động của chúng tôi và chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác để lấp đầy khoảng trống cũng như đảm bảo công việc của chúng tôi không bị gián đoạn."

Tìm ra điểm chung để chống dịch bệnh

Washington đã hỗ trợ cho hàng chục quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, với việc Hoa Kỳ là quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất bởi virus corona, với số ca nhiễm bệnh ở quy mô lớn và liên tục thêm nhiều ca mắc mới, thì Bắc Kinh và Moscow cũng đã thể hiện động thái giúp đỡ và tăng cường viện trợ ở nước ngoài. Một ngày trước khi Hoa Kỳ vượt qua Trung Quốc về số các trường hợp được xác nhận mắc Covid-19, một báo cáo của CIA mà Newsweek tiếp cận được đã đề cập đến khả năng xảy ra sự thay đổi quyền lực toàn cầu sau đại dịch này.

Bất chấp sự cạnh tranh địa chính trị đang gay gắt giữa đại dịch, các cường quốc hàng đầu thế giới đang tìm thấy một số điểm chung.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Tư đã kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn toàn cầu để tập trung vào việc chống lại virus corona – ý tưởng mà ông Macron cho biết đã có sự ủng hộ của ông Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh Boris Johnson, người vừa rời bệnh viện sau khi được điều trị mắc Covid-19. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Quốc tế Pháp, ông Macron cho biết ông tin rằng Putin cũng sẽ ủng hộ ý tưởng này.

Về phần mình, ông Putin có các cuộc điện đàm với ông Trump vào tuần trước, trong đó đã thảo luận về các nỗ lực song phương và quốc tế để đánh bại căn bệnh này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ