• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từ câu chuyện của cô gái dân tộc H'Hen Niê, các em học sinh nếu bị lạm dụng/xâm hại, hãy lên tiếng!

Giáo dục 20/12/2018 14:34

(Tổ Quốc) - Câu chuyện mà chúng tôi nói đến ở đây chính là câu chuyện về cô gái đã mang vinh quang lại cho những người phụ nữ Việt Nam, khi cô gái ấy bằng nỗ lực của chính bản thân mình đã viết nên câu chuyện tại một trong những cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới: Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018, để lần đầu tiên người đẹp Việt Nam lọt vào Top 5 người đẹp toàn cầu. Cô gái dân tộc ấy chính là H'Hen Niê.

Tự tin bởi chính những giá trị tự thân

Trong những câu chuyện xung quanh H'Hen Niê, tôi đặc biệt quan tâm đến phần xuất thân của người đẹp. Và cũng chính xuất phát điểm ấy là 'vũ khí' giúp cô gái trẻ tự tin vượt qua 87 người đẹp khác từ khắp nơi trên thế giới tỏa sáng tại top 5 Cuộc thi. Mặc dù không đi xa hơn nhưng với vị trí của mình, lần đầu tiên H'Hen Niê đã ghi danh Việt Nam vào bản đồ một cuộc thi nhan sắc thế giới. Theo dõi từng bước đi của em tại Cuộc thi, điều khiến chúng tôi khâm phục em chính là sự tự tin bởi chính những giá trị bản thân của mình bởi nếu về nhan sắc, hình thể thì em cũng ngang bằng những cô gái đẹp tham dự Cuộc thi này.

Vốn là một cô gái dân tộc sinh trưởng trong cộng đồng dân tộc thiểu số, một cô gái trẻ với các hành động mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Bằng kiến thức, tình yêu và niềm kiêu hãnh về dòng máu dân tộc Ê Đê chảy trong người và khao khát mãnh liệt một sự thay đổi cho cộng đồng Ê Đê của mình, H'Hen Niê đã mang lại nhiều giá trị lớn lao cho dân tộc Việt Nam.

Thành tích em đạt được đến giờ không còn gì phải bàn cãi, duy chỉ còn một phần dư âm cuộc thi mà cộng đồng mạng vẫn chưa dứt tranh cãi đó là phần trả lời ứng xử của H'Hen Niê tại Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2018, câu hỏi dành cho H'Hen Niê liên quan đến phong trào #MeToo - phong trào tố cáo quấy rối tình dục lan rộng thế giới trong suốt năm qua. Và phần trả lời của H'Hen bằng tiếng Việt chắc mọi người không quên: "Bản thân em không nói quá. Bởi vì khi bảo vệ sức khỏe con người, hay bảo vệ lạm dụng tình dục, bảo vệ con người, bảo vệ phụ nữ, đó là quyền rất lớn. Con người chúng ta cần được bảo vệ, trong cuộc sống chúng ta cần được tự do và cần được bảo vệ. Cảm ơn".

Phần trả lời của H'Hen có nhiều điều khiến chúng ta phải suy nghĩ, đó là việc Con người chúng ta cần được bảo vệ, và việc bảo vệ con người, bảo vệ phụ nữ, đó là những quyền cũng như những trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, đơn vị và của những cá nhân khi đang nắm giữ, đảm nhận những vị trí trọng trách trong xã hội hiện nay.

Từ câu chuyện của cô gái dân tộc HHen Niê, các em học sinh nếu bị lạm dụng/xâm hại, hãy lên tiếng! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Afamily

Những ngày này, ngoài những câu chuyện vui về bóng đá, về Hoa hậu, bên cạnh những gương mặt đẹp như thiên thần được mọi người quan tâm như Văn Lâm, Quang Hải, H'Hen Niê… thì những "ác quỷ" cũng tràn ngập trên các mặt báo mà không cần nói nhiều mọi người cũng sẽ chỉ ra ngay đó là Đinh Bằng My- Hiệu trưởng đương nhiệm tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, Phú Thọ. Những hành vi của đối tượng này khiến cả xã hội lên án, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xác định, xử lý vi phạm. Và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong ngày 18/12/2018 cũng đã có chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc này.

Thế nhưng chúng ta cũng từng biết đến những thầy giáo khác cũng từng bị tố giác lạm dụng tình dục trẻ em mà gần đây nhất là vụ tố giác Vũ Đình Phương - giáo viên môn Mỹ thuật Trường THCS Dân tộc nội trú Sơn Tây (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) có những hành động 'lạ' với nhiều nữ sinh trong trường, được đưa ra công luận từ đầu tháng 7/2018 sau khi có đơn kiến nghị (cuối tháng 5/2018) và đơn tố cáo, phản ánh của nhiều học sinh trong trường. Tuy nhiên sau đó, ông Đinh Kà Để - Bí thư Huyện ủy Sơn Tây nêu hướng xử lý là nên có điều chuyển công tác đối với ông Phương đến một đơn vị khác nhằm ổn định tình hình vụ việc, ổn định nhà trường để con em đồng bào dân tộc thiểu số có môi trường học tập thật sự an toàn, thân thiện, tích cực (?!). Còn bản thân Ban Giám hiệu nhà trường cũng chỉ nhìn nhận hạn chế, thiếu sót trong quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ giáo viên; chấn chỉnh, xử lý các sai phạm của cán bộ, giáo viên, nhất là đối với ông Phương. Và nêu nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý ngại va chạm, nể nang, có phần vì thành tích nhà trường…

Sự tự tin cất lên tiếng nói của chính mình

Những câu chuyện, những minh chứng thực tế không thiếu, cái thiếu ở đây có lẽ là thiếu sự lên tiếng mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trước những vụ việc như thế này. Các cơ quan chức năng hãy làm đúng vai trò, phận sự của mình để đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp. Hiện chúng ta có 17 cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Cục Trẻ em- Bộ LĐTBXH, các Bộ, ngành khác, Hội bảo vệ quyền trẻ em, Đoàn thanh niên…) thế nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khi có sự việc xảy ra.

"Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng và công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 4.500 vụ bạo lực và xâm hại trẻ em, trong đó khoảng 2.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em, nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm do chúng ta thiếu những con người, bộ phận thu thập thông tin, gần đây các sự việc liên tục phát hiện và các cơ quan báo chí phản ánh một phần là do thông tin được đăng tải trên mạng xã hội.

Thay đổi cách thức quản lý trường học, đặt trọng tâm vào các trẻ em-học sinh trong các ngôi trường này chính là vấn đề mà các nhà quản lý cần nghiên cứu, xem xét từ lúc này. Một khi giá trị và quyền trẻ em trong lớp học vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn, trong khi những quyền lực của giáo dục (thầy cô giáo ban bố kiến thức, dạy dỗ đạo đức, uốn nắn nếu học sinh nghịch ngợm, vi phạm…) thì những hành vi "ghê sợ" như đã từng xảy ra sẽ vẫn có một môi trường để nó tiếp tục xảy ra.

Từ câu chuyện của cô gái dân tộc HHen Niê, các em học sinh nếu bị lạm dụng/xâm hại, hãy lên tiếng! - Ảnh 3.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ- nơi xảy ra vụ việc hàng chục nam sinh "tố" Hiệu trưởng lạm dụng tình dục trong một thời gian dài (ảnh: VTV)

Sự việc xảy ra và chúng ta vẫn đang loanh quanh đi tìm chứng cứ, đi xác minh, điều tra, là rõ các nghi phạm của từng vụ việc để xử lý nghiêm những đối tượng này mà quên đi phần quan trọng nhất trong mỗi vụ việc này chính là trẻ em. Thời gian có thể là liều thần dược khi chữa lành những vết thương về mặt thể xác, nhưng để chữa lành những vết thương về mặt tinh thần thì chắc chắn không có liều thuốc thời gian nào có thể đo đếm chữa lành ngay được.

Tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức về xâm hại tình dục, lạm dụng thân thể… từ trong chính các gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó lấy trẻ em làm trung tâm, là chủ thể để có những giải pháp tuyên truyền phù hợp. Hãy hướng dẫn cho trẻ để các em có thể hiểu về bản thân, hiểu được những giá trị của mình và lên tiếng. Cần xử lý nghiêm túc, triệt để các vụ việc để mang lại niềm tin cho các em và cộng đồng.

Hãy lắng nghe trẻ, thuyết phục và để các em có cơ hội để cất lên tiếng nói của chính mình, sống với chính mình và học cách yêu bản thân mình. Luôn song hành cùng với các em là những cơ quan bảo vệ và chăm sóc trẻ em, trong đó Tổng đài 111 (0) - Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em hiện là cơ quan đang thực hiện chức năng thu nhận và xử lý thông tin, giúp đỡ trẻ em Việt Nam 24/24 khi các em gọi đến.

Hãy xử lý vấn đề từ gốc rễ, có như vậy mới có thể hạn chế và bảo vệ được các em học sinh trong chính môi trường mình đang sống và học tập. Phần chìm của tảng băng nổi còn rất lớn, vì vậy, cần có những nghiên cứu phương pháp xử lý tổng thể, có như vậy mới mong "Toàn ngành thay đổi, chấm dứt "diễn" trong giáo dục" như quan điểm của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ trong chuyến công tác mới đây tại tỉnh Yên Bái nhân Hội nghị Tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008-2018./.

Quỳnh Nga

NỔI BẬT TRANG CHỦ