(Tổ Quốc) - Chia sẻ với báo điện tử Tổ Quốc, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam khẳng định như vậy về các vấn đề ứng phó với các sự cố môi trường sau vụ khủng hoảng nước sạch sông Đà những ngày vừa qua.
- 23.10.2019 Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường: "Vụ việc nước sạch Sông Đà ô nhiễm cho thấy kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn"
- 22.10.2019 Bí thư Hà Nội nói về xử lý sự cố nước sạch sông Đà bốc mùi
- 22.10.2019 Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: "Vụ nước sạch Sông Đà bốc mùi cho thấy hệ thống pháp luật có lỗ hổng"
- 22.10.2019 An ninh nguồn nước: Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước hàng triệu dân uống nước "bẩn"?
Hình thức từ lập phương án tới diễn tập ứng phó sự cố môi trường
Theo ông Phạm Văn Sơn, hiện nay có thực trạng không phải tất cả nhưng rất nhiều DN cho rằng sự cố xảy ra với tỷ lệ vô cùng thấp cho nên thường họ làm phương án ứng phó sự cố như hoàn thành một thủ tục bắt buộc để không bị phạt chứ không phải làm với tâm thế là sẵn sàng ứng phó với sự cố sẽ xảy ra.
"Khi nhận diện các nguy cơ sự cố của doanh nghiệp không chỉ liên quan đến loại hình sản xuất kinh doanh, mà còn liên quan đến cơ sở hạ tầng, trang bị và cách quản lý, chúng tôi đưa ra các khuyến cáo nhưng nhiều đơn vị không mặn mà và nghĩ rằng chúng tôi làm quan trọng hóa vấn đề"- ông Phạm Văn Sơn nêu.
Từ thực trạng này dẫn tới các DN xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường mang tính hình thức. Theo ông Phạm Văn Sơn, hình thức từ xây dựng kế hoạch cho tới diễn tập.
Người dân thủ đô xếp hàng lấy nước sạch sau sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải.
"Quan điểm của chúng tôi là xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cho DN là để DN nắm vững, có thể triển khai được khi có tình huống thực tế xảy ra. Tuy nhiên rất nhiều DN chỉ quan tâm đến việc làm sao có được quyết định phê duyệt kế hoạch. Sau khi có được quyết định phê duyệt thì coi như hoàn thành một thủ tục rồi… cất vào tủ".
Liên quan đến đầu tư trang thiết bị, các tập đoàn lớn nhận thức được rủi ro có thể xảy ra nên thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên tới 90% còn lại không quá quan tâm đến đầu tư một cách bài bản, đầu tư theo cách miễn sao giá rẻ, còn trang thiết bị vật tư đó có sử dụng được khi sự cố xảy ra hay không thì không quan tâm, thậm chí biết rõ không sử dụng được nhưng vẫn mua vì giá rẻ, hoặc giảm chi phí bằng con đường "ngoại giao" để tránh đầu tư.
Tới phần đào tạo, ông Phạm Văn Sơn cho hay, trưởng ban chỉ huy ứng phó sự cố của DN thường là giám đốc hoặc phó giám đốc. Hàng năm theo qui định đội ứng phó sự cố của DN phải tổ chức tập huấn kĩ năng ứng phó sự cố, nhưng lãnh đạo DN thường nhiều việc chỉ đến phát biểu khai mạc đầu giờ. Điều này dẫn đến hậu quả khi sự cố xảy ra thực tế, trưởng ban chỉ huy không thể đưa ra được phương án ứng phó, hoặc bị áp lực phải ra quyết định thì ra quyết định sai (ví dụ như xử lý ô nhiễm dầu ngấm vào đất bằng cách lấp cát lên trên) dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.
Hoạt động diễn tập cũng mang tính hình thức ở rất nhiều doanh nghiệp. Các buổi diễn tập đều đã có kịch bản chi tiết tới lời thoại, ban chỉ huy cũng như các thành viên đội ứng phó chỉ diễn theo kịch bản đã xác định trước đó nhiều tháng.
Ảnh chụp xử lý sự cố nước sạch sông Đà của Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam.
"Với mục đích giúp DN sẵn sàng đối phó với các tình huống sự cố, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam mong muốn tổ chức diễn tập như tổ chức kì thi, nghĩa là không theo kịch bản có sẵn. Tuy nhiên "kì thi" này không có ai bị "trượt", mà giúp DN đánh giá chính xác năng lực của mình để hoàn thiện tốt hơn"- ông Phạm Văn Sơn nói và bình luận rằng: "nếu chúng ta thực sự có trái tim, tấm lòng với môi trường thì tất yếu chúng ta sẽ hiểu rõ mình phải làm gì"
Thiếu hướng dẫn
Một vấn đề khác, Quyết định số 02 của Thủ tướng về quy chế ứng phó sự cố tràn dầu được ban hành năm 2013, nhưng cho tới nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện, hướng dẫn thẩm định phê duyệt kế hoạch.
Lấy ví dụ tại nhiều địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Hòa Bình… và đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, tại đây có nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ hoạt động sản xuất kinh doanh vận chuyển của mình tiềm ẩn nguy cơ sự cố tràn dầu, đã lập kế hoạch ứng phó sự cố trình Sở Tài nguyên, Môi trường nhưng bị từ chối trả lại hồ sơ vì "chưa có văn bản hướng dẫn quy trình thẩm định phê duyệt kế hoạch".
Ông Phạm Văn Sơn cho rằng, sự cố tồn tại một cách khách quan không phục thuộc vào văn bản hướng dẫn. Còn chúng ta thì quan tâm đến việc tuân thủ hướng dẫn và dường như sự cố môi trường xảy ra là việc của ai đó, ảnh hưởng đến ai đó chứ không phải bản thân mình hay người thân của mình.
Trong nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ứng phó với sự cố môi trường, tôi cho rằng cần thiết lập một cơ quan đảm bảo an ninh môi trường. Những công việc cụ thể, hoàn toàn có thể giao cho các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp để cùng tham gia
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng cứu sự cố môi trường Việt Nam
Ngoài ra, theo ông Phạm Văn Sơn, Luật Bảo vệ môi trường qui định doanh nghiệp có nguy cơ gây sự cố môi trường phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường (Điều 108). Tuy nhiên theo các văn bản dưới Luật thì các DN hiện nay phải xây dựng nhiều kế hoạch/phương án ứng phó sự cố: sự cố hóa chất, sự cố tràn dầu, sự cố chất thải… Việc tuân thủ Điều 108 của Luật Bảo vệ môi trường sẽ giúp giảm chi phí nguồn lực của DN. DN tạo công ăn việc làm và đóng thuế cho xã hội. Theo ông Phạm Văn Sơn, chúng ta cần giảm bớt gánh nặng để họ phát triển tăng khả năng cạnh tranh./.