• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sẽ giúp Nghị định về ngày thành lập, ngày truyền thống đi vào cuộc sống

07/09/2018 06:41

(Tổ Quốc) - Đây là lần đầu tiên một Nghị định quy định cụ thể về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương do Bộ VHTTDL soạn thảo được Chính phủ thông qua 

(Tổ Quốc) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 111/2018/NĐ-CP Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương. 

Đây là lần đầu tiên một Nghị định quy định cụ thể về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương do Bộ VHTTDL soạn thảo được Chính phủ thông qua nhằm khắc phục những hạn chế trong hoạt động này thời gian qua, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội hiện nay.

Nhân dịp này phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VHTTDL

Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Minh Khánh

- Xin bà cho biết tầm quan trọng của việc xây dựng Nghị định số 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương?

Theo số liệu thống kê sơ bộ, cả nước hiện nay có khoảng hơn 200 ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, việc công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương được nhiều cơ quan có thẩm quyền ở các cấp công nhận, dẫn đến tình trạng tổ chức kỷ niệm tràn lan, không thống nhất về thẩm quyền; phương pháp và cách thức tổ chức khác nhau tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng bộ, ngành, địa phương.

Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật chưa có quy định cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận, quy mô, nghi thức, thành phần, số lượng khách mời của lễ kỷ niệm. Nội dung trên mới chỉ được quy định mang tính nguyên tắc tại Điều 17, chương IV Nghị định 145/2013/NĐ-CP. Vì vậy, trên thực tế tình trạng nhiều nơi tổ chức lễ kỷ niệm với quy mô lớn, nghi thức rườm rà; thành phần, số lượng khách mời đông; huy động lực lượng quần chúng nhiều, gây tốn kém, lãng phí  hoặc cũng có nơi tổ chức quá đơn giản, thiếu trang trọng. Do đó, việc tổ chức lễ kỷ niệm không đảm bảo được mục đích, yêu cầu đặt ra, làm ảnh hưởng xấu đến dư luận và gây mất lòng tin trong nhân dân.  

Chính vì vậy, việc ban hành Nghị định là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc ra đời của Nghị định tạo được cơ sở pháp lý cho việc công nhận và tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng ở các cấp được áp dụng thực hiện một cách thống nhất, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước; đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong việc quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng trong thời gian qua, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

- Nghị định số 111/2018/NĐ-CP Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương được xây dựng với 4 chương và 18 điều. Vậy xin bà cho biết những nội dung nổi bật của Nghị định số 111/2018/NĐ-CP vừa được ban hành? 

Một số nội dung nổi bật của Nghị định số 111/2018/NĐ-CP có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp việc công nhận và tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng thời gian tới đi vào nề nếp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Nghị định đã quy định cụ thể điều kiện công nhận ngày truyền thống khi có tài liệu lịch sử thể hiện ngày cụ thể đánh dấu bằng sự kiện đáng ghi nhớ cách thời điểm đề nghị công nhận ít nhất là 10 năm; có tính giáo dục truyền thống lịch sử và ý nghĩa đối với Bộ, ngành, địa phương. Việc công nhận phải qua bước thẩm định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền công nhận. Hồ sơ, trình tự, thẩm quyền công nhận quy định cụ thể, chi tiết, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Thứ hai, về tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, Nghị định quy định đối với việc tổ chức kỷ niệm năm tròn ngày thành lập, ngày truyền thống,  phải có kế hoạch tổ chức, trong đó xác định về thời gian, địa điểm, chương trình, thành phần đại biểu của lễ kỷ niệm. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm năm tròn một trong các ngày: ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống; không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm. Đối với việc kỷ niệm năm khác thì không tổ chức lễ kỷ niệm, chỉ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua ... Nghị định cũng quy định cụ thể từng bước tiến hành nghi thức lễ kỷ niệm; khách mời dự lễ kỷ niệm.

Thứ ba, Nghị định quy định tổ chức ngày hưởng ứng khi đáp ứng một trong các điều kiện sau: Do Việt Nam tham gia các Điều ước quốc tế hoặc những sự kiện được Cộng đồng quốc tế kêu gọi tham gia; chủ đề của ngày hưởng ứng có tính cần thiết, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tổ chức ngày hưởng ứng và yêu cầu tổ chức ngày hưởng ứng phải đảm bảo tính thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả và chỉ sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa; chương trình tổng thể của việc tổ chức ngày hưởng ứng; nội dung, hình thức của các thông điệp tuyên truyền phải đảm bảo phù hợp đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam; các sự kiện mít tinh, diễu hành, hội nghị, hội thảo và các hoạt động của ngày hưởng ứng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, an toàn xã hội.

- Cùng với việc ban hành Nghị định, các hoạt động tiếp theo cần triển khai là gì để việc tổ chức ngày lễ được thiết thực, ý nghĩa mà không rình rang tốn kém, thưa bà?

Để một Nghị định mới ban hành đi vào thực tế thì thông thường việc triển khai tiếp theo là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, do đối tượng áp dụng của Nghị định số 111/2018/NĐ-CP là các cơ quan nhà nước, do vậy, hoạt động cần chú trọng là kiểm tra, đôn đốc để việc tổ chức các hoạt động trong thời gian tới thực hiện đúng quy định của Nghị định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, giúp việc công nhận và tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng thời gian tới đi vào nề nếp. 

Như tôi đã trao đổi, đối tượng áp dụng của Nghị định là các Bộ, ngành, địa phương, do vậy, khi đã có quy định tại Nghị định thì việc quán triệt, nghiêm túc thực hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sẽ giúp Nghị định đi vào cuộc sống.

Xin chân thành cảm ơn chia sẻ của bà!

Thực hiện phỏng vấn Gia Linh

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ