• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” đáp ứng các tiêu chí UNESCO

20/08/2018 07:54

(Cinet) –UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Kế hoạch số 3511/KH-UBND về việc xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

(Cinet) – UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Kế hoạch số 3511/KH-UBND về việc xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Năm 2017, Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Vietnamplus

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh Dự thảo Quyết định thành lập Ban xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” đệ trình UNESCO trước ngày 25/8/2018. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Kế hoạch chi tiết hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Theo yêu cầu, công tác xây dựng hồ sơ phải đảm bảo tính khoa học, xác thực và phù hợp với hướng dẫn thực hiện Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và tuân thủ quy định của Luật di sản văn hóa.

Ngoài ra, phải đảm bảo đúng tiến độ, theo đúng mẫu quy định của UNESCO để gửi tới Ban thư ký Công ước 2003 của UNESCO (Paris, Cộng hòa Pháp) theo đúng kế hoạch của Chính phủ, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu.

Trước đó, Bộ VHTTDL đã thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc xây dựng Hồ sơ Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Việc xây dựng hồ sơ Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm đệ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp nhằm nâng cao nhận thức và hành động của Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm ở Việt Nam.

Qua đó, góp phần tôn vinh nghề thủ công truyền thống của dân tộc; Quảng bá, giới thiệu nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm ở quy mô quốc gia và quốc tế.

Đồng thời, khuyến khích các nghệ nhân, các nhóm, các đoàn thể và các tổ chức thực hành, gìn giữ và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm, phù hợp với mục tiêu của Luật di sản văn hóa và Công ước 2003 của UNESCO, và kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này.

Lan Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ