• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Yếu tố Nga, Trung sau lưng biến động đặc nhiệm Mỹ tại Phi châu?

Thế giới 07/06/2018 13:04

(Tổ Quốc) -Kế hoạch dự kiến nhằm giảm bớt quân số của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại châu Phi đang dấy lên các phản ứng khác nhau từ các chuyên gia quân sự Mỹ.

Các kế hoạch dự kiến nhằm giảm bớt quân số của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại châu Phi đang dấy lên các phản ứng khác nhau từ các chuyên gia quân sự Mỹ.

Thời báo New York (NYT) lần đầu tiên đưa tin về những kế hoạch trên trong tuần này, nói rằng Mỹ có thể giảm số lính đặc nhiệm từ 1.200 lính xuống còn 700 người trong ba năm tới. Mặc dù các quan chức Lầu Năm Góc đã nhất trí với các phác thảo chung về việc cắt giảm, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra, các quan chức quân đội Mỹ nói với VOA.

Mỹ phân chia lợi ích quân sự toàn cầu

Đề xuất trên được đưa ra sau một cuộc đánh giá của Lầu Năm Góc đối với một vụ việc vào tháng 10 năm ngoái, trong đó bốn lính Mũ nồi Xanh của Mỹ bị phục kích và giết hại trong khi tuần tra ở Niger. Các nhà điều tra Lầu Năm Góc nhận thấy nhiều thiếu sót của họ, bao gồm việc đào tạo và giám sát không đầy đủ. Vụ việc này đã khiến một số thành viên trong Quốc hội Mỹ kêu gọi giảm bớt lực lượng của Washington tại vùng Sahel châu Phi, một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới.

Vụ việc các lính đặc nhiệm Mỹ bị giết hại tại Nigeria đã khiến Lầu Năm Góc xem xét lại các kế hoạch tại châu Phi. 

Trong một tuyên bố với VOA, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Sheryll Klinkel cho biết, Hoa Kỳ đã liên tục có những đánh giá về việc phân bổ lực lượng trên toàn cầu và điều chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế.

“Liên quân luôn xem xét các kế hoạch, chiến dịch và hoạt động đầu tư quân sự trên toàn cầu để đưa ra các lựa chọn tốt nhất nhằm giải quyết những mối đe dọa liên tục gia tăng liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ”, bà nói. “Những đánh giá định kỳ và toàn diện này của quân đội Mỹ duy trì được lợi thế quân sự toàn cầu của chúng tôi và tối ưu hóa việc áp dụng các nguồn lực của chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hiện tại chưa có định hướng nào trong việc điều chỉnh quân số của AFRICOM -Bộ tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách châu Phi ”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Nigeria John Campbell, một thành viên của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), đã nói với VOA qua Skype rằng, các quan chức quân sự Mỹ lo ngại lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã quá tải nhiệm vụ.

"Sẽ là khá hợp lý để thấy châu Phi như là một nơi mà việc cắt giảm quân sự là có thể thực hiện được," ông nói và cho biết thêm, số lượng binh lính bị rút đi có thể được thay thế bằng các khí tài quân sự khác.

Campbell nói, “Mục đích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở châu Phi là huấn luyện quân đội châu Phi bản địa để cải thiện năng lực của các quốc gia châu Phi về cơ bản để đảm bảo an ninh của chính họ. Tôi nghĩ rằng loại hình đào tạo này có thể và nên được cung cấp, nhưng nó không phải được cung cấp bởi lực lượng đặc nhiệm”.

Tính cấp thiết về an ninh Phi châu

Tuy nhiên, nhiều người khác lại đặt ra câu hỏi về thời điểm và lý do cho quyết định này. Donald Bolduc, cựu chỉ huy của chiến dịch đặc nhiệm châu Phi, cho biết các mối đe dọa hiện hữu sau vụ các lính đặc nhiệm Mỹ tại Niger bị giết hại đã cho thấy Washington cần duy trì sự hiện diện của mình trong khu vực.

“Bất cứ ai hiểu tôi đều biết rằng tôi sẽ không đồng ý với bất kỳ sự cắt giảm quân số nào ở châu Phi. Chúng tôi có lẽ còn có quá ít lực lượng để bắt đầu một tiến trình như vậy, ”Bolduc nói. “Lý do của tôi là, chúng tôi đang ở 28 quốc gia khác nhau thực hiện 96 nhiệm vụ khác nhau cùng 886 nhiệm vụ phối hợp. Và chúng tôi còn chưa thể nắm giữ được hoàn toàn tình hình và hỗ trợ được các đối tác của chúng tôi trong việc xóa sổ, làm suy yếu và trung hòa các tổ chức cực đoan bạo lực như chúng tôi mong muốn”.

Bolduc cho biết, việc các lực lượng cực đoan kiểm soát được các khu vực dân cư thưa thớt và địa hình khắc nghiệt là “nơi lực lượng đặc nhiệm mới có thể hoạt động”, và chỉ có các đơn vị ưu tú mới có thể tới đó để bảo đảm an ninh cho các tổ chức phi chính phủ, lực lượng Liên Hợp Quốc và các đối tác địa phương.

“Nếu không có sự hiện diện mà chúng tôi đang triển khai hiện tại, theo thời gian, chúng ta sẽ chỉ gia tăng sức mạnh của các tổ chức cực đoan bạo lực, và chúng ta sẽ đánh mất lòng tin và sự tín nhiệm trong khu vực này và còn làm tình hình mất ổn định hơn nữa”, Bolduc nói.

Các đề xuất trên được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc và Nga đang gia tăng sự hiện diện quân sự của họ trên lục địa châu Phi.

Tháng trước, Bắc Kinh đã thông báo sẽ chủ trì sự kiện đầu tiên của Diễn đàn Trung Quốc-châu Phi về quốc phòng và an ninh trong mùa hè này, theo một bản tin của hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã. Vào ngày Chủ nhật vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong một chuyến thăm tới Rwanda rằng, hai nước đã tăng cường hợp tác trên các hệ thống quốc phòng, một phần trong mối quan hệ đối tác rộng lớn hơn, cũng theo Tân Hoa xã.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ