• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

10 bộ phim từng bị vùi dập không thương tiếc tại Cannes

Thế giới 19/05/2016 13:17

(Tổ Quốc)- Bị khán giả la ó, phản đối nhưng những bộ phim này vẫn giành được nhiều giải thưởng lớn

(Tổ Quốc)- Bị khán giả la ó, phản đối nhưng những bộ phim này vẫn giành được nhiều giải thưởng lớn

Khán giả của Liên hoan phim Cannes vốn nổi tiếng bảo thủ và “lắm điều”. Họ không bao giờ e ngại đứng lên gào thét, la lối… thẳng thắn bộc lộ cảm xúc và ý kiến của mình ngay tại buổi công chiếu phim, mà không hề e ngại đến sự có mặt của đội ngũ đạo diễn và các ngôi sao đang ngồi ngay trên hàng ghế đầu. Tuy nhiên, có phải ý kiến của khán giả luôn luôn đúng? Trong khá nhiều trường hợp, những bộ phim bị khán giả phản đối lại giành được các giải thưởng quốc tế, trong đó có cả Cành cọ Vàng- danh hiệu cao quý nhất của mỗi kỳ Liên hoan phim Cannes. Hãy cùng điểm qua một số bộ phim đáng chú ý.

Gertrud (1964)

Đạo diễn người Đan Mạch Carl Theodore Dreyer vốn không xa lạ với những lùm xùm, tranh cãi. Ông nổi tiếng với việc phản đối quyết định kiểm duyệt các cảnh tôn giáo nhạy cảm trong kiệt tác năm 1928 của chính mình, bộ phim câm The Passion of Joan of Arc.

Tuy nhiên, bộ phim cuối cùng của Dreyer, Gertrud- kể về tình yêu mãnh liệt của một nghệ sỹ opera, đã khiến ông nhận được rất nhiều chê bai từ các khán giả Pháp khi trình chiếu tại Cannes 1964. Mặc dù, sau đó Gertrud được giới phê bình nhận định là một trong những bộ phim xuất sắc nhất trong năm, có lẽ diễn biến chậm và các tình tiết dài lê thê của bộ phim đã không được lòng người xem tại Cannes.  

Taxi Driver (1976)

Có rất nhiều bộ phim từng bị la ó khi công chiếu tại Cannes, nhưng có lẽ khó có tác phẩm nào có thể vượt qua được bộ phim của đạo diễn Martin Scorsese về mức độ “gạch đá” mà nó nhận được.

Giờ đây được coi là một bộ phim kinh điển, nhưng tại Cannes 1976, tính cách của nhân vật do Robert De Niro thủ vai, và một số tình tiết trong phim đã thực sự chọc giận khán giả. Mặc dù vậy, Taxi Driver vẫn nhận được Cành cọ vàng danh giá và bốn đề cử Oscar sau đó (bao gồm cả đề cử cho Bộ phim xuất sắc nhất).

Under the Sun of Satan (1987)

Không chỉ khắt khe với các bộ phim của Hollywood, khán giả Cannes sẵn sàng chĩa gai nhọn vào cả các “gà nhà”. Ngay cả huyền thoại điện ảnh Pháp Gerard Depardieu cũng phải chịu số phận này. Bộ phim bi Under the Sun of Satan của đạo diễn Maurice Pialat với sự tham gia của Gerard Depardieu trong vai một thầy tu bị quyến rũ bởi quỷ dữ đã bị khán giả la ó ngay sau buổi công chiếu tại Cannes.

Bộ phim sau đó đã được trao Cành cọ vàng, tuy nhiên, phong cách làm phim mới mẻ, đầy táo bạo của đạo diễn Pialat được cho là nguyên nhân chính khiến Under the Sun of Satan không nhận được sự ủng hộ của người xem. “Tôi hạnh phúc ngay tại buổi tối ngày hôm nay, mặc dù cho tất cả những tiếng la hét, huýt sáo của các bạn nhắm vào tôi. Và nếu các bạn không thích tôi, tôi có thể nói rằng, tôi cũng không thích các bạn,” đạo diễn Pialat phát biểu ngay sau buổi công chiếu.

Pulp Fiction (1994)

Với lời thoại thông minh, kết cấu chặt chẽ và phần nhạc phim hoàn hảo, bộ phim lấy đề tài tội phạm của Quentin Tarantino nhận được phản hồi tốt từ khán giả tại Cannes.

 



Tuy nhiên, khi bộ phim vượt qua Three Colors Red - tác phẩm được đánh giá cao hơn rất nhiều của đạo diễn Krzysztof Kieślowski và được tuyên bố giành giải thưởng cao nhất Cành Cọ vàng, khán giả đã ngay lập tức thể hiện sự phẫn nộ và lớn tiếng la ó.

The Brown Bunny (2003)

Mặc dù gây chú ý với cảnh sex bằng miệng của nữ diễn viên Chloë Sevigny vào cuối phim, nhưng bộ phim của đạo diễn Vincent Gallo vẫn bị vùi dập khi ra mắt tại Cannes 2003. Nhà phê bình Roger Ebert gọi The Brown Bunny là bộ phim tệ hại nhất ông từng xem tại một kỳ liên hoan phim. Đáp lại, đạo diễn Gallo gọi Ebert là “một con lợn béo có hình hài của kẻ buôn nô lệ,” và cầu cho ông này “bị mắc bệnh ung thư”.

Đáng ngạc nhiên là sau đó, chính Gallo lại chủ động hòa giải với Ebert, chỉnh sửa lại bộ phim và cho ra mắt một phiên bản mới có kết cấu chặt chẽ hơn, thậm chí còn nhận được sự tán thưởng từ Ebert.   

Marie Antoinette (2006)

Nữ đạo diễn Sofia Coppola đã khắc họa hình ảnh của một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Pháp trong một bộ phim đầy tính đương đại và theo trường phái ấn tượng, với sự tham gia diễn xuất của ngôi sao Kirsten Dunst. Không ngoài dự đoán, Marie Antoinette của Coppola không nhận được tán thưởng từ những khán giả Cannes khó tính.

“Tôi không biết về vụ la ó,” nữ đạo diễn nói khi được cho biết về những phản ứng của người xem, “nhưng điều đó cũng tốt hơn những nhận xét một chiều.”

Antichrist (2009)

Với rất nhiều cảnh quay sex cận cảnh, một con cáo biết nói… Antichrist của đạo diễn Lars von Trier là một bộ phim gây ám ảnh và khá thu hút. Nhận được đánh giá cao từ các nhà phê bình và dư luận một số nơi, nhưng tại Cannes, tất nhiên, bộ phim bị khán giả quay lưng và ném “gạch đá”.

Inglourious Basterds (2009)

Bộ phim là một ví dụ khác về độ vênh giữa phản ứng của khán giả tại Cannes và nhận xét của các nhà phê bình. Mặc dù nhận được vô số đề cử tại các giải thưởng quốc tế, khi công diễn ở Cannes, bộ phim vẫn không thoát khỏi sự la ó của người xem.

The Tree of Life (2013)

Bộ phim của đạo diễn Terrence Malick với sự tham gia của tài tử Brad Pitt có thể được coi là một thành công khi trình chiếu tại Cannes với một loạt các lời khen ngợi có cánh đến từ khán giả và giới phê bình.

Tuy nhiên, vẫn có một lượng nhỏ người xem cảm thấy không hài lòng và quyết định thể hiện thái độ phản đối sau khi bộ phim kết thúc. “Sự la ó hôm nay tại cuối buổi công chiếu Tree of Life là một điều xấu xí và mang bản năng động vật. Điều này giải thích tại sao đạo diễn Malick không tổ chức họp báo,” nhà báo Eric Kohn của trang IndieWire nặng nề chỉ trích.

Personal Shopper (2016)

Bộ phim mới nhất của đạo diễn Olivier Assayas với sự tham gia của ngôi sao Kristen Stewart là nạn nhân mới nhất của thói “la ó” của khán giả Cannes năm nay. Tuy nhiên, cả Assayas và Stewart không cần cảm thấy phiền lòng về điều này.

Đánh giá về Personal Shopper, nhà phê bình phim Robbie Collin của tờ Telegraph viết: “Personal Shopper bị phản đối không phải bởi vì nó tệ (thực sự không phải như vậy), mà bởi vì bộ phim đã phá vỡ những quan điểm truyền thống về một tác phẩm điện ảnh hay, theo một cách đương nhiên khiến bạn phải tranh cãi… Assayas và Stewart nên coi những lời la ló này là những huy hiệu danh dự.”

Minh Đức (theo Telegraph)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ