(Tổ Quốc) - Nikkei đã đưa ra danh sách 10 công ty châu Á, từ những nhà sản xuất chip đến những người tiên phong trong công nghệ, có thể có đột phá trong năm 2023.
Sau khi vượt qua một năm đầy biến động của xung đột, lạm phát và đại dịch kéo dài, các công ty châu Á đang tăng trưởng và hướng đến mục tiêu làm rung chuyển thị trường trong và ngoài nước vào năm 2023.
BYD: Phát triển mạnh xe điện EV
Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD bước vào năm 2023 sau khi đã đạt được một cột mốc quan trọng: bán chạy hơn công ty dẫn đầu ngành Tesla tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.
BYD đã nhận được sự hỗ trợ từ Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới, và được dự đoán sẽ đa dạng hóa mặt hàng trong năm nay. Họ có kế hoạch tham gia vào phân khúc ô tô cao cấp với dự kiến tung ra mẫu xe Yangwang trong quý đầu tiên.
Nhà sản xuất ô tô này cũng đã để mắt đến các thị trường đang phát triển ở nước ngoài bằng cách xây dựng một nhà máy sản xuất trị giá 491 triệu USD ở Thái Lan, đặt mục tiêu tương tự tại Ấn Độ và hướng đến bán xe điện ở Nhật Bản.
Indika Energy: Vượt ra ngoài khai thác than
Giống như nhiều công ty khai thác than ở Indonesia, Indika Energy đã đạt được mức lợi nhuận kỷ lục vào năm 2022 khi xung đột ở Ukraine thúc đẩy nhu cầu năng lượng toàn cầu. Giờ đây, Indika có kế hoạch sử dụng số tiền lời đó để tăng tốc độ đa dạng hóa ngành nghề trước những lo ngại ngày càng tăng về biến đổi khí hậu.
Indika hướng đến mang về một nửa doanh thu của tập đoàn từ các hoạt động kinh doanh ngoài than đá vào năm 2025, tăng từ 14% vào tháng Sáu.
Vào tháng 9/2022, công ty này đã công bố một liên doanh mới với tập đoàn công nghệ Đài Loan (Trung Quốc) Foxconn - Foxconn Indika Motor - với kế hoạch ban đầu là sản xuất pin và xe buýt điện ở Indonesia. Indika cũng sẽ tìm cách phát triển hơn nữa Tập đoàn Ilectra Motor, nhà sản xuất xe tay ga điện tử mà họ đã thành lập trước khi thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm bên ngoài.
COMAC: Phát triển máy bay Trung Quốc
Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), kỷ niệm 15 năm thành lập vào tháng 5/2022, đang tiến thêm một bước trong sứ mệnh phá vỡ thế độc quyền toàn cầu về máy bay thương mại cỡ trung do Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu tạo ra.
Vào ngày 9/12/2022, chiếc máy bay phản lực thân hẹp C919 đầu tiên - được đặt tên là dafeiji đã được chuyển giao cho China Eastern Airlines, đánh dấu sự khởi đầu của họ để đối trọng với mẫu 737 của Boeing và A320 của Airbus.
Đã có 300 đơn đặt hàng từ bảy công ty Trung Quốc đặt vào tháng 11 và có khả năng chuyển giao mẫu máy bay này cho các hãng vận tải nội địa.
Rohm: Tái tạo sức mạnh cho lĩnh vực chip của Nhật Bản
Nhà sản xuất chip Nhật Bản Rohm đã ghi nhận doanh thu thường niên tốt nhất trong 21 năm qua vào năm 2022 và dự kiến họ sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa vào năm 2023. Sự phát triển này phản ánh nỗ lực của Nhật Bản một lần nữa biến mình trở thành cường quốc bán dẫn lớn.
Kế hoạch của Rohm dường như là kết hợp cùng Toshiba, cũng là một nhà sản xuất chip khác, để củng cố vị thế của mình trong một thị trường được dự đoán sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2025.
Chip điện được sử dụng để điều khiển các thiết bị công nghiệp như xe điện, nhà máy điện, máy móc và tàu hỏa. Đây là lĩnh vực mà Nhật Bản vẫn có lợi thế và chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích hợp nhất ngành để tăng quy mô và khả năng cạnh tranh.
VNG: Kỳ lân Việt Nam phi nước đại tiến tới IPO
VNG, kỳ lân đầu tiên của Việt Nam, đã nổi lên như một trong những công ty đáng chú ý, khi lần đầu chào bán cổ phiếu ra công chúng trong năm nay. Là một trong những ngôi sao công nghệ đang lên của Đông Nam Á, VNG cung cấp nhiều dịch vụ từ trò chơi, nhắn tin, thanh toán di động cho đến trợ lý giọng nói trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.
Được thành lập vào năm 2004, VNG khởi đầu là một nhà phát triển và phát hành trò chơi trực tuyến. Sau đó, VNG liên tục mở rộng sang các lĩnh vực khác, đáng chú ý nhất là Zalo, ứng dụng nhắn tin ra mắt vào năm 2012. Dịch vụ này đã vượt qua Facebook Messenger của Meta tại Việt Nam vào năm 2020 và hiện có hơn 74 triệu người dùng hoạt động tại thị trường Việt Nam - nơi ứng dụng này được sử dụng để trò chuyện, mua sắm, gửi tiền và thanh toán hóa đơn hộ gia đình.
Hoạt động kinh doanh của công ty đã mở rộng sang các thị trường châu Á khác, nơi họ cạnh tranh với các đối thủ lớn như Sea có trụ sở tại Singapore. Với người dùng tại hơn 130 quốc gia, VNG đặt mục tiêu đạt 320 triệu khách hàng trên toàn cầu vào năm 2023.
Aqumon: Tư vấn đầu tư bằng thuật toán
Công ty khởi nghiệp này có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) và nhận được hỗ trợ bởi Tập đoàn Alibaba Group để phát triển "các cố vấn robot". Họ đang tạo nên các thuật toán và bán dịch vụ của mình cho các ngân hàng và công ty chứng khoán để giúp khách hàng của những đối tác này đưa ra quyết định đầu tư.
Sau khi có tên tuổi ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, Aqumon sẽ tập trung mở rộng ở Đông Nam Á vào năm 2023, nhắm mục tiêu vào Indonesia, Thái Lan và Singapore.
Theo nhà đồng sáng lập Kelvin Lei, Aqumon dự kiến vào năm 2023sẽ đạt doanh thu gấp ba lần so với năm 2022.
Viện Huyết thanh Ấn Độ: Hướng đến các loại vaccine mới
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, đã trở thành cái tên quen thuộc trong đại dịch COVID-19 sau khi được cấp giấy phép sản xuất vắc xin Oxford-Astra Zeneca.
Chỉ trong 6 tháng, từ tháng 3 tính đến tháng 9 năm 2021, doanh thu của SII đã bằng 1,7 lần cả năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2021, theo CARE Ratings.
Giám đốc điều hành SII Adar Poonawalla hiện đang sẵn sàng cho giai đoạn phát triển tiếp theo, xây dựng một nhà máy tăng gấp đôi công suất vắc xin hàng năm lên 4 tỷ liều. Ông Poonawalla đã mua lại Schott Kaisha, nhà sản xuất lọ và ống tiêm, để tăng cường cung cấp vật liệu đóng gói. SII cũng đầu tư vào MyLabs, công ty sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm COVID.
Để duy trì đà tăng trưởng khi nhu cầu về vắc xin COVID giảm dần, SII tăng tốc nghiên cứu các loại vắc xin mới cho bệnh sốt xuất huyết và ung thư cổ tử cung và cũng có động thái hướng đến các sản phẩm sinh học.
Xiaohongshu: Nền tảng truyền thông xã hội đi đúng hướng
2023 có thể là một năm quyết định đối với Xiaohongshu, một nền tảng truyền thông xã hội về phong cách sống được thành lập vào năm 2013 và được một số người mô tả là câu trả lời của Trung Quốc cho Instagram.
Được hỗ trợ bởi Tencent Holdings và Alibaba Group Holding, nền tảng này cho phép người dùng chia sẻ các mẹo về thực phẩm, tập thể dục, chăm sóc da và phong cách bằng định dạng ảnh và video. Số lượng người dùng hoạt động hàng tháng đã lên tới 200 triệu người, trong đó 70% là phụ nữ sinh sau năm 1990. Xiaohongshu đã trở thành một nơi quan trọng để các thương hiệu thực hiện tiếp thị trực tuyến.
Xiaohongshu đang tìm cách kiếm thêm thành công từ việc bán hàng trực tiếp để đa dạng hóa nguồn thu nhập của mình. Khoảng 90% doanh thu của công ty là từ quảng cáo vào năm 2021, theo LatePost.
UMC: Thu lợi nhuận từ nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng
United Microelectronics Corp. (UMC) của Đài Loan (Trung Quốc) đôi khi bị lép vế so với công ty cùng ngành lớn hơn là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Giờ đây, UMC đang được hưởng lợi từ mong muốn của một số nhà phát triển chip và nhà sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu nhằm mở rộng chuỗi cung ứng. Công ty đã đạt được doanh thu kỷ lục trong thời gian thiếu hụt chip chưa từng có hai năm qua.
Nhà sản xuất chip Đài Loan này cũng đang xây dựng một dây chuyền sản xuất với Denso của Nhật Bản để sản xuất chất bán dẫn điện cho ô tô, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Nhật Bản về chip ô tô.
Nidec: Chuẩn bị cho nửa thế kỷ tới
Nhà sản xuất động cơ Nhật Bản Nidec sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2023 với khối lượng công việc lớn. Họ đã thực hiện một loạt thương vụ mua lại trong phân khúc máy công cụ mà họ coi là động lực tăng trưởng lớn, bao gồm nhà sản xuất OKK của Nhật Bản, PAMA của Italy và mảng động cơ công cụ của Mitsubishi Heavy Industries.
Nidec cũng đang chuẩn bị cho một bước chuyển lớn hơn đối với xe điện bằng cách thiết lập một hệ thống cho phép họ tự sản xuất các bộ truyền động lõi và các bộ phận cho xe điện.