(Tổ Quốc)- An ninh lương thực toàn cầu đang bị đe doạ trước nguy cơ tuyệt chủng của một số loại thực vật
(Tổ Quốc)- An ninh lương thực toàn cầu đang bị đe doạ trước nguy cơ tuyệt chủng của một số loại thực vật
Một bản báo cáo mới đây của Tổ chức Thực trạng Thực vật Thế giới, thuộc Vườn sinh học Hoàng gia Kew (Anh Quốc) cho biết, khoảng 1/5 tổng số loài thực vật trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng – một khả năng đe dọa nghiêm trọng đến nguồn cung cấp lương thực và thuốc men cho toàn nhân loại.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, mỗi năm có hơn 2.000 loài thực vật mới được con người tìm ra. Hiện trên toàn cầu đã xác định được khoảng 390.000 loài thực vật, trong đó hơn 30.000 loài đang được sử dụng bởi chính con người. Trong đó, có hơn 5.000 loài đang phát triển ngoài tầm kiểm soát và gây ra những thiệt hại lên tới hàng tỉ đôla Mỹ tại một số quốc gia trên thế giới.
“Thực vật là một trong những nền tảng cơ bản của nhân loại,” Giáo sư Kathy Willis, Giám đốc khoa học của Vườn Kew, cho biết. “Thực vật cung cấp cho chúng ta mọi thứ: thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men, vật liệu xây dựng và chúng cũng là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình điều hòa khí hậu. Nếu không tái nhìn nhận lại những ưu tiên và nỗ lực liên quan, cũng như xây dựng nguồn dự trữ thực vật, loài người sẽ phải đối mặt với những hệ quả tàn khốc.”
Một trong những nguyên nhân lớn nhất đe doạ sự tồn tại của các loài thực vật là việc môi trường sống bị phá huỷ nhằm phục vụ cho mục đích canh tác và chăn nuôi (ảnh: Getty)
Bản báo cáo của Tổ chức Thực trạng Thực vật Thế giới bao gồm những phân tích về tình trạng thực vật toàn cầu hiện nay, đồng thời nhấn mạnh những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến thảm thực vật thế giới và đề xuất những phương hướng giải quyết. Theo đó, yếu tố lớn nhất đe dọa các loài thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bao gồm việc môi trường sinh sống bị phá hủy nhằm phục vụ cho mục đích canh tác và chăn nuôi gia súc (chiếm 31%); tình trạng phá hủy rừng lấy gỗ (21%) và quá trình xây dựng cơ sở vật chất, nhà cửa (13%).
Thay đổi khí hậu hiện được đánh giá chỉ là một nguyên nhân nhỏ (chiếm 4%) nhưng vai trò đang dần tăng. “Tôi cho rằng trong vòng 30 năm tới chúng ta mới có thể nhìn thấy toàn bộ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bởi các loài thực vật, đặc biệt là cây cối cần rất nhiều thời gian để sinh sôi,” ông Willis nói. Một trong những loài thực vật đã và đang phải chịu những tác động của biến đổi khí hậu là cà phê. Tại một số quốc gia sản xuất cà phê lớn như Ethiopia, nhiệt độ trái đất tăng khiến hạt cà phê không thể phát triển và phát sinh nhiều dịch bệnh mới.
Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện ra các loại thực vật mới đã đem lại nhiều tín hiệu khả quan. “Chúng tôi vẫn liên tục tìm ra các giống cây, các nguồn cung cấp thực phẩm mới. Ví dụ như năm ngoài đã có 5 giống hành mới được phát hiện,” Willis cho biết. Riêng tại Vườn Kew, mỗi năm các nhà sinh vật học thường tìm ra khoảng 200 đến 300 loại thực vật mới. “Có nhiều nơi trên thế giới mà chúng tôi không xác định được những loài nào đang sinh trưởng ở đó. Chúng rất có thể đang nắm giữ chìa khóa mở ra tương lai cho nền lương thực của loài người.”
Nhiều giống cây trồng quan trọng đã phát triển qua hàng ngàn năm và cho sản lượng cao, nhưng giờ đây chúng đã mất đi các gien chống lại sâu hại và biến đổi khí hậu. Chuối, cao lương, cà tím là ba trong số những loại cây hiện còn rất ít khả năng chống chọi lại các mối đe dọa mới từ bên ngoài. Việc tìm ra các giống loài tương tự có thể giúp con người có nhiều sự lựa chọn hơn trong tương lai.
“Với những thách thức mang tính toàn cầu đến từ dân số tăng, tình trạng sử dụng đất, sâu hại và dịch bệnh vv, việc tìm mới và bảo tồn các giống loài trở nên đặc biệt cấp thiết,” bản báo cáo ghi rõ. “Điều này giúp tăng khả năng đối phó của loài người trước biến đối khí hậu, sâu hại và dịch bệnh và quan trọng hơn hết, là đảm bảo cho an ninh lương thực toàn cầu.”
Trong số 2.000 loài thực vật mới được khám phá ra trong năm 2015, đáng chú ý là cây ăn côn trùng (tên khoa học là Drosera magnifica), cao 1,5m và được đánh giá có kích cỡ lớn nhất trong các loài tương tự. Cây này chỉ sinh trưởng tại một vùng núi tại Brazil và tình cờ được phát hiện ra trên Facebook, khi một nhà sinh vật học đang xem lại các bức ảnh từng được chụp nhiều năm trước đây bởi một chuyên gia về hoa phong lan. Một phát hiện khác là loài cây cao tới 45m, nặng khoảng hơn 100 tấn, có tên khoa học là Gilbertiodendron maximum tại vùng rừng nhiệt đới của quốc gia Trung Phi Gabon.
Loài cây ăn côn trùng lớn nhất thế giới (ảnh: Getty)
Tầm quan trọng của các cây phục vụ cho mục đích làm dược phẩm cũng được nhắc tới trong bản báo cáo. Theo đó, khoảng 57% trong số hơn 30.000 loài thực vật đang được sử dụng, xuất hiện trong thành phần các loại thuốc khác nhau. Hơn 5.500 loài là thực phẩm cho con người, 2.500 loài có độc tính và 1.400 loài có công dụng “đặc biệt” như thuốc lá và cần sa.
Bên cạnh đó, tình trạng xâm lấn khi thực vật xuất hiện tại các môi trường mới và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cũng được đề cập đến. “Chi phí giải quyết tình trạng xâm lấn của thực vật ước tính chiếm khoảng 5% kinh tế toàn cầu. Riêng tại Anh, mỗi năm 1,7 tỷ bảng đã được tiêu tốn cho cho vấn đề này,” số liệu trong bản báo cáo cho biết. Một ví dụ điển hình là loài cỏ Nhật (có tên khoa học là Reynoutria japonica) du nhập vào Anh từ giữa thế kỷ 19 với mục đích ban đầu là phục vụ cho trang trí vườn tược. Hiện tại, mỗi năm nước Anh phải bỏ ra hơn 165 triệu bảng để kiềm chế sự sinh trưởng của loài này.
Tình trạng buôn bán trái phép các loài thực vật nằm trong sách cấm cũng là một vấn đề nan giải. Tại sân bay Heathrow – một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới, mỗi ngày đều có những vụ buôn lậu thực vật quý hiếm bị phát hiện và bắt giữ, 42% trong số đó là các vụ liên quan đến hoa phong lan.
Minh Đức (theo The Guardian)