• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

2010: Khi Mẹ Trái Đất nổi giận

Thế giới 27/12/2010 11:56

(Toquoc)-Những thảm hoạ thiên nhiên năm 2010 làm 260.000 người chết, thiệt hại về kinh tế khoảng 222 tỷ USD

(Toquoc)-Năm 2010, Mẹ Trái Đất nhiều lần nổi giận gây ra những thảm hoạ thiên nhiên làm thiệt hại khoảng 222 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu, gấp 3 lần năm 2009; đây cũng là “năm chết chóc” nhất trong hơn một thế kỷ qua với 260.000 người bỏ mạng, nhiều hơn tổng số người chết vì các vụ khủng bố trong 40 năm gộp lại.

Sự gia tăng đột biết số vụ thiên tai do thời tiết khắc nghiệt trong năm 2010 được cho là bằng chứng rõ nét nhất về những tác động to lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu. Trái đất đang ngày càng nóng lên. 2010 ghi nhận là năm nóng nhất kể từ năm 1820, thời điểm các số liệu về nhiệt độ bắt đầu được theo dõi.

Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA), cảnh báo, mặc dù nhiều vụ thiên tai như núi lửa là hoạt động mang tính chu kỳ không thể tránh khỏi của Trái đất, nhưng chính bàn tay con người đã góp phần tạo ra một năm tang thương, tổn thất nặng nề về người và của. Chỉ riêng trận động đất tại Haiti hồi tháng Giêng đã cướp đi sinh mạng của hơn 223.000 người. Một tháng sau đó, một trận động đất khác có cường độ mạnh ở Chile cũng khiến gần 1000 người thiệt mạng.

Núi lửa Merapi, Indonesia "thức giấc"

Riêng tại châu Á, thảm họa thiên tai đã trở thành mối đe dọa thực sự với Các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm đói nghèo và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục vào năm 2015. Hậu quả của thảm họa thiên tai năm nay đã gây thiệt hại nặng nề hơn năm ngoái, trong khi số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học của các thảm họa (CRED) cho biết trong năm 2010, châu Á chiếm khoảng 40% trong tổng số hơn 330 vụ thiên tai trên toàn thế giới song số nạn nhân chiếm tới 89%, thiệt hại do thảm họa đã tăng lên tới gần 1.000 tỷ USD so với mức 75,5 tỷ USD vào thập niên 1960, 85% dân số tại các nước đang phát triển trên toàn thế giới phải hứng chịu động đất, bão, lũ lụt và hạn hán.

Tại Mỹ Latinh và Caribean, gần 100 thảm họa thiên nhiên lớn xảy ra trong năm nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 223.000 người, ảnh hưởng đến 13,8 triệu người khác và gây thiệt hại vật chất lên đến 49,4tỷ USD. Dưới góc độ kinh tế, Chile là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tại gây ra trong năm do trận động đất lịch sử 8,8 độ Richter, tiếp theo là Haiti với trận động đất 7 độ Richter gây thiệt hại vật chất gần 8tỷ USD.

Bà mẹ Trái Đất đã nổi giận với con người. Nhiều hoạt động, chương trình đã được tổ chức để cứu lấy môi trường. Nhưng những hành động đó đôi khi mới chỉ là những lời kêu gọi suông.

Hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra ở Cancun (Mexico) những ngày đầu của tháng cuối cùng của năm là một ví dụ. Trước thềm hội nghị, nhiều mục tiêu, tham vọng được đặt ra, nhưng kết cục, diễn đàn môi trường lớn nhất thế giới chỉ đạt được một thoả thuận đủ để cứu vãn tiến trình đối thoại chứ chưa cứu được vấn đề khí hậu.

Dưới đây là những số liệu thống kê một vài thảm hoạ thiên tai trong năm 2010:

Động đất ở Haiti

Ngày 12/1, một trận động đất mạnh 7 độ richte đã tấn công vào đất nước Haiti nghèo đói. Trận động đất này được đánh giá có sức công phá gấp 35 lần quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima, Nhật Bản trong Thế chiến thứ II. Khoảng 223.000 người thiệt mạng, 1,5 triệu người mất nhà cửa và hàng chục ngàn đứa trẻ trong nháy mắt trở thành mồ côi. Gần một năm trôi qua, nhiều nơi ở thủ đô của Haiti vẫn còn trong cảnh hoang tàn. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường sau động đất dẫn tới dịch tả lây lan đang rất đáng báo động ở quốc gia 8,5 triệu dân với hơn một nửa thất nghiệp và 70% sống với thu nhập dưới 2 USD/ngày. Số liệu mới nhất cho thấy, gần 1.200 người chết vì dịch tả, hơn 20.000 ca lây nhiễm bệnh.

Núi lửa ở Iceland

Núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland phun trào hôm 14/4 đã khiến hàng ngàn người dân phải sơ tán khỏi nơi cư trú.

Tro bụi của núi lửa bốc lên cao 15 km, bao phủ phần lớn Châu Âu, khiến cho hơn 100 ngàn chuyến bay bị hủy bỏ, 8 triệu hành khách bị mắc kẹt tại các sân bay trong hơn 6 ngày, làm thiệt hại cho các hãng hàng không khoảng 250 triệu USD một ngày.

Động đất ở Chile

Sáu tuần sau trận động đất ở Haiti, ngày 27/2, một trận động đất mạnh tới 8,8 độ richter, xảy ra ở vùng duyên hải của Chile, kèm theo sóng thần đã càn quét các thị trấn ven biển, làm rung chuyển 6 Bang lớn của Chile và một phần Argentina.

Gần 1.000 người chết và 200 ngàn người mất nhà cửa. Cơn địa chấn gây thiệt hại cho Chile khoảng 30 tỷ USD.

Lũ lụt ở Pakistan và châu Á

Mùa mưa diễn ra ở Pakistan vào tháng 7/2010 được coi là lớn nhất trong lịch sử 100 năm ở đất nước này. Nước dâng ngập hàng triệu hecta hoa màu, làng xóm, phá hủy cầu, đường và lây lan bệnh dịch.

Lũ lụt cũng cướp đi mạng sống của khoảng 2.000 người dân Pakistan và khiến 6 triệu người mất nhà cửa phải đối mặt với dịch tả và giá lạnh của mùa đông.

Ước tính thiệt hại do lũ lụt tại Pakistan lên tới 9,6 tỷ USD.

Nhiều nước châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam cũng trải qua một mùa mưa lũ khắc nghiệt trong năm 2010.

Hố Tử thần ở thành phố Guatemala

Chỉ sau một đêm, một hố tử thần rộng 20 m và sâu tới 30 m bất ngờ xuất hiện giữa giao lộ ở thành phố Guatemala và nuốt chửng một nhà máy cao ba tầng. Hiện tượng kỳ lạ này, đến nay vẫn chưa được các nhà khoa học tìm ra được nguyên nhân thỏa đáng.

Động đất ở Trung Quốc

Trận động đất 7,1 độ richter xảy ra tại tỉnh Thanh Hải hôm 13/4 đã khiến hơn 2.000 người chết và hàng chục ngàn người bị thương.

Trận động đất đã san phẳng toàn bộ một ngôi làng và dư chấn của nó đã khiến nhiều tòa nhà bị rạn nứt. Chính phủ Trung Quốc đã phải chi hơn 100 triệu USD để khắc phục hậu quả, tái kiến thiết lại cơ sở hạ tầng khu vực tâm chấn động đất.

Nắng nóng gây hoả hoạn ở Nga

Nga và châu Âu đã trải qua một mùa hè nóng kỷ lục. Nhiệt độ đạt mức cao nhất trong hơn 100 năm ở Nga đã gây cháy rừng nhiều nơi khiến thủ đô Moscow bị bao phủ bởi khói, nhiều chuyến bay bị hoãn. Lửa cháy hoành hành suốt nhiều tuần đã làm thiệt mạng 50 người và khiến 3.000 người mất nhà cửa.

Hỏa hoạn cũng thiêu rụi 1/3 diện tích trồng lúa mỳ của Nga, khiến giá cả thực phẩm tăng cao, đưa 1,4 triệu nông dân Nga lâm vào cảnh nghèo đói. Ước tính Chính phủ Nga phải chi khoảng 15 tỷ USD để khắc phục hậu quả do hỏa hoạn gây ra.

Và trong những ngày cuối năm này, nhiều nước châu Âu đang trải qua một mùa đông giá lạnh khủng khiếp, tuyết trắng bao phủ. Giao thông bị tê liệt, hàng trăm người thiệt mạng, hàng triệu người bị ảnh hưởng khi đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ Noel và đón năm mới./.

V.V (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ