(Tổ Quốc) - Công tác đối ngoại Việt Nam đặt ra các yêu cầu và nhiệm vụ mới trong năm 2022.
Năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mở ra một giai đoạn mới trong công cuộc đổi mới đất nước. Công tác đối ngoại của đất nước nói chung và ngành ngoại giao nói riêng đã hoàn thành tốt cả 3 nhiệm vụ cơ bản là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thu hút các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời đóng góp rất quan trọng vào phòng, chống đại dịch Covid-19.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ nhiệm vụ "tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại" trong việc thực hiện 3 mục tiêu: "tạo lập và giữ vững môi trường, hoà bình, ổn định", "huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước" và "nâng cao vị thế và uy tín của đất nước". Vì vậy, công tác đối ngoại và ngành ngoại giao nói riêng đang được triển khai trong bối cảnh mới. Cơ sở cho nhận thức này xuất phát từ nhiệm vụ chiến lược mới, từ tầm vóc và vị thế mới của đất nước và từ những thay đổi của cục diện quốc tế.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và kết luận của Hội nghị đối ngoại toàn quốc, nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngoại giao trong năm 2022 sẽ bao gồm các mục tiêu sau:
Ưu tiên thích ứng phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế
Công tác đối ngoại trong năm 2022 tiếp tục đặt ra các ưu tiên thích ứng phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Về ngoại giao vaccine, với tinh thần chủ động, Việt Nam đã đạt được thành tích đáng kể trong năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong top 6 về độ phủ vaccine trên thế giới. Tính đến tháng 1/2022, Việt Nam đã tiếp nhận gần 200 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Có thể nói, ngoại giao vaccine đã góp phần đảm bảo nhu cầu tiêm chủng ở trong nước và giảm đáng kể tác động tiêu cực của dịch bệnh, qua đó tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam có thể chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.
Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của tinh thần ngoại giao chủ động, công tác ngoại giao vaccine Covid-19 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm đảm bảo nhu cầu phục vụ tiêm chủng trong năm 2022, hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước, đảm bảo nguồn mua và hỗ trợ sản xuất, điều chế thuốc điều trị trong nước.
"Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng mới như hiện nay, công tác ngoại giao vaccine Covid-19 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm đảm bảo nhu cầu phục vụ tiêm chủng trong năm 2022, tiếp cận nguồn vaccine tiềm năng dành cho trẻ em, hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước, đảm bảo nguồn mua và hỗ trợ sản xuất, điều chế thuốc điều trị trong nước", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Về ngoại giao kinh tế quốc tế, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam trong năm 2021. Tiếp tục kế thừa và phát triển các thành tựu ngoại giao kinh tế trong năm ngoái, ngoại giao kinh tế trong năm 2022 sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ, kinh nghiệm quản lý…, phục vụ quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Trong bài viết với nhan đề "Ngoại giao Việt Nam vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đề cập đến các công tác đối ngoại trong năm 2022, trong đó nhấn mạnh quyết tâm đi vào những lĩnh vực, hướng đi mới, chuyển biến mạnh mẽ hơn trong hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, lao động, giao lưu nhân dân, chống biến đổi khí hậu… trong quan hệ với các đối tác, thiết thực phục vụ các định hướng phát triển của đất nước; lồng ghép hiệu quả các mục tiêu phát triển vào các lĩnh vực và nhiệm vụ đối ngoại. Vì vậy, ngoại giao kinh tế năm 2022 sẽ tích cực triển khai Chỉ thị mới của Ban Bí thư về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ.
Chủ động tích cực đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu
Trong năm 2021, công tác đối ngoại của Việt Nam đã củng cố uy tín trong các hoạt động quốc tế và nâng cao vị thế của đất nước. Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, phát huy các kết quả Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào xây dựng Cộng đồng ASEAN; trúng cử vào nhiều tổ chức đa phương có uy tín như Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC), Hội đồng Chấp hành UNESCO, Hội đồng Khai thác Bưu chính của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), v.v…
Bước sang năm 2022, công tác đối ngoại sẽ tiếp tục đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống, trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việt Nam sẽ đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương phù hợp với thế và lực mới của đất nước, triển khai hiệu quả Chỉ thị 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Bên cạnh đó, các hoạt động tăng cường đóng góp tích cực vào Cộng đồng ASEAN, nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN; tăng cường tham gia trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mê Công, APEC, ASEM…; chủ động thúc đẩy hợp tác thực chất hiệu quả với các cơ chế đa phương khác như G20, G7, BRICS, WEF, OECD…sẽ tiếp tục tăng cường. Ngoại giao sẽ đi tiên phong trong tạo lập, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước, tiếp tục đưa quan hệ giữa nước ta với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, gia tăng tin cậy chính trị, đan xen lợi ích; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Tăng cường công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa
Công tác bảo hộ công dân và ngoại giao văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2021. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, các cơ quan trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong nước cũng như một số hãng hàng không ở nước ngoài tổ chức hơn 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa đã tiếp tục quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Chúng ta đã vận động UNESCO công nhận mới 6 di sản/danh hiệu và tôn vinh 03 danh nhân Việt Nam. Chính phủ đã ban hành Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, trong đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cho các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tiếp tục phát huy các kết quả đạt được trong năm 2021, công tác người việt ở nước ngoài sẽ tiếp tục triển khai toàn diện và mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết 36 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hoá đến 2030, thúc đẩy công nhận các di sản, danh hiệu, khai thác hiệu quả hơn hợp tác với UNESCO và các đối tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục. Triển khai hiệu quả, kịp thời công tác thông tin đối ngoại, tăng cường thông tin trên nền tảng số.
Trước các yêu cầu và tình hình mới, công tác đối ngoại trong năm 2022 đòi hỏi sẽ phải "cao hơn về chất lượng hiệu quả, sâu rộng hơn về lĩnh vực và lực lượng tham gia, đồng bộ chặt chẽ hơn về phối hợp, chủ động tích cực hơn trong triển khai./.
"Với thế và lực của đất nước không ngừng được củng cố qua 35 năm đổi mới, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chắc chắn trong thời gian tới công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của chúng ta sẽ đạt những thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, góp phần đưa đất nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu./.