• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

3 Bộ trưởng giải trình trước Quốc hội về nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và chính sách về y tế

Thời sự 29/05/2023 19:59

(Tổ Quốc) - Chiều 29/5, sau khi kết thúc phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, 3 Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tài chính, Y tế đã tham gia giải trình một số vến đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

3 Bộ trưởng giải trình trước Quốc hội về nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và chính sách về y tế - Ảnh 1.

3 Bộ trưởng giải trình trước Quốc hội về nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và chính sách về y tế

Nhiều biện pháp đảm bảo quyền lợi về lương, phụ cấp người làm y tế

Là Bộ trưởng đầu tiên tham gia giải trình, làm rõ những ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nêu lên nhiều biện pháp để bảo đảm quyền lợi về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù nghề đối với những người làm y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: "Thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua có vai trò rất quan trọng của y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đồng thời có vai trò quan trọng của đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có những người làm y tế dự phòng, y tế cơ sở".

Hiện tại dịch COVID-19 đã qua đi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đã nhận diện đầy đủ những khó khăn, bất cập về tổ chức bộ máy, nhân sự và nhiều mặt khác. Đồng thời, Bộ Nội vụ làm rõ một số vấn đề, cụ thể.

Thứ nhất, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chúng ta đang có những khó khăn liên quan đến bộ máy của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong đó có mặt chưa đồng bộ, chưa thống nhất cả về mô hình tổ chức, cả về công tác quản lý.

Thứ hai, về nhân lực y tế có những bất cập cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu. Để giải quyết tổng thể, chúng ta cần đặt việc giải quyết về bộ máy, nhân sự y tế, nhất là nhân sự y tế dự phòng, y tế cơ sở trong Nghị quyết 19 về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý nâng cao chất lượng hiệu quả đơn vị sự nghiệp. Nhưng cũng phải đặt trong yêu cầu về quan điểm theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương là tăng cường bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thêm nữa, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn phát sinh như dịch COVID-19 vừa qua để có nhìn nhận một cách tổng thể để có giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.

Người đứng đầu Bộ Nội vụ cho rằng, để giải quyết vấn đề trên Bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát tham mưu cho Chính phủ Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến 2030 một cách căn cơ, bài bản, chiến lược.

Đánh giá một cách toàn diện về tổ chức bộ máy, về nhân lực y tế dự phòng, y tế cơ sở để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng mới hoặc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo ổn định về bộ máy, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ có liên quan để hoàn thiện cơ chế chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung và y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

"Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lộ trình cải cách tiền lương. Trong này cũng tính toán kỹ lưỡng về tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tiền lương, phụ cấp đặc thù đối với nhân viên y tế nói chung cũng như nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng để đảm bảo đúng quan điểm của Đảng là ngành y là ngành đặc biệt thì sử dụng và đãi ngộ cũng đảm bảo chính sách đặc biệt", bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

Một điều nữa là Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách tuyển dụng; sử dụng chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức y tế theo Nghị định 115, Nghị định 101 và chính sách thu hút bác sĩ công tác ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Bên cạnh đó Bộ cũng đề nghị với Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 60 về cơ chế tự chủ, nghị định 59, Nghị định 69 về xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp; đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp y tế, nhất là y tế dự phòng.

Thứ ba, Bộ Nội vụ phối hợp để xác định rõ định mức biên chế trên cơ sở vị trí việc làm theo quy mô dân số, điều kiện KT-XH của các vùng miền, nhất là liên quan đến y tế cơ sở để xác định biên chế theo yêu cầu thực tiễn; không đặt vấn đề giảm biên chế viên chức hưởng lương theo ngân sách nhà nước đối với y tế cơ sở.

Tất cả các ngành đều đã tập trung chống dịch

Ngay sau phần giải trình của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà là phần giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan báo cáo giám sát COVID-19 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ông chia sẻ rằng khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta đã không lường trước được vì chưa có tiền lệ, nhưng Chính phủ đã rất quyết liệt trong chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính kể lại thời điểm đó (năm 2021), lúc đó vào khoảng 21h, Thủ tướng đã gọi điện cho ông hỏi có thể thành lập quỹ vắc xin không, ông báo cáo với Thủ tướng là thành lập được.

Ngay trong đêm đó, khoảng 22h, Bộ Tài chính triệu tập họp và phân công nhiệm vụ cho các cục, vụ triển khai xây dựng quy chế thành lập quỹ vắc xin COVID-19, giao Vụ Hành chính sự nghiệp xây dựng thông tư 41.

Đến 8h sáng hôm sau đã đặt trên bàn Thủ tướng cả thông tư và đề án thành lập quỹ.

"Nhờ thành lập quỹ, chúng ta đã huy động được hơn 10.600 tỉ đồng để chủ động mua vắc xin, đó là một thành công", ông Hồ Đức Phớc cũng thông tin thêm là đến nay quỹ đã chi ra mua vắc xin hơn 7.600 tỉ đồng, còn dư hơn 3.100 tỉ đồng.

Về hàng viện trợ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói cũng phải áp dụng biện pháp xuất hàng trước, lấy chứng từ, hồ sơ sau để đảm bảo chống dịch như chống giặc.

Bộ trưởng cũng kể về nghị quyết 43 của Quốc hội, thông qua ngày 11/1/2022 thì 17 ngày sau, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ đã ban hành nghị định 15 quy định miễn giảm thuế theo nghị quyết 43, có hiệu lực từ ngày 1/2/2022. Nghĩa là chỉ 20 ngày sau khi có nghị quyết của Quốc hội, đã có nghị định để thực hiện ngay lập tức các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

"Bốn anh em bộ trưởng chúng tôi tháp tùng Thủ tướng đi kiểm tra ở TP.HCM, Bình Dương, về đến sân bay Tân Sơn Nhất gần như không có gì ăn, tìm hơn một giờ đồng hồ thì bốn bộ trưởng được bốn gói mì tôm, ăn xong lên máy bay về nhà cũng vừa khuya, đây là hết sức chia sẻ trong giai đoạn dịch. Phải nói tất cả các ngành đều đã tập trung chống dịch để cứu dân, cứu người, để phục hồi kinh tế", ông Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Chuẩn bị cho việc công bố hết dịch COVID–19

Giải trình những ý kiến đại biểu về việc chuyển từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B đối với dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu nhưng đại dịch chưa kết thúc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam.

Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các Bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch COVID–19, dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 bàn thảo các cái nội dung liên quan đến nội dung này.

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn mua sắm đảm bảo cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm, đặc biệt sau thời gian hậu COVID – 19, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế.

Hiện nay để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế thì Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật giá. Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật bảo hiểm y tế, Luật phòng bệnh… Bộ trưởng cũng cho biết, với các giải pháp tích cực, đến thời điểm này cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ, Bộ Y tế mong muốn nhận được sự đồng hành để tháo gỡ vấn đề liên quan đến tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu bằng những chính sách, giải pháp mang tính chất pháp lý đầy đủ và căn cơ./.


Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ