(Tổ Quốc) - "Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2024" diễn ra từ ngày 25/10/2024 đến ngày 15/11/2024 tại Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ (khu Bãi Cát, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ).
- 21.11.2022 Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021: 5 vở diễn đoạt Huy chương vàng
- 06.11.2022 NSND Lệ Thủy biểu diễn tại Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021
- 03.11.2022 Gần 1000 nghệ sĩ tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 diễn ra tại Long An
- 20.09.2018 06 vở diễn giành Huy chương Vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018
- 06.09.2018 Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018
Thực hiện Quyết định số 2836/QÐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức "Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2024", Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức "Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2024" diễn ra từ ngày 25/10/2024 đến ngày 15/11/2024 tại Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ (khu Bãi Cát, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ).
Đối tượng tham gia liên hoan bao gồm các đơn vị nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp trong và ngoài công lập (là đơn vị có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm tham gia Liên hoan); các đơn vị nghệ thuật Trung ương (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an); các đơn vị nghệ thuật địa phương.
Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Liên hoan năm nay có sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 30 đơn vị/đoàn nghệ thuật cùng với 34 vở diễn, hứa hẹn sẽ không làm khán giả yêu cải lương thất vọng. Đây được xem là sân chơi chuyên nghiệp dành cho các nghệ sĩ cải lương nói riêng và của lĩnh vực nghệ thuật nói chung. "Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2024" là hoạt động định kỳ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, đề nghị các đơn vị chuyên nghiệp hoạt động ở loại hình nghệ thuật Cải lương có trách nhiệm tham gia để góp phần xây dựng và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Cũng theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, quy định đối với đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ tham gia Liên hoan: Mỗi đơn vị được tham gia 01 vở diễn. Trường hợp đơn vị nghệ thuật công lập có nhiều đoàn, số lượng vở diễn có thể tham gia Liên hoan tương ứng với số đoàn. Đơn vị có trách nhiệm hoàn thiện vở diễn đạt chất lượng chuyên môn nghệ thuật. Nghệ sĩ, diễn viên đóng vai chính, thứ chính phải là những người được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã tham gia biểu diễn nghệ thuật Cải lương liên tục từ 03 năm trở lên của đơn vị nghệ thuật có tư cách pháp nhân. Nghệ sĩ, diễn viên đóng vai chính, thứ chính tham gia không quá 02 vở diễn tại Liên hoan.
Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ khi tham gia cần chấp hành theo Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ "Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn"; quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền của nghệ sĩ biểu diễn và các quy định của pháp luật hiện hành; chấp hành lịch diễn thi do Ban Tổ chức sắp xếp. Ban Tổ chức được quyền sử dụng vở diễn, hình ảnh của đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ để phục vụ trong công tác quản lý nhà nước.
Quy định đối với vở diễn: Không hạn chế về đề tài; vở diễn tham gia Liên hoan phải được cơ quan chức năng chấp thuận trước 15 ngày Khai mạc Liên hoan. Trường hợp đặc biệt, đơn vị gửi bản ghi hình vở diễn có chất lượng cao về Cục Nghệ thuật biểu diễn để Ban Tổ chức xem xét, quyết định. Mỗi vở diễn có thời lượng từ 90 phút đến 150 phút không kể thời gian giải lao (nếu có).
Tham gia Liên hoan là những vở diễn được dàn dựng mới hoặc những vở diễn được phục dựng với đội ngũ sáng tạo mới từ năm 2017 đến nay; vở diễn chưa tham gia các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Hội chuyên ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và địa phương tổ chức. Không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài. Trường hợp kịch bản sáng tác trước năm 2005 sau khi đã chỉnh lý cho phù hợp với hiện tại phải có sự đồng ý của tác giả (hoặc người đại diện hợp pháp) được phép tham gia Liên hoan.
Về nội dung vở diễn: Không trái với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân;xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; ngược với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Khuyến khích vở diễn có nội dung hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".
Đối với phần khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những hình thức khen thưởng sau: Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho các vở diễn có chất lượng nội dung và nghệ thuật cao, đạt những tiêu chí trong Quy chế Chấm, xét giải. Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho cá nhân nghệ sĩ biểu diễn đạt những tiêu chí trong Quy chế Chấm, xét giải. Nghệ sĩ, diễn viên tham gia nhiều vai diễn trong nhiều vở diễn tại Liên hoan nếu đạt khung điểm xét giải trong nhiều vở diễn, chỉ được nhận 01 giải thưởng cao nhất. 01 Giải Xuất sắc (nếu có) cho riêng từng thành phần sáng tạo trong các vở diễn tham gia Liên hoan gồm: Chỉ đạo Nghệ thuật, Tác giả, Tác giả chuyển thể, Đạo diễn, Nhạc sĩ, Dàn nhạc, Thiết kế mỹ thuật, Biên đạo múa (Giải Xuất sắc cho các thành phần sáng tạo không nằm trong số lượng giải thưởng quy định cho vở diễn, diễn viên).
Liên hoan Cải lương toàn quốc là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và các lãnh đạo tại các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ triển vọng, từ đó lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, định hướng phát triển phù hợp với nền nghệ thuật truyền thống của nước nhà. Đây đồng thời cũng là cơ hội cho anh chị em nghệ sĩ yêu nghề được thể hiện, được cống hiến; không chỉ là những gương mặt gạo cội, mà còn là lớp diễn viên trẻ, sẽ mang tới những luồng gió mới cho nghệ thuật cải lương. Từ đó góp phần duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống quý báu này./.