• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

4 “bài toán” lớn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt ra cho các chuyên gia về học tập suốt đời

Giáo dục 13/12/2018 19:08

(Tổ Quốc) - Tại Hội nghị Á – Âu về "Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đặt ra 4 “bài toán” lớn cho các chuyên gia.

Theo đó, bài toán đầu tiên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt ra trong Hội nghị Á – Âu về "Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030" là việc chỉnh sửa lại Luật Giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc chỉnh sửa Luật Giáo dục để trở thành một hành lang pháp lý, thể chế tốt sẽkhuyến khích mọi người tham gia. Việc chỉnh sửa Luật Giáo dục sẽ giúp hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam mở linh hoạt để cho mọi người, mọi đối tượng được liên thông với nhau, đặc biệt là liên thông ngang giữa chương trình chính quy với không chính quy.

4 “bài toán” lớn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt ra cho các chuyên gia về học tập suốt đời - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

"Việc lồng ghép ra sao, nội dung đào tạo thế nào, phương pháp giáo dục chính quy với giáo dục không chính quy ra sao… rất cần thiết. Trong xã hội hiện đại, việc tích lũy kiến thức theo tín chỉ không chỉ là cách học truyền thống trước đây mà còn lồng ghép những hình thức đào tạo từ xa. Chúng tôi đang triển khai sâu rộng, đẩy mạnh học ngoại ngữ và công nghệ thông tin không chỉ với học sinh Việt Nam mà rộng ra là công dân Việt Nam để tiếp cận các công nghệ, nâng cao chất lượng giáo dục "- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Vấn đề thứ hai được người đứng đầu ngành Giáo dục quan tâm là nội dung chương trình. Theo đó, việc giáo dục từ xa rất đa dạng. Việc xây dựng chương trình cho các phương thức giáo dục từ xa và cung cấp dịch vụ thuận lợi cho mọi người tham gia cần được xem xét. Đây là vấn đề cần thảo luận kỹ để tăng ứng dụng và hấp dẫn cho việc học.

"Chúng tôi có thiết chế trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục cộng đồng, gia đình học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập… Chúng tôi đã và đang xây dựng tiêu chí đánh giá để mọi người hoàn thiện hơn. Nhưng chúng tôi rất cần tư vấn các thiết chế về cách tổ chức hình thức giáo dục suốt đời làm sao cho linh hoạt, hiệu quả, tránh hình thức" – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Vấn đề thứ ba được Bộ trưởng Nhạ đặt ra cho Hội nghị là đánh giá kế hoạch. Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, để làm được việc này cần phải dựa vào tiêu chí. Cụ thể,  việc đánh giá số giờ mà người dân Việt Nam học tập suốt đời cần phải có chỉ tiêu.

"Chúng ta không đo được số giờ người lớn đi học thì khó đánh giá được xã hội học tập hay cộng đồng học tập. Chúng tôi muốn được nghe và cao hơn là tiếp nhận chuyển giao khung đánh giá để từ có thể triển khai phù hợp với Việt Nam"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Vấn đề cuối cùng là công nhận tín chỉ và tiến tới tích lũy tín chỉ ấy phục vụ cho học tập. Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng cần làm rõ ràng chứ không phải chung chung đặc biệt là đối với Việt Nam. Việc công nhận tín chỉ và tiến tới tích lũy tín chỉ để tạo động lực cho những người muốn tích lũy hệ thống tín chỉ, được công nhận thông qua các văn bằng.

"Mặc dù trong thực tế đã triển khai nhưng đây là nội dung rất mới nên ngành Giáo dục chưa có chính sách đủ, thích hợp để mọi người tham gia"- người đứng đầu Bộ Giáo dục cho hay. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đây là những vấn đề rất quan trọng và là cũng được xem như là "đề bài" để những chuyên gia tham dự Hội nghị "Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030" hỗ trợ. Thông qua Hội nghị, Bộ trưởng Nhạ hy vọng sẽ tạo ra được một hệ thống tư vấn trợ giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai chính sách.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ