• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

4 trưởng ngành giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Thời sự 21/11/2023 17:01

(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, chiều 21/11, sau phần thảo luận tại hội trường, 4 trưởng ngành đã tham gia trả lời, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

4 trưởng ngành giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp chiều 21/11

3 nguyên nhân của tồn tại, vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm

Giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, các vấn đề đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận, những vấn đề nổi lên cần quan tâm giải quyết. Bộ trưởng bày tỏ, với khối lượng công việc, các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội thì việc còn những tồn tại, hạn chế cũng là điều khó tránh khỏi.

Đồng thời làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Một là, nhóm nguyên nhân thuộc về chủ quan của các cơ quan chức năng như vấn đề triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong điều tra, xử lý tội phạm; về phối hợp giữa các cơ quan chức năng; về tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, cá biệt có những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

4 trưởng ngành giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu

Hai là, những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế chính sách như báo cáo đã nêu. Ba là, những khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên có những vấn đề có thể khắc phục được ngay nhưng có vấn đề cũng cần phải có thời gian. Do đó, Chính phủ và Bộ Công an tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, trật tự kỷ cương, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc, an toàn cho Nhân dân.

Phòng ngừa là một trong những giải pháp ngăn chặn tội phạm từ gốc

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại hội trường, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí bày tỏ cảm ơn và thay mặt ngành kiểm sát nhân dân tiếp thu đầy đủ các ý kiến, góp ý và các đề xuất, kiến nghị đối với ngành kiểm sát trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Qua các phát biểu của các đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải thích về những băn khoăn là vì sao khi chúng ta càng chống, càng đấu tranh quyết liệt với tội phạm, thì tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội lại cứ càng tăng lên? Nguyên nhân của vấn đề này có nhiều nguyên nhân.

4 trưởng ngành giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh 3.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu

“Việc quan tâm, coi trọng và tập trung cho công tác phòng ngừa để có thể chủ động ngăn chặn kịp thời có lẽ là một trong những giải pháp ngăn chặn tội phạm từ gốc. Các giải pháp mà một số đại biểu Quốc hội đề xuất hôm nay cũng nêu rõ là phải tăng cường công tác phòng ngừa" - ông Lê Minh Trí nói và cho rằng, công tác phòng ngừa liên quan đến cả công tác xây dựng pháp luật, cả việc hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng phải tham gia đồng bộ…Có như vậy, công tác đấu tranh của chúng ta sẽ hiệu quả hơn.

Liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước, cảnh báo, vấn đề tuyên truyền, giáo dục, vấn đề trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng xã hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, nếu chúng ta làm đồng bộ được thì sẽ tác động, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm tốt hơn.

Với góc độ là cơ quan dự trực tiếp nhưng đồng thời cũng là cơ quan tham mưu cho Đảng, cho Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, ngành cũng đã nghiên cứu về những giải pháp, kiến nghị để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa trong trong thời gian tới.

Toàn dân đều có quyền phát hiện, kiến nghị, nhưng cần theo đúng quy trình, thủ tục

Cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến phát biểu tâm huyết, thẳng thắn, có tính xây dựng, gợi mở nhiều vấn đề, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đa số ý kiến của các đại biểu đồng ý với các báo cáo của cơ quan, đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, khẳng định những kết quả đã đạt được trong năm 2023, qua đó, tình hình vi phạm pháp luật được kiềm chế, công lý được đảm bảo, môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, cuộc sống thanh bình của nhân dân được giữ gìn.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, các ý kiến đã chỉ ra một số tồn tại, chia sẻ những khó khăn của các cơ quan tiến hành tố tụng, đề xuất gợi mở những giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế.

4 trưởng ngành giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh 4.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu

Trong đó, nhiều đại biểu đã đề cập đến những khó khăn như sự thiếu hụt về kinh phí và biên chế, chế độ động viên, đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết Kỳ họp để tăng cường các nguồn lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Về tổng kết thực tiễn xét xử, đối với đề nghị sửa một số điều luật về hình sự, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, Tòa án sẽ có tổng kết và báo cáo Quốc hội theo đúng thẩm quyền. Về thời điểm xác định thiệt hại, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, khi xây dựng Nghị quyết 03, Tòa án đã lấy ý kiến của tất cả các cơ quan, thực hiện quy trình như quy trình làm luật. Nghị quyết này đã nêu rõ thời điểm áp dụng pháp luật.

Đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, nếu hai vụ án đó có vấn đề, việc xem xét cần theo đúng thủ tục, trình tự. Toàn dân đều có quyền phát hiện, kiến nghị, nhưng việc kiến nghị cần theo đúng quy trình, thủ tục.

Từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, không thể tham nhũng

Tham gia giải trình tại phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thanh tra Chính phủ sẽ cùng với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, không thể tham nhũng; đồng thời triển khai tổ chức thực hiện nghiêm Quy định 131, 132 của Ban Bí thư về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhằm phòng chống tham nhũng tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng tiêu cực.

4 trưởng ngành giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh 5.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong thời gian qua, Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và theo chỉ đạo của ban chỉ đạo Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, các đơn vị trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra Chính phủ sẽ cùng với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo khắc phục những tồn tại hạn chế để nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là trong việc công khai minh bạch, kịp thời sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, kiểm soát tài sản thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác…

Về thanh tra kiểm toán giải quyết khiếu nại tố cáo góp phần phát hiện xử lý tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2023 công tác thanh tra kiểm toán tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác thanh tra còn tồn tại, hạn chế, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm có chuyển biến tích cực so với trước đây nhưng vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của đại biểu Quốc hội, ông Đoàn Hồng Phong khẳng định sẽ chỉ đạo toàn ngành thanh tra khắc phục những tồn tại hạn chế mà các đại biểu Quốc hội nêu để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra; đồng thời cùng với các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ trong việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Nhất là sửa đổi Thông tư liên tịch giữa các cơ quan trong việc phối hợp để trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện qua thanh tra./.

Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ