(Tổ Quốc) - 17/2/2019, sau tròn 40 năm Trung Quốc đưa quân sang đánh 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, Báo điện tử Tổ Quốc xin chia sẻ bài phỏng vấn với ông Nguyễn Vinh Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc- Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương, hiện là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Trung.
- 17.02.2019 40 năm sau chiến tranh biên giới phía Bắc- nhìn lại lịch sử để hướng tới tương lai
- 15.02.2019 Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc 17/2/1979: Những năm tháng không bao giờ rơi vào quên lãng
- 15.02.2019 Cảnh giác với những luận điệu sai trái, lợi dụng cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc để xuyên tạc, kích động chống phá
- 14.02.2019 Ký ức về chiến tranh biên giới phía Bắc
- 14.02.2019 Chiến tranh Biên giới: "Chẳng ai muốn chiến tranh cả, dù có thắng cũng thiệt và thua cũng thiệt hại"
Ông Nguyễn Vinh Quang hiện còn là Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế.
Dư luận thế giới ủng hộ Việt Nam, phản đối Trung Quốc
- Thưa ông, cuộc chiến tranh Biên giới nổ ra khi ấy ông được giao nhiệm vụ gì và đang ở đâu?
+ Khi đó tôi vừa chuyển công tác từ Hội hữu nghị Việt-Trung sang Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, được phân công vào bộ phận theo dõi về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Lúc đầu là theo dõi tình hình người Hoa, khi nổ ra chiến tranh được phân công tổng hợp tin tức hàng ngày về chiến sự biên giới.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc- Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương. Ảnh: Báo Nhân dân
- Khi xảy ra cuộc chiến, ông có còn nhớ cảm xúc của mình khi ấy như thế nào không ạ?
+ Thú thật tôi không thể nhớ hết, nhưng nếu nhớ hết cũng rất khó tả cảm xúc bấy giờ. Có lẽ trước hết là cảm giác bất ngờ. Vì tôi mới công tác ở Hội hữu nghị được một thời gian ngắn, đang trong quá trình tìm hiểu nghiên cứu về quan hệ hữu nghị, lật lại những hồ sơ cũ về quan hệ giao lưu giữa hai Đảng hai nước trước đây, cộng với những ấn tượng tốt đẹp vốn có về mối quan hệ Việt-Trung. Trong bối cảnh đó, bỗng nhiên nhìn thấy quan hệ hai nước xấu đi nhanh chóng và dẫn đến tình huống xấu nhất là chiến tranh. Sau đó tôi vừa theo dõi tình hình, vừa nghiên cứu nguyên nhân mới dần dần hiểu được thấu đáo.
Cảm xúc thứ 2 là căm phẫn. Khi thấy cảnh những người dân vô tội vùng biên giới bị tàn sát dã man, nhà cửa của họ bị đốt phá, tôi cảm thấy rất đau lòng và căm phẫn.
Thứ 3 là tôi cảm nhận không khí nóng bỏng trong cả nước lên án hành động xâm lược, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh của đồng bào mình.
Lúc đó vừa mới kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ rất ác liệt, mà bản thân tôi là lính xe tăng ở chiến trường. Bởi thế tôi cảm giác tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu của dân mình vẫn chưa hề phai nhạt chút nào. Tôi thấy tinh thần làm việc của mọi người hết sức say sưa, tự giác.
Ông Nguyễn Vinh Quang nói
- Thời điểm đó, Bộ Ngoại giao có chỉ đạo như thế nào với các nhân viên ngoại giao, đặc biệt là các nhân viên liên quan tới mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thưa ông?
+ Tôi làm việc ở Ban Đối ngoại Trung ương dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Xuân Thủy, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.
Tôi còn nhớ khi tình hình biên giới căng thẳng, vấn đề người Hoa phức tạp, mỗi ngày, ngoài cuộc giao ban đầu buổi sáng của cơ quan ra, còn có một cuộc giao ban giữa các cơ quan liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ (tức bộ Công an), Ban Biên giới Chính phủ v.v… Thỉnh thoảng do chính đồng chí Xuân Thủy đích thân chủ trì. Trong các buổi giao ban đó, các cơ quan thông báo thông tin trong ngày mà đơn vị mình thu thập và phân tích, đọc một số điện mật từ các sứ quán gửi về, đặc biệt là điện của Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh từ Bắc Kinh (Trung Quốc) báo cáo và phân tích tình hình. Tôi thường làm thư ký ghi chép và tổng hợp thành báo cáo hàng ngày gửi Văn phòng Trung ương để từ đó gửi đi các cơ quan và địa phương. Cũng ở các buổi này, chúng tôi được trực tiếp nghe những chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ Chính trị do các đồng chí lãnh đạo truyền đạt.
Tôi nhớ buổi đầu tiên sau khi Trung Quốc tấn công một ngày, tức là ngày 18/2, đồng chí Tố Hữu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương chủ trì và phổ biến tinh thần của Bộ Chính trị trước tình hình mới. Lúc đó chúng ta coi đây là hành động xâm lược rõ ràng, tinh thần của chúng ta là kiên quyết đánh trả, đẩy lùi quân xâm lược.
Bởi vậy không khí kháng chiến trở lại trên đất nước ta rầm rộ không khác gì thời chống Mỹ. Tất cả nhân viên cơ quan đều tăng giờ làm việc một cách rất tự giác. Bởi vì ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi còn có khoảng 2 tiếng tập quân sự. Tôi có kỷ niệm là được chọn vào ban huấn luyện quân sự cơ quan, vì tôi vốn là lính được đào tạo khá cơ bản trước đó. Tôi tham gia hướng dẫn môn bắn súng, sử dụng bộc phá v.v…
- Hồi đó, các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã có những phản ứng như thế nào về cuộc chiến này thưa ông?
+ Hồi đó khắp nơi trên thế giới đều quan tâm theo dõi và có nhiều hoạt động phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam, đặc biệt là từ Liên Xô và các nước XHCN, các lực lượng yêu chuộc hòa bình như Phong trào Không liên kết, Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi (OSPAA), Tổ chức đoàn kết nhân dân Á- Phi - Mỹ-Latinh (OSPAAAL), các Đảng Cộng sản và Công nhân trên thế giới v.v…
Các cuộc xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh do các lực lượng nói trên đứng ra tổ chức diễn ra hàng ngày trên thế giới. Đảng Cộng sản Nhật Bản lúc đó đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam và có tổ phóng viên của báo Akahata của Đảng, một tờ báo rất có uy tín ở Nhật Bản, đưa tin chiến sự hàng ngày cho độc giả.
Trong số đó, tôi rất ấn tượng phóng viên Takano, đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản, phóng viên báo Akahata luôn có mặt ở những điểm nóng nhất trên biên giới. Đồng chí đã hy sinh trong một cuộc tấn công của Trung Quốc trên biên giới Lạng Sơn.
Ông Nguyễn Vinh Quang nói
Việc quan trọng nhất là xây dựng và củng cố lòng tin
- Sau khi nghỉ hưu, giờ đây ông đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa hai quốc gia sau khi bình thường hóa quan hệ? Đặc biệt là các cam kết giữa hai bên về vấn đề biên giới và lãnh thổ?
Ông Nguyễn Vinh Quang: "Khi có đủ lòng tin, mọi việc sẽ dễ dàng giải quyết, sự hợp tác song phương sẽ phát triển ngày càng hiệu quả". Ảnh tư liệu.
+ Kể từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay đã 28 năm. Mặc dù còn có những lúc khó khăn, không bình thường, có một số vấn đề chưa giải quyết xong, nhưng nhìn chung quan hệ hai nước phát triển theo chiều hướng tích cực. Thành tựu đạt được trong hợp tác song phương ai cũng nhìn rõ, tôi xin điểm một số nét nổi bật.
Các mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, KHCN, ngoại giao, quốc phòng, an ninh v.v… đều phát triển theo hướng tốt, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước được củng cố. Đặc biệt, về chính trị, giao lưu các các cấp, các địa phương, nhất là giao lưu cấp cao được tiến hành thường xuyên vừa trao đổi kinh nghiệm vừa định hướng cho quan hệ phát triển từng giai đoạn. Đáng chú ý là hai nước có cơ chế khá gần nhau, cùng đang cải cách mở cửa và đổi mới từ mô hình XHCN cũ, nên khi quan hệ được cải thiện, việc trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau là có lợi cho cả hai bên. Bao gồm kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý điều hành đất nước, phát triển kinh tế v.v…
Những vấn đề do lịch sử để lại đã được giải quyết phần quan trọng. Đó là vấn đề biên giới trên đất liền và vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ. Mặc dù việc giải quyết những vấn đề này đã khởi động từ những năm 70 nhưng không có tiến triển, đàm phán không đi vào thực chất, hai bên không đủ lòng tin đạt được một thỏa thuận nào. Chỉ sau khi bình thường hóa quan hệ mới có sự chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo cấp cao hai bên và các cuộc đàm phán mới đi vào thực chất. Hiện nay còn tồn tại vấn đề trên biển. Lãnh đạo hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên do lập trường mỗi bên về vấn đề này còn khá xa nhau nên việc giải quyết còn nhiều khó khăn.
Thứ hai là về kinh tế thương mại. Từ 32 triệu USD năm 1991, thương mại giữa hai nước năm 2018 đạt 106 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Đây là thị trường đầu tiên trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ Việt Nam có quan hệ ngoại thương đạt được quy mô kim ngạch 3 con số. Tuy cán cân thương mại đang bị chênh lệch lớn nhưng tình hình này đang được cải thiện từng bước.
Chúng ta thử tưởng tượng nếu mấy chục năm hai nước tiến hành công cuộc đổi mới và cải cách mở cửa diễn ra trong tình trạng quan hệ không bình thường thì kết quả sẽ ra sao? Có như thế này không? Từ đó mới thấy rõ những lợi ích của cả 2 bên sau khi quan hệ được bình thường hóa.
Tuy nhiên nói vậy nhưng cũng phải thấy không phải tất cả mọi vấn đề đã giải quyết được trong một khoảng thời gian 28 năm.
- Việc xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu hảo, truyền thống giữa hai quốc gia, theo ông cần nhấn mạnh vào những yếu tố nào?
Theo tôi việc quan trọng nhất là xây dựng và củng cố lòng tin, bao gồm sự tin cậy lẫn nhau giữa cấp lãnh đạo và giữa nhân dân hai nước. Đây là việc làm nói rất dễ nhưng làm rất khó, bởi vì chúng ta đã trải qua một thời gian khó khăn, vết thương cũ không dễ lành.
Ông Nguyễn Vinh Quang nói
Tôi cho rằng một khi có đủ lòng tin, mọi việc sẽ dễ dàng giải quyết, sự hợp tác song phương sẽ phát triển ngày càng hiệu quả. Hai là, muốn có được lòng tin, chúng ta phải tăng cường giao lưu để tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Ba là cùng nhau cố gắng hiện thực hóa những thỏa thuận đã đạt được của lãnh đạo cấp cao, nói phải đi đôi với làm, nếu nói không đi đôi với làm thì không thể xây dựng lòng tin. Bốn là phải làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân, phản bác lại những luồng thông tin mang tính thiếu xây dựng, cực đoan, kích động. Phải làm cho nhân dân hai nước thấy rằng quan hệ hữu nghị là lợi ích của cả hai bên.
Tinh thần chỉ đạo đúng đắn của cả hai bên là "Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai". Có nghĩa là không để cho những vết thương của quá khứ cản trở bước tiến của chúng ta trong tương lai. Tôi rất tâm đắc một câu nói hình tượng của một học giả Việt Nam: "Cuộc chiến tranh đã tạo ra hố ngăn cách giữa hai chúng ta. Nếu chúng ta chưa thể lấp được thì hãy bắc một chiếc cầu để qua lại. Đó là chiếc cầu hữu nghị".
- Xin cảm ơn ông!