• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

50 năm quan hệ Australia - Việt Nam: Khởi nguồn từ di sản của cựu Thủ tướng Whitlam

Thế giới 03/04/2023 16:17

(Tổ Quốc) - Chuyên trang phân tích về khu vực Đông Á East Asia Forum đã đăng tải bài viết của Giáo sư Derek McDougall, trường Khoa học chính trị và xã hội, Đại học Melbourne về mối quan hệ Australia – Việt Nam trong 50 năm qua.

Sau khi đắc cử vào tháng 12 năm 1972, Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Gough Whitlam đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 26 tháng 2 năm 1973. Nhà lãnh đạo Whitlam cũng đã nỗ lực đưa quan hệ Australia và Việt Nam rời xa cuộc chiến đầy khó khăn và hướng tới một thời kỳ mới, ưu tiên phát triển chính sách đối ngoại và phục vụ lợi ích kinh tế.

Nhiều bước tiến lớn trong 50 năm qua

Cho tới nay, có thể thấy tầm nhìn của cựu Thủ tướng Gough Whitlam về mối quan hệ Australia - Việt nam gắn liền với lợi ích chung của hai nước đã được hiện thực hóa.

50 năm quan hệ Australia - Việt Nam: Khởi nguồn từ di sản của cựu Thủ tướng Whitlam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu trong lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia. Ảnh: TTXVN

Tháng 9/2009, Australia và Việt Nam xác định mối quan hệ Đối tác Toàn diện, thể hiện "cam kết qua lại mạnh mẽ" đối với mối quan hệ, thỏa thuận xây dựng một khuôn khổ nhằm củng cố và tăng cường hợp tác trên một số lĩnh vực chủ chốt: mở rộng quan hệ chính trị và trao đổi chính sách công; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển thương mại; hỗ trợ phát triển và hợp tác công nghệ; xây dựng mối quan hệ quốc phòng và an ninh; hỗ trợ liên kết người dân với người dân; đẩy mạnh chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu.

Đến tháng 3/2015, hai nước ký Tuyên bố về "Tăng cường Đối tác Toàn diện Australia-Việt Nam", nhấn mạnh lợi ích qua lại về "tăng trưởng kinh tế, ổn định và an ninh khu vực", với cả hai nước công nhận "những thách thức đáng kể" của khu vực đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Năm 2018, hai nước đã thông qua Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ song phương.

Đến năm 2023, nhìn lại chặng đường 50 năm hợp tác, có thể thấy quan hệ Australia – Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến lớn. Hai nước đều có vị thế quan trọng trong chiến lược đối ngoại của nhau. Về mặt địa chính trị, Việt Nam quan trọng đối với Australia vì 2 yếu tố. Đầu tiên, Việt Nam là thành viên của ASEAN - một tổ chức được phía Australia đánh giá là có sức nặng đối thoại quan trọng trong khu vực. Tiếp đó, Việt Nam đã điều phối tốt mối quan hệ với Trung Quốc – một nước láng giềng lớn. Do vậy, về phía Australia, quan hệ tích cực với Việt Nam là quan trọng trong chính sách đối ngoại khu vực. Còn về phía Việt Nam, quan hệ hợp tác với Australia cũng giúp ích nước này trên nhiều mặt.

Còn nhiều tiềm năng mới giữa Việt Nam và Australia

Cho tới nay, Việt Nam đã là một nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á. Mặc dù cựu Thủ tướng Whitlam có thể đã thấy trước rằng cam kết hợp tác ngoại giao của Australia với Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ hội thương mại và đầu tư của nước này vào Việt Nam, nhưng ông có thể không ngờ được tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam mạnh mẽ đến như vậy.

Việt Nam đã nổi lên như một trong những 'con hổ' kinh tế mới của châu Á. Nước này cũng đã vươn lên thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình và đang trở thành một trung tâm sản xuất lớn trong khu vực do có nguồn lao động giá cả cạnh tranh. Năm 2021, Việt Nam được xếp hạng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 và là điểm đến xuất khẩu lớn thứ 19 của Australia. Đầu tư của Australia vào Việt Nam cũng được liên tục được tăng cường. Australia là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 19 tại Việt Nam vào năm 2021.

Viện trợ của Australia dành cho Việt Nam cũng củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương. Nhiều dự án hợp tác, trong đó có cầu Cao Lãnh nối hai bờ sông Tiền ở đồng bằng sông Cửu Long thông xe vào năm 2018, là một thành tựu thiết thực và mang tính biểu tượng lớn của viện trợ Australia dành cho Việt Nam. Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cho thấy Việt Nam là nước nhận hỗ trợ phát triển lớn thứ 8 của Australia.

Việt Nam và Australia cũng là các bên ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Cả hai nước đều có chung cam kết tự do hóa thương mại.

Sự phát triển của du lịch hai nước với số lượng lớn khách Australia đến Việt Nam cũng tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai bên. Việt Nam là nguồn sinh viên quốc tế lớn thứ 5 tại Australia. Một số trường đại học của Australia cũng đã thành lập cơ sở tại Việt Nam.

Năm 2022, chính phủ Australia và Việt Nam đã công bố ý định nâng tầm quan hệ lên "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" - một bước tiến mới của "quan hệ đối tác chiến lược" được hai bên nhất trí từ năm 2018. Các chuyến thăm và tương tác song phương thường xuyên của các nhà lãnh đạo Australia và Việt Nam cũng nhấn mạnh sự gia tăng tầm quan trọng của sự hợp tác song phương.

Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) cũng đã hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Nam Sudan. ADF đã hỗ trợ đào tạo, cung cấp trang thiết bị và hỗ trợ vận chuyển lực lượng từ Việt Nam sang Nam Sudan.

Trong 50 năm qua, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước có chiến tranh sang có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Trong khi thị trường và các mối liên kết giữa người dân hai nước đã tạo ra chỗ dựa vững chắc cho mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam, thì hai bên cũng có nhiều sự tương đồng đáng kể trong quan điểm địa chính trị đương đại. Mối quan hệ hiện tại đã kế thừa mong muốn của cựu Thủ tướng Whitlam nhưng cũng vượt xa điều ông từng dự tính./.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ