• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

60% diện tích châu Âu và Anh đối mặt với hạn hán kéo dài

Thế giới 10/08/2022 21:17

(Tổ Quốc) - Đài quan sát Hạn hán châu Âu vừa công bố cho biết 60% diện tích của châu Âu và Vương quốc Anh hiện đang trong tình trạng hạn hán.

Theo Đài quan sát Hạn hán châu Âu, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh đang cảnh báo về tình trạng hạn hán gia tăng, một số trường hợp nâng lên mức báo động.

60% diện tích châu Âu và Anh đối mặt với hạn hán kéo dài - Ảnh 1.

Nắng nóng đã gây ra tình trạng hạn hán kéo dài ở châu Âu. Nguồn: CNN

Theo hãng CNN, nhận định trên được đưa ra dựa trên dữ liệu trong khoảng thời gian 10 ngày cuối cùng của tháng Bảy. Theo đó, khoảng 45% diện tích đất của Liên minh châu Âu (EU) được cảnh báo thiếu hụt độ ẩm trong khi 15% diện tích của châu lục này đang trong tình trạng báo động đỏ. Tình trạng đất đai khô hạn đang khiến thực vật khô héo.

Dữ liệu này cũng tương đồng với kết quả từ báo cáo công bố ngày 8/8 của Cơ quan giám sát khí hậu EU là Copernicus. Trong đó, EU khẳng định hầu hết các quốc gia ở châu Âu đã trải qua tháng Bảy nắng nóng oi bức và khắc nghiệt. Một số hồ đã bị khô cạn do lượng mưa thấp trong khi hạn hán cũng ảnh hưởng đến một số khu vực của Tây Nam và Đông Nam châu Âu.

Nắng nóng kéo dài cũng đã tạo điều kiện cho nguy cơ cháy rừng lan rộng ở nhiều khu vực của châu Âu. Các vụ cháy rừng gia tăng, với diện tích rừng bị cháy lớn chưa từng có, đặc biệt là ở Địa Trung Hải. Một khu vực có diện tích gấp đôi thủ đô Rome của Italy đã bị lửa thiêu rụi chỉ trong tháng 7 vừa qua.

Những dữ liệu mới này được công bố khi thế giới đang chống chọi với cuộc khủng hoảng lương thực do tác động từ căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Những gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như thời tiết khắc nghiệt sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân trong thời gian tới.

Mới đây, một cơ quan của Ủy ban châu Âu cũng đưa ra báo cáo sản lượng ngô, ngũ cốc, hướng dương và đậu nành ở EU sẽ giảm từ 8% đến 9% do thời tiết nóng và khô trong suốt mùa hè. Và dự kiến mức sản lượng sẽ ở mức dưới trung bình trong 5 năm qua.

Nhà khoa học cấp cao của Copernicus, Freja Vamborg cho biết thời tiết khô hạn từ những tháng trước kết hợp với nhiệt độ cao và tỷ lệ mưa thấp ở nhiều khu vực trong tháng 7 đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác như vận tải sông và sản xuất năng lượng.

Ít mưa trong nhiều tháng

Theo Copernicus, trong tháng Bảy, các hồ chứa nước ở một số khu vực của châu Âu duy trì ở mức rất thấp, không đáp ứng nhu cầu đều đặn. Miền nam nước Anh đã trải qua tháng Bảy khô hạn nhất kể từ kỷ lục năm 1863. Lượng mưa trung bình trong tháng chỉ đạt 46,3mm, tương đương với 56% sau nhiều tháng dài khô hạn.

Tại Pháp, lượng mưa đo được tại nước này trong tháng 7 vừa qua chỉ đạt 9,7 mm, giảm đi 85% so với mức trung bình trong những năm 1991-2020 và khiến thời tiết trở nên khô hạn nhất kể từ khi năm 1959. Ngày 5/8, Thủ tướng Élisabeth Borne đã công bố các quy định hạn chế sử dụng nước chưa từng có, bao gồm việc cấm người dân tưới cỏ, rửa xe và ngăn nông dân tưới cây.

Trong khi đó, ở Italy, việc thiếu mưa kể từ tháng 12/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động ở vùng phía bắc của đất nước. Sông Po, Italy rơi vào tình trạng khô hạn ngay đầu mùa hè và kéo theo nhiều tác động đến sản xuất, nông nghiệp và vận tải.

Copernicus cũng cho biết tình hình đã được cải thiện do lượng mưa vào cuối tháng qua đã tăng 40cm ở sông Po mặc dù sản xuất thủy điện trong khu vực vẫn bị ảnh hưởng. Tháng 7 cũng là một trong những tháng nóng nhất ở Italy trong năm 2022 khi nhiệt độ chênh lệch gần 0,4 độ C so với mức nhiệt trung bình trong những năm 1991-2020. Giao thông đường sông cũng bị ảnh hưởng do mực nước tiếp tục giảm.

Hệ thống thông tin về cháy rừng của EU (EFFIS) cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, tổng diện tích rừng bị cháy tại EU là 587.868 ha, vượt trên mức trung bình 158.000 ha trong giai đoạn tham chiếu 2006 - 2021.

Chính phủ Hà Lan cũng chính thức tuyên bố tình trạng thiếu nước vào ngày 3/8 vừa qua.

Tây Ban Nha, Pháp và Vương quốc Anh cũng trải qua ít nhất là một ngày nhiệt độ trên 40 độ C vào tháng 7. Tại Anh, nhiệt độ từng ghi nhận hơn 40 độ C vào tháng trước. Trong khi đó, Tây Ban Nha ngày 8/8 cũng báo cáo tháng 7 là nóng nhất trong hơn lịch sử 60 năm qua.

"Tháng 7 trong năm 2022 đã chứng kiến nhiệt độ nóng nhất ở Tây Ban Nha kể từ năm 1961", Cơ quan Khí tượng của Tây Ban Nha cho biết.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ