(Tổ Quốc) - Doanh nghiệp là khu vực quan trọng nhất đóng góp vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, bình quân trong giai đoạn 2010-2017, khu vực này đóng góp trên 60% trong GDP của toàn bộ nền kinh tế.
Giảm dần quy mô, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Phùng Nguyên.
Điểm sáng về quy mô, tốc độ phát triển
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mới đây, bình quân giai đoạn 2010-2017, số doanh nghiệp thực tế hoạt động của Việt Nam tăng 10,5%/năm, thu hút lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp tăng 5,9%/năm, vốn sản xuất kinh doanh tăng 15,4%/năm, đồng thời, doanh thu tăng 15,6%/năm, lợi nhuận tăng 13,7%/năm.
Theo đó, khu vực doanh nghiệp đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của mình khi đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng 12,4%/năm, tương đương trên 60% trong GDP của toàn bộ nền kinh tế và là khu vực quan trọng nhất đóng góp vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng có 164.189 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm số doanh nghiệp khu vực này tăng thêm 8,6%, thu hút nhiều lao động nhất với 7,48 triệu lao động, chiếm 51,6% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, đóng góp cho ngân sách tăng bình quân 12,1% mỗi năm.
Xếp chót là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp hoạt động rất ít, thời điểm 31/12/2017 khu vực này chỉ có 5.463 doanh nghiệp, tuy nhiên, bình quân trong cả giai đoạn, mỗi năm cũng tăng thêm 11,4% số doanh nghiệp, thu hút 256.683 lao động, chỉ chiếm 1,8% lao động của toàn bộ doanh nghiệp và bình quân mỗi năm đóng góp cho ngân sách tăng 4,1%.
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước liên tục phát triển, từ chỗ chỉ chiếm tỷ lệ thấp, đến nay đã có quy mô và tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Ảnh: Phùng Nguyên.
Giảm dần quy mô, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước
Giai đoạn 2010-2017, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện đúng chủ trương phát triển kinh tế của Nhà nước, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm dần cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp.
Tại thời điểm 31/12/2017, khu vực doanh nghiệp nhà nước (bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50%) có 2.486 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khu vực này giảm 3,9% số doanh nghiệp;
Cụ thể, tỷ lệ số doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trong tổng số doanh nghiệp giảm từ 1,2% năm 2010 xuống còn 0,4% năm 2017; số lao động giảm từ 16,5% xuống 8,3%; nguồn vốn từ 33% xuống 28,8%; doanh thu từ 27,2% xuống 15,1%; lợi nhuận trước thuế từ 32,3% xuống 22,9%; đóng góp vào ngân sách nhà nước từ 36,3% xuống 29,4%.
Nhờ đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước liên tục phát triển, từ chỗ chỉ chiếm tỷ lệ thấp, đến nay đã có quy mô và tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp FDI đối với các chỉ cơ bản trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp cũng tăng dần trong giai đoạn 2010-2017, đặc biệt năm 2017 khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ chi phối về lợi nhuận trước thuế trong toàn bộ kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, thể hiện hoạt động kinh doanh hiệu quả của khu vực này trong giai đoạn 2010-2017.
Cụ thể tỷ lệ đóng góp đối với các chỉ tiêu cơ bản của khu vực doanh nghiệp FDI năm 2010 và 2017 như sau: Số doanh nghiệp 2,6% và 2,9%; số lao động 22,1% và 31,1%; nguồn vốn 15,7% và 18,1%; doanh thu và 28,1%; lợi nhuận trước thuế 35,2% tăng lên 43,8%; đóng góp cho ngân sách nhà nước 23,3% và 27,9%.