(Tổ Quốc) - Đây là chia sẻ của chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường bên lề cuộc toạ đàm "Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách tài chính xanh" ngày 18/2.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Cường, thời điểm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam có lẽ đã qua là năm 2021 khi biến chủng Covid-19 Delta có tác động rất nặng nề tới kinh tế Việt Nam và đời sống người dân. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng nhanh của Việt Nam vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế rất mạnh. Đây có thể nói là yếu tố quan trọng nhất để phục hồi kinh tế cho Việt Nam.
Ba động lực phục hồi năm 2022
Nhà kinh tế trưởng của ADB đã chia sẻ về đánh giá của ngân hàng này rằng: Năm 2022 triển vọng kinh tế Việt Nam tương đối sáng sủa so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Động lực kinh tế quan trọng nhất vẫn là tốc độ phủ vaccine của Việt Nam tương đối cao, kể cả mũi thứ ba thì cũng đã tiêm được gần 35 triệu mũi. Đây là một thành tích rất đáng khâm phục đối với Việt Nam.
Với độ phủ vaccine cao như vậy đã tạo điều kiện cho Việt Nam có thể chuyển từ chính sách Zero Covid sang chính sách linh hoạt hơn, có thể sống chung với Covid-19. Đây là nhân tố rất quan trọng phục vụ cho việc phục hồi kinh tế.
Chuyên gia này cũng nhận định rằng: Động lực thứ hai cho quá trình phục hồi là thương mại. Các chỉ số kinh tế Việt Nam trong tháng Một, đặc biệt là về thương mại, cho thấy thương mại vẫn tiếp tục thể hiện xu thế tích cực, thặng dư thương mại vẫn được duy trì.
Đề cập tới việc các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã trở lại, ông Nguyễn Minh Cường bày tỏ: Việt Nam có rất nhiều thế mạnh về xuất khẩu. Thế mạnh thứ nhất là Việt Nam có thị trường thế giới rất đa dạng. Thế mạnh thứ hai là Việt Nam có sự đa dạng về hàng hoá, từ công nghiệp, đến nông nghiệp, nhiều chủng loại và nhiều lĩnh vực. Một điều thuận lợi khác nữa là xu hướng diễn ra một số điều chỉnh về địa chính trị, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nhiều điều chỉnh về thương mại. Theo ADB, Việt Nam hiện là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ việc điều chỉnh thương mại giữa các nước cũng như các hiệp định thương mại. Do đó, thương mại tiếp tục là một điểm sáng, một động lực tăng trưởng sáng cho phục hồi kinh tế VIệt Nam trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Cũng theo chuyên gia này, động lực thứ ba là gói phục hồi kinh tế mới được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng Một năm nay. Ông Nguyễn Minh Cường cho rằng với gói phục hồi kinh tế mới này trong năm 2022 Việt Nam sẽ có thêm động lực mới để phát triển kinh tế.
Tăng trưởng xanh là xu thế
Đề cập đến xu thế tăng trưởng xanh trên toàn cầu, ông Nguyễn Minh Cường cho hay: Tăng trưởng xanh vào thời điểm này cũng giống như khi quá trình toàn cầu hóa bắt đầu vào những năm 1990. Tăng trưởng xanh sẽ là một xu thế chủ đạo của tăng trưởng kinh tế thế giới. Càng ngày các nước càng có những chính sách hội tụ và tập trung nguồn lực hỗ trợ cho tăng trưởng xanh.
Có những thời điểm, có một số nước, kể cả những nước đang phát triển, có thể vì lí do riêng mà chưa hẳn có những cam kết mạnh mẽ với tăng trưởng xanh. Nhưng những điều này không thể thay đổi được xu hướng toàn cầu hiện nay là tập trung vào tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu. Vấn đề tăng trưởng xanh chắc chắn đã và sẽ tiếp tục là một ưu tiên của toàn cầu cũng như của từng nước, trong đó có Việt Nam, chuyên gia này khẳng định.
Đề cập đến một số đòi hỏi để hướng tới tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng: Để có được tăng trưởng xanh thì có nhiều đòi hỏi. Một trong số đó là vấn đề nguồn lực. Đối với Việt Nam, ngay từ 10 năm trước, Việt Nam đã hướng tới xây dựng luật và các hành lang pháp lý hỗ trợ cho tăng trưởng xanh, tăng cường tiếp cận các nguồn tài chính xanh. Và để giải đáp được câu hỏi là làm thế nào Việt Nam tiếp cận được nguồn lực tăng trưởng xanh này thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là cơ sở, hành lang pháp lý của Việt Nam.
Chuyên gia này giải thích: Cho đến thời điểm hiện nay, ngay cả đối với các nguồn vốn thông thường, dù Việt Nam đã tiếp cận được nhiều nhưng vẫn có một số vấn đề về hành lang pháp lý hiện tại chưa thực sự thông thoáng, chưa nói đến những nguồn vốn xanh – những nguồn vốn mới. Và không hẳn phải đợi đến khi xây dựng được hành lang pháp lý nhất định mà ở đây chúng ta cần đến tính chủ động. Như nhiều quốc gia đang phát triển, dù họ chưa phát được được hành lang pháp lý nhưng họ rất chủ động tiếp cận và đòi hỏi sự quyết tâm về mặt chính trị. Đối với Việt Nam, nếu chúng ta cứ đợi đến khi có hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ thì có lẽ sẽ muộn. Do đó, vấn đề để đạt được tăng trưởng xanh hiện tại là làm thế nào Việt Nam có thể linh hoạt, chủ động tiếp cận các nguồn tài chính xanh trong khi vẫn tiếp tục xây dựng được các hàng lang pháp lý cần thiết.