• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

AFP đánh giá cao nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong nông nghiệp của Việt Nam

Thế giới 24/03/2023 18:56

(Tổ Quốc) - Là một nước sản xuất gạo lớn, Việt Nam đang có những nỗ lực giảm thiểu khí nhà kính trong quá trình này.

Khi còn nhỏ, nông dân Dong Van Canh đã nhiều lần nhìn thấy những gốc rạ trên cánh đồng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị đốt cháy để nhường chỗ cho vụ mùa tiếp theo. Khói đã làm đen bầu trời và đưa vào bầu không khí một lượng lớn khí nhà kính.

Theo AFP, gạo, một loại lương thực chính của châu Á, là nguyên nhân gây ra khoảng 10% lượng khí thải metan toàn cầu - một trong những tác nhân lớn đang khiến Trái Đất nóng lên. Trong quá trình canh tác lúa, các loại vi khuẩn thải ra khí metan phát triển trong ruộng lúa ngập nước và sẽ sinh sôi mạnh hơn nữa khi một lượng lớn rơm rạ còn sót lại trên đồng ruộng sau khi thu hoạch bị thối rữa.

Xuất phát từ điều này, nhiều nhà khoa học đã đưa ra thông điệp: Không thể bỏ qua quá trình sản xuất gạo trong cuộc chiến cắt giảm khí thải.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, Canh, hiện là một nông dân trồng lúa 39 tuổi, không để rơm rạ mục nát trên ruộng và ông cũng không đốt rơm rạ sau khi thu hoạch như gia đình mình từng làm trước đây.

AFP đánh giá cao nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong nông nghiệp của Việt Nam - Ảnh 1.

Rơm rạ được nông dân thu gom tại Cần Thơ. Ảnh: AFP.

Canh đã tham gia sáng kiến loại bỏ rơm rạ khỏi đồng ruộng và biến chúng thành nấm và phân bón hữu cơ. Sáng kiến này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn giúp gia đình ông kiếm được một khoản tiền nhỏ.

“Nếu chúng ta có thể thu gom rơm và kiếm tiền, tất cả các bên đều có lợi”, Canh chia sẻ với AFP trong khi vẫn đang thu gom một đống rơm lớn và mềm. Sau khi thu dọn, chúng sẽ sớm trở thành thức ăn dinh dưỡng cho cây trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nỗ lực giảm phát thải

Chương trình Canh đang tham gia do Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tổ chức. Đây là một trong những chương trình được thực hiện trên khắp Việt Nam và cả trong khu vực lân cận để cố gắng giảm dần lượng khí thải metan từ sản xuất lúa gạo. Dù những chương trình như vậy không phải là mới nhưng chúng đã thu hút được nhiều sự quan tâm kể từ khi khoảng 100 quốc gia ký Cam kết khí metan toàn cầu 2 năm trước, đồng ý giảm 30% lượng khí thải metan vào năm 2030.

Việt Nam cùng với 1 số nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới khác là Indonesia và Bangladesh đã tham gia cam kết này. Phát biểu tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: ''Việt Nam là một nước đã phải trải qua nhiều năm chiến tranh, là nước đang phát triển nhưng Việt Nam cam kết mạnh mẽ về việc cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030”.

Hiện tại ở Việt Nam, khi mùa thu hoạch sắp kết thúc, nông dân đẩy những chiếc xe chở đầy các bó rơm tập kết vào 1 khu vực. Sau đó chúng sẽ được ngâm nước và trải ra để trồng nấm rơm. Khi nấm đã trưởng thành, chúng sẽ được bán trước khi nông dân gom lại rơm và đưa vào máy ủ phân. 2 tháng sau, lượng phân này sẽ được xuất xưởng và có thể được bán đi.

"Trước đây một số nông dân sẽ làm thủ công những công việc trên nhưng tốn nhiều nhân công và chi phí cao. Giờ chúng tôi giảm được một nửa chi phí và sẽ mở rộng để đáp ứng nhu cầu của thị trường", ông Le Dinh Du, một nông dân trồng lúa đồng thời là người đứng đầu bộ phận bảo vệ thực vật của địa phương, cho hay.

"Gạo bây giờ có một hành trình tuyệt vời. Chúng tôi không lãng phí bất cứ thứ gì", ong Du khẳng định.

Hạn chế sự phát triển của vi khuẩn tạo khí metan

Theo số liệu của cơ quan môi trường Việt Nam, canh tác lúa tạo ra gần 1 nửa lượng khí metan tại Việt Nam năm 2019. Nhu cầu tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này là bức thiết.

Vì vậy, quản lý rơm rạ thân thiện với môi trường đã được giới thiệu và phổ biến "rộng rãi tới nông dân và cán bộ nông nghiệp địa phương" trên khắp cả nước, theo Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGIAR.

Không giống như các loại cây trồng khác, ruộng lúa có một lớp nước đọng nên không có sự trao đổi không khí giữa đất và khí quyển, Bjoern OleSander, nhà khoa học cấp cao của IRRI tại Hà Nội giải thích.

Những điều kiện này sẽ tạo môi trường cho nhiều loại vi khuẩn khác nhau đang hoạt động trên lúa. Ông Bjoern Ole Sander nói: “Những vi khuẩn này ăn chất hữu cơ và tạo ra khí metan”.

Cùng với việc quản lý rơm rạ, IRRI cũng chia sẻ về một kế hoạch khác có tên là Xen kẽ làm khô và làm ướt (AWD). Theo đó, các vùng nước đọng và lớp nước đọng trên bề mặt ruộng sẽ được thoát bớt để cung cấp oxy cho đất và giảm vi khuẩn tạo khí metan. Quá trình này cũng có thể giúp cắt giảm lượng khí nhà kính.

Sáng kiến này đã được thực hiện trên hơn 200.000 ha đất trồng lúa ở tỉnh An Giang thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Đánh giá hiệu quả của chương trình này, CGIAR cho biết AWD đã tạo ra tác động đáng kể.

Đối với những người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, họ rất tự hào khi được đóng góp vào nền nông nghiệp bền vững hơn, đồng thời thu thêm được nhiều lợi ích từ vụ mùa của họ. Canh nói: “Chúng tôi đã phải làm việc vất vả. Nhưng một khi chúng tôi nhận ra cách tận dụng rơm rạ, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ