(Toquoc)-Người Ai Cập lại nổi dậy chống lại những kẻ độc tài mới; Tổng thống và tổ chức Anh em Hồi giáo có thể đã bắt mạch sai tâm trạng khát khao tự do của dân chúng.
(Toquoc)-Người Ai Cập lại nổi dậy chống lại những kẻ độc tài mới; Tổng thống và tổ chức Anh em Hồi giáo có thể đã bắt mạch sai tâm trạng khát khao tự do của dân chúng.
Ngày 4/12, phe đối lập tổ chức các cuộc biểu tình, tuần hành rầm rộ bên ngoài Phủ Tổng thống Ai Cập và tại nhiều địa phương khác nhằm phản đối Tuyên bố Hiến pháp, dự thảo Hiến pháp và cuộc trưng cầu ý dân về văn bản này. Tối cùng ngày, hàng chục nghìn người biểu tình đã bao vây Phủ Tổng thống buộc lực lượng cảnh sát phải rút lui khỏi các phòng tuyến bên ngoài. Sau khi nổ ra các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã phải rời khỏi địa điểm này.
Hàng rào thép gai được dựng lên bên ngoài phủ tổng thống để ngăn những người biểu tình đang sôi sục
Bất đồng giữa những kẻ nắm quyền và lực lượng ủng hộ thế tục
Trước đó, chiều 4/12, dù bị cảnh sát chống bạo động bắn đạn hơi cay, một số người biểu tình đã phá vỡ các phòng tuyến dây thép gai bảo vệ Phủ Tổng thống và tiến về phía tòa nhà. Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu đòi lật đổ Tổng thống Morsi, giải tán tổ chức “Anh em Hồi giáo” và phản đối Tuyên bố Hiến pháp, dự thảo Hiến pháp và kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân về văn bản này vào ngày 15/12 tới.
Ít nhất 27 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát quanh khu vực Phủ Tổng thống. Người phát ngôn lực lượng quân đội phủ nhận thông tin quân đội tham gia bảo vệ Phủ Tổng thống đồng thời nhất mạnh rằng lực lượng quân đội giữ quan điểm trung lập và không đứng về phía bất kỳ đảng phái nào. Bên cạnh điểm nóng Phủ Tổng thống, hàng nghìn người biểu tình còn tập trung tại quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairô. Tại quảng trường này, một liên minh các nhóm đối lập là “Mặt trận giải cứu quốc gia” đã kêu gọi biểu tình ngồi bên ngoài Phủ Tổng thống và trên khắp cả nước.
Hàng trăm nhà báo đã tổ chức tuần hành trước cửa Nghiệp đoàn báo chí phản đối Tuyên bố Hiến pháp của Tổng thống và dự thảo hiến pháp. Hơn 10 tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất tại Ai Cập đã cùng đình bản trong ngày 3/12. Nhiều tờ báo mạng đã ngừng phát tin trong nhiều giờ hoặc chỉ phát các tin tức liên quan tới các cuộc biểu tình của phe đối lập. Ít nhất 5 kênh truyền hình tuyên bố sẽ ngừng phát sóng vào ngày 5/12.
Nhật báo Almasry Alyoum dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Lập hiến Ai Cập cho biết Tổng thống Morsi có thể sẽ hủy bỏ hai điều khoản gây tranh cãi trong bản Tuyên bố hiến pháp được ban hành ngày 22/11 vừa qua. Cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ Văn phòng Tổng thống đang xem xét đình chỉ toàn bộ Tuyên bố Hiến pháp và thông tin này sẽ được phó Tổng thống Mahmoud Mekky công bố trong một cuộc phỏng vấn đăng trên một tờ báo địa phương vào ngày 5/12. Cũng theo nguồn tin này, Văn phòng Tổng thống đã xem xét sửa đổi Tuyên bố Hiến pháp, đặc biệt là điều khoản thứ 2 và thứ 6 trong đó quy định các cơ quan tư pháp không có quyền xem xét, hủy bỏ bất kỳ quyết định nào của Tổng thống.
Kể từ sau khi Tổng thống Morsi công bố sắc lệnh Tuyên bố Hiến pháp trên, phe đối lập và hệ thống tư pháp Ai Cập đã phản đối mạnh mẽ vì cho rằng nhà lãnh đạo này đang cố mở rộng quyền lực của mình. Cuộc khủng hoảng trên chính trường thêm trầm trọng sau khi dự thảo Hiến pháp được công bố. Bản dự thảo này đang trở thành tâm điểm cho những bất đồng chính trị và ý thức hệ giữa một bên là lực lượng Hồi giáo nắm quyền với phe đối lập chủ yếu theo khuynh hướng thế tục.
Chủ tịch câu lạc bộ thẩm phán cho biết đại đa số các thẩm phán và công tố viên sẽ không tham gia giám sát cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp. Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến các thẩm phán tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, chỉ có 226 thẩm phán đồng ý trong khi có tới 2.039 người tuyên bố sẽ không tham gia giám sát. Cùng ngày, Tổng thư ký Hội đồng Lập hiến cảnh báo các bản dự thảo hiến pháp giả mạo đã được lưu hành tại các hiệu sách, nhà ga và trên Internet.
Phải chăng Ai cập chuyển từ độc tài quân sự sang độc tài tôn giáo?
Cuộc xuống đường lần này của quần chúng Ai Cập là để chống lại việc Tổng thống Mohamed Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo muốn áp đặt những quyết định độc tài và chuyển biến Ai Cập từ thế tục sang thần quyền.
Mohamed Morsi là một sản phẩm của tổ chức Anh em Hồi giáo. Ông ta có thể muốn tự huyễn hoặc mình rằng chỉ có những lời răn dạy của tổ chức Anh em Hồi giáo mới định hướng cho ông ta.
Tính hợp pháp của Tổng thống xuất phát từ cuộc bầu cử và trên đường phố với từng hàng người xếp hàng dài dưới cái nắng gay gắt cuối tháng Sáu, chờ đợi đến lượt bỏ lá phiếu vào hòm phiếu và bầu ra Tổng thống của họ. Đêm công bố kết quả, hàng chục nghìn người, trong đó chủ yếu là thanh niên mang mặt nạ nhóm hacker “Anonymous” hay mang ápphích cổ động của tổ chức Anh em Hồi giáo, đã hân hoan đổ xuống đường. Họ ăn mừng chiến thắng của ứng cử viên Mohamed Morsi thì ít mà chủ yếu là ăn mừng thất bại của chế độ cũ và chiến thắng của cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu.
Tân Tổng thống Mohamed Morsi, người trước đó được cho là một lãnh đạo tẻ nhạt và không có uy tín, đã chứng tỏ được mình có năng lực thực sự. Tuy nhiên, quá trình chuyển tiếp chính trị còn lâu mới kết thúc. Dự thảo Hiến pháp mới đã bộc lộ ý định của tổ chức Anh em Hồi giáo muốn thâu tóm quyền lực, mang lại một thể chế tôn giáo thẩm quyền phán xét cuối cùng về các điều luật của đất nước giống như ở Iran.
Dư luận Ai Cập quan tâm: Có phải xu hướng “Anh em Hồi giáo hóa” đang diễn ra? Hay điều mà một số nhà bình luận lo lắng là Ai Cập liệu sẽ trở thành một nước Iran mới?
Hiện tại một bộ phận lớn dân chúng Ai Cập không ủng hộ Anh em Hồi giáo. Ảnh hưởng của Anh em Hồi giáo cũng phần nào bị suy giảm khi ông Morsi chỉ giành được 5,7 triệu phiếu bầu trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống trong khi Đảng Tự do và Công lý (FJP), nhánh chính trị của tổ chức này, đã giành được gần gấp đôi số phiếu đó trong các cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối năm 2011 - đầu năm 2012. Và tại vòng hai cuộc bầu cử tổng thống, đối thủ trực tiếp của Mohamed Morsi là Ahmed Shafiq đã giành được tổng cộng 12 triệu phiếu. Kết quả này cho thấy sự phản đối của cử tri Ai Cập đối với Anh em Hồi giáo hơn là sự nuối tiếc chế độ cũ.
Cũng giống như cựu Tổng thống Hosni Mubarak trước đây, Anh em Hồi giáo sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong việc nắm giữ quyền lực. Hiện Anh em Hồi giáo chưa có một dự án tổng thể ngay cả trong các vấn đề quốc tế nhằm tập hợp toàn bộ bộ máy nhà nước cùng đi theo một hướng. Sự nóng vội thâu tóm quyền lực và áp đặt ý chí của họ đang đẩy Ai Cập vào một cuộc xung đột mới./.
Lưu Việt