(Toquoc)-Phe nổi dậy đang chuẩn bị cho trận quyết chiến.Khi chế độ Gaddafi sụp đổ, ai được, ai mất?
(Toquoc)-Giới quan sát cho rằng Tổng thống Pháp là người được lợi nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng Libya. Còn ngoài máu và sinh mạng của dân thường Libya, người mất nhiều nhất là ai?
Cuộc khủng hoảng ở Libya chưa thực sự kết thúc. Phe trung thành với đại tá Gaddafi vẫn quyết không đầu hàng. Toàn bộ lực lượng đang được tập trung về thành phố Bani Walid. Trong khi đó, phe nổi dậy cho rằng họ muốn đàm phán về một biện pháp hoà bình để tránh đổ máu nhưng không thành và họ đã sẵn sàng cho trận chiến cuối cùng tại đây.
Phe nổi dậy hiện tại đã giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Libya sau khi tràn vào thủ đô và chiếm được đại bản doanh của ông Gaddafi hồi đầu tháng 8. Chưa ai biết rõ ông Gaddafi đang ở đâu, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng ông và hai con trai đang ở thành phố sa mạc Bani Walid. Các chiến binh nổi dậy đang thắt chặt vòng vây tại đây. Trong khi đó, máy bay chiến đấu của phương Tây cũng đang gầm rú trên bầu trời quanh thành phố sa mạc.
Không phải cho đến lúc này người ta mới tính toán sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ, ai là người được lợi nhiều nhất, và ai bị mất nhiều nhất. Đa số giới quan sát cho rằng Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy, dường như là người được nhiều nhất, còn những người mất nhiều nhất là Liên minh châu Phi và Nam Phi.
Chuyên gia Adrien Hart, trên tạp chí Statafrik, đánh giá cuộc chiến Libya là cuộc chiến của Tổng thống Sarkozy và ông đã chiến thắng. Nước Pháp từng bị phê phán nặng nề vì thái độ và bị động trước các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập. Lúc đó dường như Pháp nằm ngoài cơn lốc lịch sử quét qua bờ Bắc châu Phi. Rồi Pháp, nước thích được nói đến như nước Pháp của “cuộc cách mạng năm 1789” và nhân quyền, muốn làm lại với Libya.
Tổng thống Pháp là nguyên thủ đầu tiên yêu cầu Đại tá Gaddafi ra đi (ngày 25/2/2011) và cũng là người đầu tiên công nhận Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) như người đại diện duy nhất của nhân dân Libya (ngày 11/3/2011).
Cuộc can thiệp vào Libya khiến quân đội Pháp phải chi tới 1,2 triệu euro/ngày trong lúc Pháp đang trong cơn khủng hoảng kinh tế. Nhưng quân đội Pháp và Anh đã cho thấy họ nằm trong số các quân đội hùng mạnh nhất thế giới và là xương sống của nền quốc phòng châu Âu. Đó là cái được về chiến lược so với Đức, siêu cường kinh tế nhưng vẫn là một chú lùn trong lĩnh vực quân sự.
Cặp Pháp – Anh như vậy cũng là trả được “mối hận” trong cuộc can thiệp của họ vào vùng kênh đào Suez năm 1956. Sau khi đánh tan quân đội Ai Cập, quân Pháp và Anh đã phải ngừng bắn và rút quân theo yêu cầu của Washington và Moscow. Đối với Pháp và Anh, đólà lúc thế giới không còn tồn tại, là lúc đế chế thực dân bắt đầu chấm dứt, là lúc ảnh hưởng của họ ở Trung Đông suy giảm.
Sau cuộc can thiệp thành công vào Cốt Divoa và với Libya, Pháp đánh dấu việc mình trở lại châu Phi và trong thế giới Ả Rập. Nhưng thời kỳ hậu Gaddafi sẽ không dễ kiểm soát vì mọi lời phê phán đều coi NATO là “đội quân chiếm đóng” trên vùng đất Ả Rập - Hồi giáo.
Người được lợi thứ hai trong cuộc chiến Libya là Tổng thống Mỹ, Barack Obama. Gaddafi sụp đổ là một tin tốt lành cho ông Obama. Bị vướng vào cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng, bị công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s cho “xuống hạng”, Tổng thống Obama có thể vui mừng trước sự sụp đổ của Gaddafi. Chỉ trong vòng vài tháng, Washington đã loại trừ được Bin Laden và góp phần phế truất Gaddafi.
Song, những thắng lợi này không xua tan được cảm giác yếu thế, thứ cảm giác dai dẳng về sự suy tàn của “đế chế Mỹ”. Tuy có hỗ trợ đáng kể vào cuộc can thiệp của NATO, song Washington vẫn chỉ đứng phía sau và không tin lắm vào vụ này của Pháp – Anh.
Thái độ lưỡng lự của Obama hồi đầu năm, do bận tâm vào giải quyết vấn đề Afghanistan, đã giúp pháp tự do thể hiện quyết tầm riêng của mình.
Thứ ba phải kể đến là Tổng thống Senegal, Abdoulaye Wade. Ở trong nước, ông gặp khó khăn và phải lùi bước trong vấn đề sửa đổi hiến pháp do bị phản đối ngay trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 2/2012. Nhưng trên bình diện quốc tế, Tổng thống Wade, năm nay đã 85 tuổi và nắm quyền từ năm 2000, là người nhạy bén về cuộc khủng hoảng Libya. Ngày 9/6/2011, ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến Benghazi, thành trì của phe nổi dậy, để yêu cầu Gaddafi ra đi.
Tổng thống Wade cho thấy nhạy cảm chính trị của ông là không thể phủ nhận được. Senegal là nước thứ hai ở châu Phi (sau Zambia) công nhận NTC, trái ngược với lập trường của Liên minh châu Phi.
Với 12 triệu dân, Senegal một lần nữa cho thấy ngành ngoại giao của mình đã vượt khỏi khuôn khổ môi trường lân cận và có tham vọng tầm châu lục, thậm chí thế giới.
Nếu ba người được lợi thì ông Adrien Hart cũng nêu danh ba người mất mát nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng ở Libya.
Đầu tiên phải kể đến Nam Phi, nước mất nhiều nhất. Là cường quốc kinh tế hàng đầu ở châu Phi, nước này mới gia nhập câu lạc bộ BRICS, những nền kinh tế mới nổi cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời là ứng viên vào một ghế uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Ngành ngoại giao Nam Phi trước đó bị phê phán mạnh vì đã ủng hộ Laurent Gbagbo trong cuộc khủng hoảng Cốt Đivoa, cũng như bảo vệ đến cùng một chính phủ đoàn kết dân tộc giữa Gbagbo và Alassane Ouattara, người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Nhưng Nam Phi vẫn không vì thế mà thay đổi trong cuộc khủng hoảng Libya. Một lần nữa, nước này vận động cho việc chia sẻ quyền lực, không công nhận NTC mà còn phê phán kịch liệt các vụ không kích của NATO. Tổng thống Jacob Zuma thậm chí còn đến Tripoli để tìm cách thuyết phục “người anh em Libya” nhưng không thành.
Pretoria hiện nay dường như đang ở thế phòng ngự. Ngày 22/8, chính phủ nước này đã công khai cải chính mọi ý đồ đưa Gaddafi ra khỏi Libya, bảo đảm rằng máy bay của Nam Phi đậu ở Libya chỉ là để di tản nhân viên Đại sứ quán. Ngày 23/8, đến lượt Tổng thống Zuma lên tiếng bảo vệ lập trường của Liên minh châu Phi (AU), chủ yếu do Nam Phi hoạch định, khẳng định việc NATO sử dụng vũ lực đã làm hỏng mọi nỗ lực hoà giải của châu Phi.
Cùng lúc đó, Nigeria, một nước lớn khác ở châu Phi, nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu và là nước đông dân nhất châu lục (160 triệu dân), ngày 23/8 đã công nhận NTC như chính quyền hợp pháp duy nhất mà không chờ đến ngày hội nghị cấp cao của AU về Libya diễn ra ngày 26/8.
Trong cuộc cạnh tranh với Nam Phi để giành một ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Nigeria chắn chắn đã ghi được một điểm cho dù có chậm chân công nhận quân nổi dậy. Và trong cuộc khủng hoảng Cốt Đivoa, Nigeria cũng chọn đúng khi ủng hộ Ouattara.
Người mất thứ hai phải kể đến là Algeria. Nước này im lặng một cách đáng ngạc nhiên. Tunissia đã công nhận NTC, tiếp đó là Maroc. Báo chí Algeria đang tự hỏi nước này đứng ở đâu trong sự kiện có ảnh hưởng tầm khu vực, thậm chí thế giới này. Algeria có đường biên giới rất dài với Libya nhưng chưa bao giờ yêu cầu Gaddafi ra đi. Thậm chí hiện tại vợ con Gaddafi cũng đã chạy sang Algeria và Algeria đã đóng cửa biên giới với Libya.
Cuối cùng là Liên minh châu Phi. Tổ chức này đã phải chịu đựng nhiều trong cuộc khủng hoảng Libya. Làm thế nào để phê phán, để “buông” một nhà lãnh đạo châu Phi từng làm Chủ tịch AU và là một trong những người đóng góp chính cho ngân sách của tổ chức này?
Ngay từ đầu, AU đã không mệt mỏi kêu gọi đối thoại, phê phán các vụ không kích của NATO và định đứng ra hoà giải. Nhưng AU bị kẹt trong chính mâu thuẫn của mình. Khi Nigeria kêu gọi các nước thành viên không thực hiện lệnh bắt quốc tế của toà án hình sự quốc tế đối với Gaddafi, phương Tây đánh giá theo nhiều cách khác nhau lập trường của tổ chức này.
Liên minh châu Phi sẽ làm gì để có đủ ngân sách hoạt động mà không cần đến đóng góp của Libya? Ông Adrien Hart cho rằng đã đến lúc tổ chức này phải tự tìm kiếm nguồn tài chính và quyết tâm chính trị để có thể tác động đến lịch sử của châu lục./.
PV (Tổng hợp)