• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ai hứng chịu nặng nề nhất trước lệnh cấm nhập cư của ông Trump?

Thế giới 02/02/2017 16:09

(Tổ Quốc) -Những đứa trẻ tị nạn khắp thế giới dường như chịu “đau đớn nhất” trước sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump.


Đây là đánh giá của Liên Hợp Quốc xung quanh những tranh cãi trong sắc lệnh cấm nhập cư mới của Tổng thống Trump. Sắc lệnh gây ra sự xáo trộn lớn và bị coi là phân biệt chủng tộc này đã vấp phải sự chỉ trích không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới.

 

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/1 đã ký một sắc lệnh tạm dừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng, đồng thời cấm công dân của 7 nước, gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, nhập cảnh Mỹ trong 90 ngày.

Năm trong số bảy quốc gia đang rơi vào nguy hiểm trước sắc lệnh nhập cư của ông Trump là Iraq, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. Bên cạnh đó, các quốc gia khác như Cộng hòa dân chủ Congo, Ethiopia, Nigeria và Nam Sudan cũng chịu nhiều rủi ro.

Jennifer Sime, phó chủ tịch cấp cao Ủy Ban cứu hộ quốc tế cho hay, lệnh cấm đã khiến trẻ em và phụ nữ chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Nước Mỹ đang đẩy ra xa trách nhiệm đứng đầu trong vấn đề tị nạn. Lệnh cấm giống như một đòn giáng mạnh vào những người đang phải chịu rủi ro cao nhất.

Liên Hợp Quốc đã tổng kết các đánh giá tình hình sau sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump.

Quốc gia nào đang phải chịu nhiều khó khắn nhất trước tình hình hiện tại?

Syria và người tị nạn Syria

 

Những đứa trẻ tị nạn tại Syria đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trước lệnh cấm di cư vào Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Mặc dù các lực lượng chính phủ Tổng thống Assad đã lấy lại nhiều khu vực do quân nổi dậy nắm giữ, song cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS vẫn tiếp tục diễn biến khốc liệt.

LHQ cho hay, Syria đang mong muốn nhận hỗ trợ 1 tỷ đôla cho trẻ em sau 6 năm nội chiến.

“Khủng hoảng tị nạn Syria được xem là khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử loài người từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ Hai. Có khoảng hơn 2.2 triệu trẻ em sống tị nạn tại các nước láng giềng Syria”, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho hay.

UNICEF cũng đang kêu gọi hỗ trợ khoảng 300 triệu đôla giúp đỡ 5.8 triệu trẻ em đang sống tị nạn tại các nước khó khăn. Quỹ này nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiếu nước, điều kiện vệ sinh và y tế.

Yemen

Cuộc chiến tranh 21 tháng tại Yemen đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ở quốc gia nghèo nhất Trung Đông này.Cho đến nay, hàng chục nghìn người đã rời khỏi Yemen, chủ yếu là tới Djibouti, Somalia, Ethiopia và Sudan. Với địa hình xung quanh chủ yếu là sa mạc và đại dương, chỉ có đường biên giới chung với Saudi Arab và Oman, người tị nạn Yemen không dễ để thoát ra khỏi tình trạng bạo lực ở đất nước mình.

UNICEF cũng đang mong muốn thúc đẩy cứu trợ khoảng 200 triệu đôla tại Yemen- đất nước được cho là nội chiến và nạn đói hoành hành. Tổ chức này cũng kêu gọi hỗ trợ 6.9 triệu trẻ em tại quốc gia này trong năm nay.

Iraq

Mặc dù lực lượng Iraq đã lấy lại khu vực phía Đông Mosul từ IS nhưng các phiến quân Hồi giáo Sunni vẫn tạo ra một cuộc chiến khốc liệt ở nhiều nơi của đất nước này.Cuộc chiến ở Mosul đã tạo ra một cuộc chạy trốn lớn của người dân thường, khỏi khu vực chiến tranh trong cuộc chiến chống IS.

Hơn 5.1 triệu trẻ em cần được hỗ trợ tại Iraq. Khoảng ¼  trẻ em trong số đó bị mất nhà bởi các cuộc xung đột. LHQ đang kêu gọi hỗ trợ khoảng 160 triệu đôla về vacxin nhằm phòng bệnh bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi.

Sudan

 

Hoa Kỳ đã liệt Sudan vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố và áp đặt cấm vận liên quan đến vai trò của Khartoum trong cuộc xung đột ở Darfur, nơi Liên Hiệp Quốc cho biết có khoảng 300.000 người đã bị giết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa kể từ năm 2013. Những người dân Darfur luôn hiện diện trong những dòng người tị nạn đổ vào châu Âu năm ngoái. Mặc dù tình trạng bạo lực ở phía Đông Sudan đã tạm lắng trong một thập kỷ qua nhưng nhiều cuộc nổi dậy vẫn tiếp tục. Chính phủ Khartoum đã gia tăng các cuộc tấn công những nhóm nổi dậy từ năm ngoái, tạo ra một làn sóng người nhập cư mới tới các trại tị nạn đổ nát ở phía Bắc Darfur.

LHQ có kế hoạch hỗ trợ hai triệu trẻ em Sudan dưới 5 tuổi trong tình trạng suy dinh dưỡng. UNICEF mong muốn gây quỹ 100 triệu đôla nhằm thúc đẩy chương tình dinh dưỡng cho trẻ em Sudan.

Somalia

Cho đến năm 2011, al Shabaab kiểm soát phần lớn quốc gia châu Phi này bao gồm cả Mogadishu. Các phiến quân al Shabaab thường ném bom và tấn công thủ đô của Somalia để lật đổ chính phủ thân phương Tây và áp đặt những quy định Hồi giáo nghiêm ngặt của riêng mình. Trong hai năm qua, Liên minh châu Phi và các lực lượng chính phủ Somalia đã đánh đuổi al Shabaab ra khỏi các địa điểm trọng yếu nhưng lực lượng này vẫn hoạt động tại các căn cứ ở khu vực nông thôn.

Một triệu người tị nạn Somalia đang sống trong các trại ở những nước láng giềng gồm Ethiopia, Kenya, Uganda, Djibouti và Yemen và khoảng 1,1 triệu người khác cũng phải rời bỏ nhà cửa trong chính đất nước của mình.

Theo UNICEF, Somalia đang rơi vào khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Ước tính, khoảng 850.000 trẻ em dưới 5 tuổi rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng. UNICEF kêu gọi chương trình hỗ trợ khoảng 60 triệu đôla nhằm gây quỹ giải cứu trẻ em tại Somalia năm 2017.

 (Theo nytimes)

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ