• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Ám ảnh” Donald Trump phủ bóng tồn tại NATO trước thềm hội nghị an ninh

Thế giới 03/02/2018 16:39

(Tổ Quốc) - Thái độ trái chiều của ông Trump đã khiến niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Mỹ tại NATO bị giảm sút nghiêm trọng.  

Khi các tướng lĩnh và giới ngoại giao tụ họp tại hội nghị an ninh quan trọng nhất của châu Âu ở Munich sắp tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không có mặt. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ ông Trump được cho là đã tác động không nhỏ lên các đồng minh của Mỹ ở phía bên kia Đại Tây Dương.

Theo Foreign Policy, những nghi ngờ về sự lãnh đạo của Washington trước NATO sẽ là chủ đề được quan tâm nhất tại Hội nghị An ninh Munich, diễn ra từ 16 – 18/2 tới đây. Các chiến lược gia châu Âu chắc chắn sẽ dành nhiều thời gian “tìm tòi” các thông điệp mâu thuẫn đến từ Nhà Trắng trong suốt thời gian qua.

Ngay sau chiến thắng của ông Trump vào cuối năm 2016, các chính phủ châu Âu đã phải đối mặt với kịch bản “ác mộng”: Vị Tổng thống đề cao “nước Mỹ là trên hết” sẽ tiến gần hơn về Nga và từ bỏ NATO. Tuy nhiên, hơn một  năm sau, nỗi e sợ trên vẫn chưa biến thành sự thật.

Có thật Mỹ đã quay lưng lại với NATO?

Các quan chức châu Âu cho biết, bất chấp những lời lẽ của ông Trump, giới chức quân sự Mỹ và các đồng nghiệp châu Âu vẫn không ngừng hợp tác trong mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng của Nga.

Chính quyền ông Trump đã tiến hành những bước cụ thể để thắt chặt quan hệ đồng minh, thông qua các thương vụ cung cấp vũ khí cho Ukraine và triển khai thêm xe tăng Mỹ tới rìa đông NATO.

Tuy nhiên, ngân sách và vũ khí không phải là tất cả đối với NATO. Một số quan chức phương Tây cho rằng, giọng điệu của ông Trump đã làm nảy sinh nghi ngờ rằng, liệu Mỹ có sẵn sàng đứng ra trong trường hợp khủng hoảng bùng nổ.

“Chúng tôi vẫn hợp tác tốt đẹp với các đồng nghiệp Mỹ bên trong NATO,” một nhân viên quân sự cấp cao của châu Âu nói với Foreign Policy. “Tuy nhiên, khi những điều này được nói ra, nó tạo nên sự không chắc chắn”.

Người châu Âu đang đặt cược hy vọng vào mối quan hệ quân sự thân thiết kéo dài hơn 6 thập kỷ với Mỹ. Và họ trông chờ đội ngũ của ông Trump, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Joseph Dunford… đảm trách vai trò “bảo hộ” cho liên minh quân sự. 

Phát biểu khi được trao tặng huân chương tại Brussels hôm 15/1, Tướng Dunford nói: “Tôi nghĩ mối quan hệ từ quân sự đến quân sự giữ cho chúng ta luôn đúng mực và trung thực với nhau, ngay cả  đôi khi giữa hai bên xảy ra bất đồng”.

Trong số những động thái nhằm trấn an các chính phủ châu Âu, đáng chú ý có việc chính quyền Trump quyết định gia tăng ngân sách dành cho quân đội Mỹ và thiết bị quân sự tại Đông Âu, mở rộng huấn luyện và diễn tập với các đối tác NATO. Bộ Quốc phòng Mỹ dự định chi 4,8 tỷ USD trong năm 2018 - tăng 1,4 tỷ USD so với năm trước.

“Không thể không suy nghĩ trước những gì ứng cử viên Tổng thống Trump từng nói,” một nhà ngoại giao châu Âu nhận xét. “Những rõ ràng, kể từ khi chính thức nhậm chức, sự cam kết với NATO ở một vài khía cạnh, vẫn tiếp tục được củng cố”. 

Chính quyền hiện tại của Tổng thống Trump được cho là không thiếu những gương mặt “thân Đại Tây Dương” và “chống Nga” bao gồm: Wess Mitchell, trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề châu Âu và Á-Âu; Kurt Volker, đặc phái viên tại Ukraine; Thomas Goffus, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về châu Âu và chính sách NATO; và các nhân viên của Hội đồng an ninh quốc gia như Richard Hooker và Fiona Hill.

“Hội đồng an ninh quốc gia đã dành rất nhiều thời gian để phản đối những yếu tố cánh hữu trong chính sách châu Âu của ông Trump,” một cựu nhân viên Lầu Năm Góc từng phục vụ dưới thời Tổng thống George W. Bush tiết lộ.

 Quân lính Mỹ tham gia lễ đón quân đội NATO gần Orzysz, Ba Lan hôm 13/4/2017 (ảnh: Reuters).

Mỹ: buông lỏng vai trò lãnh đạo NATO?

Tuy nhiên, dường như không một ai có thể ngăn cản ông Trump buông những lời “tổn thương” đến NATO.

Ông Trump luôn gọi NATO là một tổ chức “lỗi thời” trong chiến dịch tranh cử, và từ chối hoàn toàn tán thành Điều khoản 5 về nguyên tắc cùng phòng thủ cho đến tận chuyến công du châu Âu thứ hai vào tháng 7/2017. Tháng 5 năm ngoái, ngay tại Brussels, Tổng thống Mỹ còn cáo buộc các đồng minh NATO chỉ biết “ăn bám”.

Hiện chỉ có 5/29 thành viên NATO đạt được mức ngân sách quốc phòng theo đùng thỏa thuận là 2% GDP, bao gồm Mỹ, Anh, Estonia, Hy Lạp và Ba Lan. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, tầm quan trọng của chỉ số trên hoàn toàn đã bị “thậm xưng”.

Sự thay đổi trong cách tiếp cận của ông Trump trước NATO khiến nảy sinh câu hỏi, liệu Mỹ có thực sự ủng hộ khi liên minh này cần đến sự giúp đỡ.

“Tôi nghe tin tức từ giới chức cấp cao nhất tại châu Âu rằng, bất kỳ cuộc thảo luận nào tại NATO đều nói về định mức 2%,” Ivo Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO và hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, nói.

Kết quả của những lo ngại trên, đó là nước Mỹ dưới thời ông Trump, đang không thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình tại NATO. Ngoại trừ tiếp tục sự ủng hộ đối với các sáng kiến hình thành từ chính quyền Obama, Nhà Trắng hiện tại vẫn chưa đưa ra được những ý tưởng mới cho khối liên minh, hoặc dẫn dắt các cuộc thảo luận giữa các đặc phái viên chính trị tại Hội đồng Bắc Đại Tây Dương – cơ quan ra quyết định của NATO.

“Sự lãnh đạo của Mỹ hiện gần như không tồn tại,” Jim Townsend, cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, người từng phụ trách về chính sách châu Âu và NATO, nhận định. “Động cơ thông thường để phát triển chính sách NATO đang không hoạt động”.

Ông Townsend cũng lưu ý, trong khi liên minh quân sự vẫn không ngừng gia tăng hiện diện tại Đông Âu và lên kế hoạch thiết lập các bộ tư lệnh hậu cần và hải quân mới, các thành viên NATO vẫn chưa sẵn sàng về cả mặt lực lượng lẫn thiết bị để triển khai khi có lệnh điều động.

Thái độ “hờ hững” của ông Trump đối với NATO đã làm dấy lên làn sóng bình luận từ những người vẫn luôn kêu gọi châu Âu tự đảm nhận nhiệm vụ gìn giữ an ninh của mình, mà không phụ thuộc vào Mỹ. Những nghi ngờ về sự cam kết của Mỹ cũng góp phần khuyến khích các ý tưởng rằng châu Âu nên cân nhắc một lập trường xích lại gần hơn với Nga.

Bên cạnh định kiến về NATO, Tổng thống Trump cũng góp phần đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào tình trạng căng thẳng, “nhờ vào” giọng điệu chống EU và các chính sách bảo hộ thương mại của mình. EU giờ đây đang theo đuổi một chương trình thương mại toàn cầu, bao gồm cả một thỏa thuận mới với Nhật Bản, sau khi nước Mỹ tỏ ra sẵn sàng từ bỏ vai trò bảo hộ cho hệ thống thị trường mở.

“Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có thể sẽ tổn thương trong thời gian dài tới đây,” Alexander Vershbow, cựu Phó Tổng thư ký NATO và một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ cảnh báo. “Đối với châu Âu, giờ đây Mỹ luôn là một đất nước đã từng bỏ phiếu cho Donald Trump”. 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ