• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn định thượng đỉnh Mỹ - ASEAN: Cơ hội nâng tầm kết nối?

Thế giới 01/03/2022 19:25

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Washington, D.C. vào cuối tháng này.

Đây là thông điệp được Nhà Trắng đưa ra ngày 28/2. Trong một tuyên bố, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thông báo rằng hội nghị thượng đỉnh này đang được lên kế hoạch tổ chức trong ngày 28-29/3 và được chính quyền Mỹ coi là một dịp thể hiện cam kết của Mỹ với khối các quốc gia Đông Nam Á nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ - ASEAN.

Bà Psaki cho biết: "Ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Biden - Harris là trở thành một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy và củng cố một ASEAN được trao quyền và cùng nhất trí để giải quyết những thách thức của thời đại chúng ta".

Vào giữa tháng Hai vừa qua, chính quyền của ông Biden cũng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo đó, kêu gọi sự hợp tác sâu sắc hơn của Mỹ với Nhật Bản, ASEAN và các nước khác, nhằm cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt an ninh và kinh tế.

Ấn định thượng đỉnh Mỹ - ASEAN: Cơ hội nâng tầm kết nối? - Ảnh 1.

Thượng đỉnh sắp tới là dịp Mỹ thể hiện cam kết với khối các quốc gia Đông Nam Á nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ - ASEAN. Nguồn: Reuters.

Một cột mốc quan trọng

Việc một quan chức Nhà Trắng xác nhận tổ chức hội nghị thượng đỉnh này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm thu hút sự kết nối của Đông Nam Á, một khu vực được Washington coi là trọng tâm trong việc cân bằng lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á.

Sau một khởi đầu chậm chạp trong những tháng đầu cầm quyền của chính quyền Biden, kể từ giữa năm 2021, Mỹ đã cử một số quan chức cấp cao thực hiện các chuyến công du khu vực, bao gồm Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, và Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Chuyến thăm gần đây nhất của các quan chức Mỹ tới khu vực này là vào tháng 12/2021, khi Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Malaysia, Thái Lan và Indonesia, và trong chuyến thăm này ông đã nói rằng ASEAN là một tổ chức "thiết yếu đối với cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Hội nghị thượng đỉnh lần này có thể sẽ nhận được sự đón nhận tích cực của các nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là một số đồng minh của Mỹ như Philippines thời gian gần đây đã lo ngại về một số khía cạnh trong chính sách của Washington và muốn Washington tiếp tục tham gia vào khu vực này. Cuộc khảo sát mới nhất về quan điểm khu vực của Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở Singapore cho thấy 52,8% người tham gia tin tưởng rằng Mỹ sẽ "làm điều đúng đắn" để đóng góp cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị toàn cầu.

Câu hỏi về vấn đề kinh tế

Cho tới nay, một điều được dư luận quan tâm trong khi Mỹ luôn nhấn mạnh về vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của họ thì các hành động từ họ thường không đi đôi với lời nói này. Đặc biệt, việc thiếu một chương trình nghị sự kinh tế và thương mại rõ ràng cho khu vực này sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo ra ấn tượng rằng chính sách của Mỹ chỉ tập trung vào việc nêu ra những mặt hạn chế trong quan hệ đối tác của khu vực này với Trung Quốc mà chưa có những hành động thực sự thể hiện sự gắn kết và hỗ trợ tại đây.

Mỹ đã từng đề cập rằng sẽ lấp đầy khoảng trống kinh tế này bằng một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương mới tập trung vào thương mại, nền kinh tế kỹ thuật số, công nghệ, chuỗi cung ứng và năng lượng sạch (cùng nhiều nội dung khác). Thông tin về khuôn khổ này được kỳ vọng sẽ được tiết lộ trước hoặc tại thời điểm diễn ra thượng đỉnh Mỹ - ASEAN. Nhưng cho đến khi các chi tiết cụ thể trở nên rõ ràng, câu hỏi về vấn đề này sẽ tiếp tục được các nước khu vực quan tâm khi đề cập tới chính sách của Mỹ đối với khu vực.

Tại thời điểm hiện nay, sự hiện diện của chính quyền Mỹ tại khu vực Đông Nam Á mới chỉ đáp ứng được một phần kỳ vọng, một điều dễ thấy khi xét đến những cuộc khủng hoảng mà Washington đang phải đối mặt ở Afghanistan và Ukraine, và cả những hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh này, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN sẽ tạo ra một cơ hội để Mỹ đưa tầm nhìn can dự chủ động và tích cực với Đông Nam Á tiến ra xa hơn trong thời đại sự phân cực giữa các siêu cường ngày càng gia tăng.

Trong một bài phát biểu hôm thứ Hai, Kurt Campbell, quan chức điều phối chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết rằng chính quyền nước này vẫn cam kết với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bất chấp việc phải tập trung ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Campbell cho biết "rất khó" để cùng kết nối với hai khu vực nhưng "cũng rất cần thiết" để làm như vậy vào lúc này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ