(Tổ Quốc)- Liệu Ấn Độ có trở thành nền kinh tế lớn mạnh hay không, thành bại chính là ở nhiệm kỳ hai này của Narendra Modi.
Đảng cầm quyền của Thủ tướng Narenda Modi BJP (Đảng Nhân dân) đã giành được đại thắng trong cuộc bầu cử kéo dài 7 vòng trong 6 tuần, đạt được 303 ghế trong tổng số 543 ghế tại Quốc hội Ấn Độ.
Cuộc tổng tuyển cử Ấn Độ với 900 triệu cử tri đi bầu. Chưa có một nền dân chủ nào trên thế giới, trong một cuộc bầu cử tự do và rộng lớn, mà một đảng cầm quyền lại giành được chiến thắng vang dội như vậy. Nếu kết hợp với đồng minh, BJP sẽ có 350 ghế, đủ để thông qua những chương trình cải cách cần thiết.
Chính quyền mới có thể thiên hữu?
Trong khi đó, cử tri truyền thống của đảng Quốc đại (NC), đảng đã thống trị nền chính trị Ấn Độ trong gần nửa thế kỷ, đã quay lưng lại với đảng này. Liên minh đối lập của NC chỉ giành được 51 ghế, nhỉnh hơn cuộc bầu cử thất bại năm 2014 có 7 ghế. Raul Gandhi, Chủ tịch của đảng, thậm chí đã bị đánh bại tại điểm bầu cử quen thuộc của gia đình Gandhi; may ra thắng được tại một điểm bầu cử khác, mà theo luật bầu cử Ấn Độ, ông ta được phép đăng ký. Ông này đệ đơn từ chức Chủ tịch đảng, nhưng ban lãnh đạo tiếp tục ủng hộ ông kéo dài nhiệm kỳ.
Với thắng lợi áp đảo, Narendra có thể đưa Ấn Độ vào giai đoạn phát triển lịch sử.
Có lẽ thời đại của gia tộc Nehru-Gandhi đã kết thúc dưới sự chèo chống hậu trường của bà Sonia Gandhi, người vợ của cố Thủ tướng Rajiv Gandhi bị ám sát năm 1991. Người con trai - Raul Gandhi được xem là không đủ năng lực lãnh đạo cần thiết trong một thời kỳ mới của lịch sử Ấn Độ. NC đã không có một chương trình tranh cử, cũng không có lãnh tụ. Rajiv Gandhi chỉ trích Narenda Modi xa rời chủ nghĩa thế tục được các nhà lập quốc Ấn Độ theo đuổi và để hàng triệu thanh niên thất nghiệp.
Trong khi đó, BJP vừa có chương trình, vừa có ngọn cờ lãnh đạo Modi, lại có quỹ bầu cử lớn áp đảo so với các đối thủ tranh cử.
Narenda Modi đã lái mối quan tâm của cử tri về các khó khăn kinh tế để tập trung nội dung tranh cử vào vấn đề an ninh quốc gia, đặc biệt sau khi có vụ tấn công khủng bố do phiến quân Pakistan gây ra tại Kashmir hồi tháng hai vừa rồi, làm cho 40 nhân viên an ninh Ấn Độ tử thương.
Các thách thức kinh tế rất lớn
Nhưng dù như thế nào, kinh tế sẽ vẫn là thách thức lớn nhất đối với chính phủ Modi nhiệm kỳ hai. Năm ngoái, thất nghiệp đã đạt tới mức kỷ lục trong vòng 45 năm qua. Đồng thời, có dấu hiệu cho thấy sức mua giảm sút và nền kinh tế phát triển chậm lại sau mấy năm đầu của nhiệm kỳ Modi. Giá dầu tăng cũng là một thách thức lớn khi đất nước phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran do Mỹ tiến hành đã ngăn cản Ấn Độ tiếp cận nguồn dầu giá cả hợp lý. Nhưng giới doanh nhân Ấn Độ nhìn chung ủng hộ Modi tái đắc cử để tiếp tục chính sách ủng hộ kinh doanh và thực hiện các cải cách kinh tế cần thiết.
Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng, lo ngại suy thoái kinh tế và sụt giảm trong sản xuất công nghiệp. Giới quan sát cho rằng chiến thắng của Modi cho thấy cử tri không đổ lỗi cho ông về những khó khăn của đất nước. Vấn đề "bánh mì và bơ" không có không gian và thời gian để triển khai thành vấn đề tranh cử. Đồng thời, sự kết hợp giữa tài hùng biện về chủ nghĩa dân túy, sự phân cực tôn giáo khôn khéo và sự xoay chuyển trong các chương trình phúc lợi giúp ông Modi giành chiến thắng lần thứ hai.
Modi được lòng dân với hình ảnh một nhà chính trị năng động, làm việc quên mình và không tham nhũng.
Nhưng về chính trị đối nội, các nhà quan sát lo ngại rằng, chính phủ Modi sẽ thiên hữu, thực hiện ý tưởng biến Ấn Độ thành quốc gia theo đạo Hindu. Hồi còn làm thống đốc bang Guarat, ông ta đã làm ngơ trước cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong lịch sử Ấn Độ, khi các phần tử tôn giáo Hindu, đã làm chết 1.000 người hành hương, chủ yếu là người Hồi giáo. Trong cuộc vận động tuyển cử lần này, một số thành viên cao cấp của BJP đã có giọng điệu chống Hồi giáo. Trong thời gian cầm quyền của Modi, chủ nghĩa bài Hồi giáo đã tăng lên tại Ấn Độ.
Sau khi cuộc vận động bầu cử lần này kết thúc, Narenda Modi đã đến địa điểm hành hương của người Hindu trên điểm cao Himalayas, nơi ông ta cầu nguyện và suy tư qua đêm trong một hang động. Hoạt động này đã được quay phim và phát truyền hình toàn quốc. Khi Raul Gandhi phê phán Modi, ông ta đã phản kích, gọi Gandhi là con ông cháu cha của một triều đại tham nhũng.
Về phương diện quốc tế, 5 năm tới là thời kỳ cực kỳ quan trọng đối với Ấn Độ. Narenda Modi đã được cử tri trao quyền tiến hành những cải cách cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế, biến Ấn Độ thành một quốc gia hùng mạnh.
Liệu Ấn Độ có trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc, Mỹ (hay Mỹ, Trung Quốc) trong 10 năm tới, thành bại chính là ở nhiệm kỳ này./.