• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ có thể thăng hạng vượt bậc trên thế giới nếu có thể giải quyết vấn đề này

Thế giới 06/11/2023 16:05

(Tổ Quốc) - Năm nay, Ấn Độ đã đưa tàu thám hiểm không người lái lên Mặt Trăng, thu hút sự chú ý bất ngờ của các thành viên G20 và đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Bất chấp những thành tựu như vậy, Ấn Độ vẫn chưa xóa bỏ được vấn đề trăn trở hiện tại là thành phố ô nhiễm và đường phố tràn ngập rác thải.

Ấn Độ có thể thăng hạng vượt bậc trên thế giới nếu có thể giải quyết vấn đề này - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Chính phủ Ấn Độ luôn ý thức được về vấn đề này. Vào tháng 10/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng phát động chiến dịch làm sạch môi trường kéo dài (Sứ mệnh Ấn Độ sạch). Điều này chắc chắn đã giúp ích thông qua việc xây dựng 90 triệu nhà vệ sinh. Các nhà hoạch định chính sách hiện đang lưu ý rất nhiều đến vấn đề rác thải. Các quan chức nước này ước tính Ấn Độ có thể thải ra hơn 170.000 tấn rác thải mỗi ngày, tương đương 120 gam/người.

Con số đó có vẻ không quá tệ so với khoảng 3 kg rác mà mỗi người Mỹ tạo ra mỗi ngày, hoặc thậm chí so với mức trung bình toàn cầu là khoảng 1 kg theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, nếu Ấn Độ không thể xử lý rác thải tốt vào thời điểm hiện tại thì lượng rác thải phát sinh ở nước này dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân khi nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng. Trong khi đó, dân số Ấn Độ, hiện là quốc gia lớn nhất thế giới, cũng đang tăng lên và lượng rác thải có thể tăng gấp đôi vào năm 2030.

Trong số lượng rác thải hiện tại của Ấn Độ, chỉ có khoảng 2/3 được xử lý bởi các dịch vụ thu gom rác thải của thành phố. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày có khoảng 53.000 tấn chất thải được đổ vào các bãi chôn lấp không đăng ký, sông hoặc biển và chắc chắn góp phần gây ra bệnh tật, khiến Ấn Độ thiệt hại hàng trăm triệu đô la mỗi năm.

Giải pháp giải quyết vấn đề rác thải

Sự gia tăng rác thải đặt ra tình trạng khó khăn về mặt đạo đức cho Ấn Độ. Chỉ đến hiện tại "phép lạ kinh tế" của đất nước mới mang lại cho công dân nhiều cơ hội bắt đầu tận hưởng mức tiêu dùng của tầng lớp trung lưu. Yêu cầu người Ấn Độ bảo tồn và giảm thiểu chất thải có thể rất khó khăn.

Trong mọi trường hợp, vấn đề rác thải phải được chính quyền các thành phố của Ấn Độ giải quyết, nhưng hiện đang thiếu nguồn lực vì có ít quyền đánh thuế và chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn của chính quyền các bang.

Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải rắn đô thị năm 2015 đã đưa ra một số hướng dẫn về thu gom và xử lý rác thải. Tuy nhiên, phương pháp chưa được tiêu chuẩn hóa hoặc thực thi trên toàn quốc.

Indore, thành phố lớn nhất bang Madhya Pradesh là một trong số ít thành phố xử lý rác tốt. Trước nguy cơ bị phạt nặng và các chiến dịch nâng cao nhận thức sâu rộng của các nhóm cộng đồng, Indore đã thuyết phục được người dân phân loại gần như tất cả rác thải, giúp thành phố này được mệnh danh là nơi sạch nhất Ấn Độ. Thành phố kiếm được lợi nhuận từ khí sinh học tạo ra từ chất thải cũng như từ các sáng kiến tái chế.

Nhiều thành phố khác thậm chí còn thiếu cả thùng rác ven đường. Điều này thường là do kẻ trộm lấy các thùng đựng để bán lại hoặc tự ý sử dụng và cơ quan chức năng thiếu kinh phí để thay thế.

Để giải quyết mức độ rác thải ngày càng tăng và việc thành phố thiếu kinh phí để giải quyết vấn đề này, chính quyền các thành phố đã xem xét việc tính phí rác thải áp dụng với người dân.

Nghiên cứu đã phát hiện các hộ gia đình không coi trọng việc quản lý chất thải cho đến khi họ được yêu cầu trả tiền cho việc đó. Cụ thể, Dehradun, thủ đô của Uttarakhand hiện đang xem xét bổ sung phí thu gom rác thải vào hóa đơn điện của người dân. Tuy nhiên, ý tưởng trả tiền khi bạn xả rác không phải là mới.

Thành phố Denver (Mỹ) năm nay đã bắt đầu tính phí người dân dựa trên khối lượng rác thải thu gom. Hàn Quốc và Singapore cũng đã thực hiện cách tiếp cận tương tự trong một số năm. Phí thu được giúp bù đắp chi phí xử lý chất thải cũng như các thiết bị và cơ sở hạ tầng liên quan.

Bên cạnh đó, Thượng Hải và hàng chục thành phố khác của Trung Quốc cũng bắt đầu thu phí rác thải của người dân cũng như yêu cầu họ phân loại rác thải. Chính phủ đặt mục tiêu mở rộng cách tiếp cận này trên toàn quốc.

Để cho phép các thành phố của Ấn Độ nâng cao năng lực trong việc quản lý rác thải, chính quyền các thành phố cần được trao quyền lớn hơn để thực hiện trách nhiệm thu thuế và trừng phạt những người không quản lý rác thải đúng cách. Chính quyền các thành phố hiện nay đơn giản là thiếu nguồn lực tài chính hoặc thẩm quyền để thực hiện công việc thu gom rác trả phí.

Cam kết mạnh mẽ hơn về quản lý chất thải sẽ cải thiện vệ sinh, hiệu quả sử dụng tài nguyên và chất lượng không khí, thúc đẩy cam kết tại Liên hợp quốc của Ấn Độ theo đúng mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Bằng cách cam kết làm sạch, chính phủ Ấn Độ có thể xây dựng suy nghĩ cho người dân về tầm quan trọng của việc quản lý chất thải. Điều đó sẽ giúp hình ảnh toàn cầu của Ấn Độ phù hợp với những thành tựu to lớn của nước này./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ