• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng trong hợp tác với Nga, giải tỏa "bế tắc" trong khu vực

Thế giới 08/11/2021 19:03

(Tổ Quốc) - Theo Thời báo châu Á (Asia Times), Ấn Độ đang tiếp tục mối quan hệ tích cực với Mỹ trong khi Nga có thể giúp Delhi tăng cường tương tác trong vấn đề ở Afghanistan.

Căng thẳng trong khu vực

Giới quan sát cho rằng, rất ít khả năng để Cố vấn An ninh quốc gia Pakistan - Moeed Yusuf chấp nhận lời mời từ người đồng cấp Ấn Độ - Ajit Doval tham gia cuộc họp giữa các quốc gia trong khu vực vào thứ Tư (10/11) để thảo luận về tình hình Afghanistan hiện tại.

 Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng trong hợp tác với Nga, giải tỏa "bế tắc" trong khu vực - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được biết đến là duy trì mối quan hệ tốt. Ảnh: AFP

Khi được hỏi về lời mời từ lãnh đạo đồng cấp Ấn Độ, ông Yusuf thậm chí từ chối thẳng thắn rằng ông sẽ không tham gia cuộc họp lần này.

Bộ Ngoại giao Pakistan cũng từng bày tỏ sự hoài nghi với điều này. Về mặt ngoại giao, khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ - Asim Iftikhar lên tiếng, Delhi đang cân nhắc xem xét bối cảnh tổng thể quan hệ giữa Pakistan và Ấn Độ cũng như tình hình khu vực.

Liên quan đến hội nghị về vấn đề Afghanistan, có vẻ như Ấn Độ đang cố gắng tìm ra sự liên quan ở bối cảnh hiện tại. Gần đây, chính quyền Afghanistan đã khởi xướng cuộc họp với một số nước láng giềng trong khu vực. Cuộc họp đầu tiên tổ chức tại Islamabad vào tháng Chín và cuộc họp cấp bộ trưởng thứ 2 tổ chức ở Tehran nhưng đều không có sự tham gia của Ấn Độ.

Trên thực tế, Delhi dường như đang đối mặt với "sự cô lập nghiêm trọng" trong khu vực và các nhà hoạch định chính sách nước này cho rằng các hội nghị liên quan đến vấn đề Afghanistan sẽ giúp Ấn Độ phần nào thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện tại.

Mặt khác, Delhi luôn duy trì quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ và cũng là khách hàng đặc biệt đối với nhà cung cấp vũ khí là Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ đến thăm Ấn Độ vào tháng 12 để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn hàng năm theo truyền thống và chứng kiến hoàn tất một số thỏa thuận vũ khí lớn.

Giới quan sát nhận định tam giác Mỹ - Ấn – Nga đang diễn ra. Washington thể hiện mối quan hệ thân thiết với Ấn Độ đến mức Mỹ sẵn sàng miễn trừ Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) với Ấn Độ sau khi Delhi mua vũ khí quân sự từ Nga, được biết đến là hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.

Thú vị hơn, Moscow đang thu hút sự quan tâm của Ấn Độ bằng hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 vừa phát triển, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa siêu thanh. Và Nga cũng sẵn sàng bán hệ thống tên lửa tiên tiến tương tự cho Trung Quốc.

Chắc chắn, về quan hệ hợp tác quốc phòng, Nga có lợi thế hơn hẳn Mỹ vì họ sẵn sàng chuyển giao công nghệ quân sự tiên tiến cho Ấn Độ liên quan đến các loại vũ khí như tên lửa siêu thanh, tàu ngầm hạt nhân hay hệ thống S-500.

Hợp tác Nga-Ấn

Có thể nói, đối thoại cấp bộ trưởng 2+2 giữa Nga và Ấn dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại Moscow sẽ là bước ngoặt lớn trước chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Delhi vào tháng 12. Giới phân tích cho rằng, việc Nga và Ấn Độ quyết định tổ chức Đối thoại 2+2 giữa các Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng hai nước không chỉ giúp hóa giải những hiểu lầm trong quan hệ song phương mà còn giúp Delhi giải tỏa "sự cô lập" trước diễn biến tình hình trong khu vực.

Các nhà quan sát khẳng định, cuộc đối thoại này hướng nhiều hơn vào mục đích tháo gỡ những hiểu lầm liên quan đến một số vấn đề căng thẳng giữa hai nước trong những năm gần đây, trong đó có việc Ấn Độ tích cực củng cố sự hợp tác trong nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) do Mỹ dẫn đầu.

Trong bối cảnh phức tạp như vậy, hợp tác Nga-Ấn trên con đường gia tăng ảnh hưởng ở Afghanistan có thể phần nào bù đắp cho việc đứng ngoài của Ấn Độ trong diễn đàn cấp bộ trưởng giữa các nước láng giềng gần đây, cụ thể là Islamabad và Tehran.

Về cơ bản, giới chuyên gia nhận định không hề có xung đột lợi ích giữa Ấn Độ và Nga về tình hình Afghanistan. Hiện tại, Moscow có thể đang tận dụng ảnh hưởng của họ với chính quyền Taliban sau khi Mỹ rút quân khỏi vùng đất này.

Theo một số chuyên gia, cho dù chính quyền Taliban sụp đổ hay Afghanistan rơi vào nội chiến hoặc có thể là tình trạng vô chính phủ thì Nga vẫn là một bên tham gia nghiêm túc. Vì vậy, từ góc nhìn của Ấn Độ, quan hệ đối tác mang lại kết quả tốt nhất cho nước này có lẽ là sự tham gia với Nga. Nói cách khác, sáng kiến của Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval sẽ có ý nghĩa sâu sắc trong hội nghị khu vực nếu cố vấn An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev tham gia.

Cuộc họp 2+2 giữa Nga và Ấn Độ cũng sẽ tạo cơ hội cho các quan chức Nga và Ấn Độ thảo luận thẳng thắn về các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm cũng như là công cụ hiệu quả để các bên giải quyết những hiểu lầm và chuyển sang hướng “tương tác thực tế” trong các lĩnh vực mà cả hai nước cùng quan tâm./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ