• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ trước những động lực mới hội nhập với APEC

Thế giới 25/08/2023 10:39

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, Ấn Độ - nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới - có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu bằng cách tăng cường hội nhập khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua APEC, theo East Asia Forum.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) gồm 21 thành viên, với dân số hơn 2,9 tỷ người, là lực lượng nổi bật trong việc định hình các chính sách kinh tế khu vực, thúc đẩy thương mại, đầu tư và thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên.

Ấn Độ và APEC có nhiều cơ hội khi hội nhập cùng nhau

Ấn Độ đã tìm cách tham gia APEC từ cuối những năm 1990 nhưng vẫn giữ vai trò quan sát viên cho đến nay. Từ những năm 2000, Ấn Độ đã mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với khu vực, đặc biệt thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Ấn Độ-ASEAN và các Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện với Singapore và Malaysia.

Ấn Độ cũng đang là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Tỷ trọng của nước này trong GDP toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1990. Thương mại rất quan trọng đối với nền kinh tế Ấn Độ, chiếm khoảng 49% GDP vào năm 2022 và đang tiếp tục tăng lên. Tỷ trọng thương mại trong nền kinh tế nước này ngang bằng với Indonesia và cao hơn Nhật Bản, Mỹ và Colombia, những nước đã đăng ký làm thành viên APEC từ năm 1995.

Theo nhận định của East Asia Forum, trở thành thành viên APEC sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Ấn Độ, như thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại và đầu tư cũng như mở cửa tiếp cận thị trường với các nền kinh tế lớn. Ấn Độ cũng cần thay đổi theo tiêu chuẩn của APEC bằng cách đơn giản hóa, hài hòa các thủ tục và quy định thương mại để có thể thúc đẩy xuất khẩu của Ấn Độ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và hỗ trợ các sáng kiến nội địa như 'Make in India'.

Ấn Độ trước những động lực mới hội nhập với APEC - Ảnh 1.

Nền kinh tế Ấn Độ có thể đóng góp nhiều cho APEC. Ảnh: Vakil Search.

Việc trở thành thành viên của APEC cũng có thể khuyến khích Ấn Độ tiếp cận các thực tiễn phát triển tốt nhất, hợp lý hóa quy trình thương mại và giảm chi phí giao dịch. Ấn Độ có thể học hỏi từ sự phối hợp của APEC, trong đó các nước thành viên tự nguyện đề xuất các biện pháp tự do hóa thương mại trong nhóm.

Là một phần của APEC cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng của Ấn Độ, như công nghệ thông tin, dược phẩm, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và sản xuất. Việc tiếp cận các công nghệ mới sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của Ấn Độ đồng thời thúc đẩy chia sẻ kiến thức và xây dựng năng lực giữa các thành viên APEC.

Sự tham gia của Ấn Độ cũng sẽ mang lại lợi ích cho các thành viên APEC bằng cách tăng khả năng tiếp cận lực lượng lao động của Ấn Độ, mở rộng thị trường tiêu dùng và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hơn. Đổi lại, Ấn Độ sẽ được tiếp cận các nguồn lực và kiến thức chuyên môn của APEC, bao gồm cả Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC có ảnh hưởng lớn. Ấn Độ cũng có thể tham gia thảo luận về các chủ đề phù hợp với lợi ích phát triển của mình, như tự động hóa, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và sự tham gia kinh tế của phụ nữ.

Viện Chính sách Xã hội Châu Á chia sẻ trong một bản báo cáo năm 2015 rằng 'tư cách thành viên APEC sẽ hỗ trợ các mục tiêu chiến lược và chính sách đối ngoại "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ trong khu vực', thông qua việc tiếp cận một 'diễn đàn kết hợp các cuộc thảo luận chính trị giữa các nhà lãnh đạo với các lực lượng đặc nhiệm kinh tế cấp chuyên viên và các nhóm kỹ thuật'.

Việc có Ấn Độ trong nhóm cũng giúp APEC đối phó tốt hơn chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, đà tăng trưởng chậm đi ở phương Tây và ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong khu vực.

Triển vọng đạt được những nhượng bộ đối với các yêu cầu của mình có thể giải thích cho việc Ấn Độ muốn tham gia APEC. Đây cũng là cơ hội để APEC thực tiễn hóa khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", mang lại cho diễn đàn một định hướng phát triển mới từ những năm 2030.

Vượt qua những thách thức

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có những lo ngại riêng. Các ngành công nghiệp trong nước có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các ngành công nghiệp tiên tiến và hiệu quả hơn ở các quốc gia thành viên APEC lâu đời, do đó có khả năng làm suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp địa phương và cơ hội việc làm. Ấn Độ cũng cần phải thực hiện những cải cách và điều chỉnh đáng kể trong nước để tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định của APEC, điều New Delhi có thể sẽ thấy rất khó khăn trong ngắn hạn.

Sự tham gia APEC của Ấn Độ cũng mang ý nghĩa địa chính trị. Quyết định này đòi hỏi phải có chính sách ngoại giao cẩn trọng và ra quyết định chiến lược để cân bằng lợi ích và ưu tiên của các nhóm khác mà nước này là thành viên. Các nhóm này bao gồm Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á và Sáng kiến Vịnh Bengal về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Đa ngành.

Những thách thức đối với Ấn Độ khi gia nhập APEC chủ yếu xoay quanh khả năng của nước này trong việc vượt qua các rào cản thương mại hiện có và hài hòa các tiêu chuẩn và quy định của mình với diễn đàn. Ấn Độ sẽ phải giải quyết những vấn đề nhạy cảm trong tiếp cận thị trường, giảm cơ cấu thuế quan và dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan. Ấn Độ cũng sẽ phải nỗ lực đạt được các tiêu chuẩn APEC về bình đẳng giới, công bằng xã hội ở các khu vực nông thôn cũng như các sáng kiến xanh.

Khuôn khổ tự do hóa của APEC, cùng với sự học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau và cả sức ép cạnh tranh từ các đối tác trong khu vực là một lộ trình tốt cho sự hội nhập của Ấn Độ với khu vực. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn phải tiến hành cải cách và huy động sự ủng hộ của các thành viên APEC nếu muốn sớm trở thành thành viên của tổ chức này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ