• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ-Pakistan: Quan hệ lại nổi sóng

Thế giới 20/12/2008 00:30

(Toquoc)-Quan hệ 2 quốc gia hạt nhân Nam Á, vừa khởi động tiến trình hoà đàm, lại nổi sóng.

(Toquoc) - Ngày 12/12, người phát ngôn Không quân Pakistan cho biết máy bay chiến đấu của Ấn Độ đã hai lần xâm phạm không phận Pakistan sâu trong lãnh thổ nước này khoảng 4-6 km ở khu vực Lahore và Kashmir. Không quân Pakistan đã nhanh chóng hành động, buộc máy bay chiến đấu của Ấn Độ phải rời khỏi không phận Pakistan. Máy bay của Ấn Độ được trang bị đầy đủ đầu đạn tên lửa.

Thủ tướng Pakistan đã khẳng định vụ vi phạm không phận này của Ấn Độ. Bộ trưởng Thông tin Pakistan cho biết Islamabad đã liên hệ với nhà đương cục ở New Delhi về vụ vi phạm không phận này, nhưng nói thêm, phía Ấn Độ đã thực hiện điều đó một cách không chủ ý.

Khi nào Ấn Độ - Pakistan nối lại các cuộc đàm phán?

Tuy nhiên, các nhà phân tích lại miêu tả vụ xâm phạm không phận Pakistan ở hai khu vực khác nhau trong cùng một ngày là có ý nghĩa. Nhiều người Pakistan nói rằng có sự di chuyển quân lớn của quân đội Pakistan với nhiều đoàn xe vận tải quân sự dài di chuyển từ Jehlum tới Lahore. Tất cả những động thái này chứng tỏ quan hệ giữa hai quốc gia hạt nhân Nam Á, từng khởi động tiến trình bình thường hóa, đột ngột nổi sóng sau vụ khủng bố Mumbai. Chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán bình thường hóa và  chỉ trở lại sau khi Pakistan đã hợp tác trừng phạt những kẻ khủng bố.

Thành phố Mumbai, với 15 triệu dân gồm tất cả các dân tộc và tôn giáo, kể cả các đệ tử của đạo Doroat, là trung tâm tài chính của Ấn Độ và theo một nghĩa nào đó còn quan trọng hơn Thủ đô New Delhi. Sau 3 ngày diễn ra cuộc khủng bố trên, các lực lượng đặc nhiệm của Ấn Độ mới chấm dứt được thảm cảnh trên bằng cách tiêu diệt 4 tên khủng bố hồi giáo cuối cùng, những kẻ gây ra vụ khủng bố, cố thủ trong khách sạn Taj Mahal, một khách sạn sang trọng và uy tín bậc nhất của thành phố này.

Một nhà lãnh đạo của Ấn Độ cho biết nước này có bằng chứng về sự dính líu của cơ quan tình báo Pakistan (ISI) trong các vụ tấn công khủng bố trên. Song dù những kẻ gây ra vụ khủng bố là ai thì các hành động này cũng là rất tồi tệ bởi vì nó diễn ra trong khi Tổng thống Pakistan, Asif Ali Zardari đưa ra những sáng kiến táo bạo để cải thiện mối quan hệ giữa Islamabas và New Delhi. Một số chuyên gia nghi ngờ những kẻ gây ra vụ khủng bố trên là nhằm phá hủy sự hòa hoãn mới bắt đầu giữa Pakistan và Ấn Độ, sau sự thay đổi chế độ ở Pakistan và chấm dứt kỷ nguyên Musharraf.

Kịch bản trên đã từng diễn ra hồi tháng 7/2006: sau một loạt các vụ khủng bố làm hơn 180 người chết ở Mumbai, nhà cầm quyền Ấn Độ đã tố cáo các phần tử cực đoan Pakistan, và các cuộc thương lượng hòa bình đã bị ngưng trệ. Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari lập tức lên tiếng kêu gọi Ấn Độ không nên phản ứng một cách cực đoan trước các cuộc khủng bố ở Mumbai và cho rằng sẽ là rất nghiêm trọng nếu việc dính líu của Pakistan vào các cuộc khủng bố này được chứng minh. Ông Zardari nói: “Dù kẻ nào đã gây ra những hành động tội ác và tàn bạo này chống nhân dân Ấn Độ và đất nước Ấn Độ, thì chúng cũng phải chịu sự báo thù”, và ông cho rằng sẽ là “phi lý” nếu quy các cuộc khủng bố ở Mumbai cho một vấn đề Pakistan - Ấn Độ. Theo ông, “đây là một mối đe doạ của toàn thế giới, và chính vì thế chúng ta phải cùng nhau chống lại nó”.

Ấn Độ tiếp tục dùng sức ép ngoại giao, chính trị, quân sự để chính quyền Islamabad tiến hành trấn áp bọn phiến quân Hồi giáo trên đất Pakistan. Những kẻ chủ mưu đứng đằng sau vụ Mumbai, ai được lợi từ hành động khủng bố này vẫn chưa được làm rõ nhưng có một điều ai cũng dễ thấy, quan hệ Ấn Độ - Pakistan, vốn có lịch sử phức tạp, đã lại nổi sóng.

Lịch sử quan hệ Ấn Độ - Pakistan

1947: Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Anh trao trả độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ và chia tiểu lục địa thành hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan - dựa trên cơ sở tôn giáo: Hồi giáo ở Tây Pakistan và Đông Pakistan (cách xa nhau hơn 1.600 km) và Ấn Độ giáo (đạo Hinđu) ở Ấn Độ. Việc này đã châm ngòi cho một trong những cuộc di cư lớn nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại.

 

Cuộc chiến tranh lần thứ 2 giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1965

1947/1948: Ấn Độ và Pakistan bước vào cuộc chiến tranh đầu tiên do tranh chấp xung quanh khu vực Kashmir ở dãy Himalaya. Cuộc chiến kết thúc với thoả thuận ngừng bắn và nghị quyết do Liên Hợp Quốc dàn xếp tìm kiếm một cuộc trưng cầu ý dân cho người dân ở Jammu và Kashmir quyết định liệu sẽ trở thành một phần của Ấn Độ hay một phần của Pakistan.

1965: Ấn Độ và Pakistan bước vào cuộc chiến tranh thứ hai vì tranh chấp Kashmir. Chiến tranh kết thúc sau khi Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn.

1971: Pakistan và Ấn Độ tiến hành chiến tranh lần thứ ba vì khu vực Đông Pakistan. Đông Pakistan tách ra thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Bangladesh. Từ đó, lãnh thổ Pakistan chỉ còn ở miền Tây.

 1972: Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto và Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi ký thoả thuận ở thị trấn Simla (Ấn Độ) đề ra những quy tắc cho quan hệ hai nước.

1974: Ấn Độ thử thiết bị hạt nhân đầu tiên.

1990: Ấn Độ cáo buộc Pakistan vũ trang và cử những phần tử Hồi giáo vào khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.

Tháng 5/1998: Ấn Độ tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và tuyên bố kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân. Đáp lại, Pakistan tuyên bố tiến hành 6 vụ thử hạt nhân.

1999: Hai nước đứng bên bờ vực cuộc chiến tranh thứ tư sau khi Ấn Độ phát động chiến dịch lớn nhằm vào những người Pakistan xâm nhập vào khu vực núi ở Kargil thuộc khu vực Kashmir của Ấn Độ.

Tháng 12/2001: Khủng bố tấn công Quốc hội Ấn Độ. 14 người, trong đó có 5 kẻ tấn công, đã thiệt mạng. Ấn Độ cáo buộc các nhóm khủng bố người Kashmir có trụ sở ở Pakistan và Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammad là thủ phạm. Hàng nghìn binh sĩ hai nước đã đối đầu nhau ở biên giới sau vụ này.

2003: Pakistan tuyên bố ngừng bắn dọc biên giới kiểm soát ở Kashmir, Ấn Độ hoan nghênh động thái này.

2004: Hai nước khởi động tiến trình hoà bình mà sau đó đã cải thiện quan hệ về ngoại giao, thể thao, thương mại, nhưng không đạt được tiến bộ trong vấn đề Kashmir. Tiến trình hoà bình bế tắc sau các vụ đánh bom nhằm vào Ấn Độ.

Tháng 7/2008: Ấn Độ cho rằng Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đứng sau vụ tấn công sứ quán Ấn Độ ở Kabul, thủ đô của Afghanistan làm 58 người chết.

26-29/11/2008: Một loạt vụ khủng bố xảy ra ở Mumbai. Ấn Độ cáo buộc Pakistan cho bọn khủng bố ẩn náu./.

Ngân Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ