• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn – Nga làm 'rạn nứt' nhóm Quad: Cơ hội của Hàn Quốc?

Thế giới 27/04/2022 10:42

(Tổ Quốc) - Seoul đang sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn trong chính sách an ninh khu vực do Mỹ dẫn đầu, cũng như có thể sẽ tăng cường xuất khẩu vũ khí dưới thời tân Tổng thống.

Hàn Quốc từ lâu đã là một quốc gia lạ thường về địa chính trị khi họ trỗi dậy một cách kỳ lạ vượt ra khỏi sức nặng của mình. Là một đồng minh lâu đời của Mỹ, quốc gia Đông Bắc Á này đồng thời cũng đã thúc đẩy mối quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc, một đối tác thương mại hàng đầu.

Bối cảnh thuận lợi cho 'trỗi dậy'

Mặc dù là một đầu tàu kinh tế toàn cầu và cũng là nhà xuất khẩu thiết bị quân sự hàng đầu, Hàn Quốc vẫn còn yếu trong việc định hình bối cảnh địa chính trị ở khu vực châu Á ngoại vi của mình. Nhưng xung đột đang diễn ra ở Ukraine và việc một nhà lãnh đạo bảo thủ mới sắp lên nắm quyền có thể đưa Seoul định hình lại vị thế quốc gia trong bối cảnh địa chính trị Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Trong khi đó, cam kết của Ấn Độ trong việc duy trì mối quan hệ bền chặt với Nga đang gây nên sóng gió trong nhóm đối thoại An ninh bốn bên, hay còn được gọi là Quad, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ vốn đã tập trung nhau lại để đối trọng với Trung Quốc.

Mặc dù đã tổ chức một cuộc họp cấp cao với các quan chức hàng đầu của Ấn Độ vào đầu tháng này, chính quyền Biden cũng cảnh báo New Delhi về bất kỳ nỗ lực nào có thể làm suy yếu các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Những xích mích về cấu trúc trong quan hệ Mỹ-Ấn đang trở lại và điều này có thể dẫn tới khả năng thay đổi trong cấu trúc thành viên của nhóm Quad ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Là một nền dân chủ sôi động với một tổ hợp công nghiệp-quân sự đang phát triển, Hàn Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc Mỹ nỗ lực duy trì trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực. Trong những năm tới, Hàn Quốc có thể sẽ tìm kiếm một vai trò nổi bật hơn trong các nhóm chiến lược "Quad Plus" hay "G7 Plus" mới nổi.

Ấn – Nga làm 'rạn nứt' nhóm Quad: Cơ hội của Hàn Quốc? - Ảnh 1.

Lực lượng đặc biệt thuộc Hải quân Hàn Quốc trong một cuộc tập trận tại Dokdo. Ảnh: AFP.

Tổng thống sắp nhậm chức của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố sẵn sàng "xem xét tích cực việc gia nhập" nhóm Quad mở rộng và việc Hàn Quốc trở thành khách mời thường xuyên trong các cuộc họp G7 mở rộng.

"Đây là một thời điểm của sự thay đổi và biến chuyển trong chính trị quốc tế. Nó đòi hỏi sự rõ ràng và táo bạo cũng như cam kết tuân thủ các nguyên tắc", Tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol phát biểu chỉ một tháng trước cuộc bầu cử.

Mô tả đất nước của mình là một "quốc gia trọng điểm toàn cầu", nhà lãnh đạo sắp tới của Hàn Quốc cam kết giúp các cường quốc cùng chí hướng, đặc biệt là Mỹ, cùng thúc đẩy tự do, hòa bình và thịnh vượng thông qua các giá trị dân chủ tự do và hợp tác thực chất."

Ông Yoon Suk-Yeol cũng cho rằng, đất nước của ông nên từ bỏ "sự rụt rè" để hướng đến xây dựng "vai trò lãnh đạo" trong các vấn đề quốc tế quan trọng, bao gồm biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 .

Ông Yoon cũng đã thể hiện sự quan tâm sở hữu vũ khí tiên tiến của Mỹ, bao gồm cả hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD), để nâng cao khả năng răn đe của đất nước mình.

Tiềm lực mạnh mẽ của Hàn Quốc

Hàn Quốc không chỉ là nơi có các căn cứ và hệ thống vũ khí lớn của Mỹ mà còn có lực lượng vũ trang khổng lồ với ngân sách 46 tỷ USD và nền công nghiệp xuất khẩu quốc phòng tầm cỡ thế giới. Xuất khẩu quốc phòng của nước này đạt mức cao kỷ lục 7 tỷ USD vào năm ngoái, con số dự kiến sẽ tăng lên 10 tỷ USD trong năm nay.

Các công ty lớn về công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc như LIG Nex1 Co., Hanwha và Korea Aerospace Industries Ltd. (KAI) đã đạt được các hợp đồng lớn với một mạng lưới khách hàng rộng khắp từ châu Âu, Trung Đông đến Australia.

Sở hữu công nghệ cao với giá cả và điều khoản thanh toán thuận lợi, Hàn Quốc cũng nhanh chóng nổi lên như một đối tác quốc phòng và chiến lược được yêu thích của các nước Đông Nam Á.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Hàn Quốc là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng lớn thứ 7 trong khu vực. Đặc biệt, Hàn Quốc đã "cung cấp 2 tàu ngầm, 5 AALS và 16 máy bay huấn luyện / chiến đấu cho Indonesia, 12 máy bay chiến đấu cho Philippines, 1 khinh hạm và 4 máy bay huấn luyện / chiến đấu cho Thái Lan."

Viên ngọc quý của nền công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc hiện tại là máy bay chiến đấu KF-2, một dự án liên doanh giữa Seoul và Jakarta – bên đang nắm giữ 20% cổ phần trong dự án 5,2 tỷ USD. Có tới 65% công nghệ và thiết bị quan trọng của KF-21 là nội địa - điều giúp củng cố vị thế của Hàn Quốc trong danh sách các quốc gia có khả năng sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại.

Theo nhiều cách, Hàn Quốc đang thu được lợi ích từ các khoản đầu tư dài hạn vào khoa học và công nghệ và họ đã chi nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển, tính theo tỷ lệ phần trăm trong GDP của mình so với hầu hết các nước phương Tây. Ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc cũng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ hào phóng của chính phủ và hợp tác công nghệ cao với các đối tác phương Tây.

Theo đánh giá của Asia Times, dưới thời ông Yoon, Hàn Quốc có thể sẽ tận dụng nền công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ và các lực lượng vũ trang hiện đại để đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực cùng với Mỹ và các đồng minh quan trọng khác.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ