(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng chỉ trích và phản đối hành động của Mỹ trong việc thành lập lực lượng an ninh biên giới Syria.
Lực lượng an ninh biên giới của Mỹ tại Syria
Reuters ngày 14/1 dẫn tin, Mỹ sẽ thành lập lực lượng an ninh biên giới mới, dự kiến khoảng 30.000 người nhằm đối phó với lực lượng khủng bố ở Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh:reuters |
Phản ứng trước điều này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 15/1 đã tuyên bố sẽ tiến hành kế hoạch tiêu diệt 30.000 lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại Syria. Tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan diễn ra trong bối cảnh Washington ra sức hậu thuẫn các chiến binh người Kurd nhằm thúc đẩy quan hệ với đồng minh chính tại Trung Đông.
Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã phản ứng trước động thái trên của Mỹ vào ngày 15/1. Ông Assad thề sẽ “đè bẹp” lực lượng mới do Mỹ hậu thuẫn và đuổi binh lính Mỹ ra khỏi Syria.
“Moscow và các đối tác sẽ thực hiện các biện pháp phản ứng đối với Mỹ trong việc thiết lập lực lượng an ninh biên giới tại Syria”, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Shamanov nói với Sputnik ngày 14/1.
“Động thái trên của liên minh do Mỹ dẫn đầu là biểu hiện đối đầu trực tiếp với lợi ích của Nga. Chúng tôi và các đối tác chắc chắn sẽ thực hiện một số biện pháp để ổn định tình hình ở Syria", ông Vladimir Shamanov nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu tại Ankara, Tổng thống Erdogan nói: “Đất nước mà chúng tôi gọi là đồng minh lại xây dựng lực lượng khủng bố dọc biên giới của chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiến hành tiêu diệt trước khi mọi thứ rơi vào nguy hiểm."
Ông Erdogan cũng khẳng định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành kế hoạch tác chiến tại khu vực của lực lượng người Kurd nằm ở phía bắc Syria.
Trong thời gian gần đây, lực lượng người Kurd tại Syria luôn bày tỏ mong muốn thắt chặt an ninh biên giới nhằm đối phó với các mối đe dọa của Ankara và Damascus.
“Các khu vực dọc biên giới cần phải được bảo vệ nhằm ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào có thể xảy ra. Hiện tại không có bất kỳ đảm bảo an ninh nào”, bà Fawza Youssef, nhà chính trị cấp cao người Kurd nói với Reuters.
Mỹ đóng vai trò đứng đầu liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống lại khủng bố IS tại Syria kể từ năm 2014. Washington liên tiếp tiến hành các cuộc không kích và tăng cường hiện diện lực lượng binh lính đặc biệt hỗ trợ các tay súng nhằm đối phó với các phiến quân IS trong khu vực. Mỹ huy động khoảng 2000 binh lính tại Syria.
“Sự can thiệp của Mỹ tại Syria trong suốt 7 năm nội chiến đã khiến hàng trăm nghìn người tử vong cùng với hơn 11 triệu người vô gia cư”, Reuters trích dẫn.
“Không thể khuất phục”
Phần lớn các lực lượng khủng bố IS đã dần bị tiêu diệt trong suốt năm 2017. Tuy nhiên, Washington khẳng định, việc tăng cường sự hiện diện của binh lính Mỹ tại khu vực để chắc chắn rằng IS sẽ không thể quay trở lại là cần thiết.
Trong suốt nội chiến Syria, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã từng chung tay đối phó với chính quyền Tổng thống Assad. Tuy nhiên, quyết định của Mỹ nhằm hậu thuẫn lực lượng người Kurd tại phía Bắc Syria lại khiến cho Ankara tức giận và lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Việc Mỹ hỗ trợ quân sự cho người Kurd, bao gồm cung cấp vũ khí, đã nhiều lần gây ra chỉ trích gay gắt từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Assad với sự hậu thuẫn của Nga và Iran lại có được nhiều thắng lợi trong cuộc chiến chống lại lực lượng đối lập, hồi phục quyền tự trị ở hầu hết các thành phố chính của Syria. Các nhà quan sát cho rằng, việc hiện diện tiếp tục của Mỹ tại khu vực sẽ là rào cản cho tiến trình phục hồi quyền kiểm soát toàn bộ Syria của chính quyền Tổng thống Syria Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, lực lượng người Kurd tại Syria do Mỹ hậu thuẫn có liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara coi là những kẻ khủng bố.
“Điều chúng tôi muốn nói với tất cả đồng minh của Ankara là đừng bao giờ xen vào câu chuyện giữa chúng tôi và các tổ chức khủng bố. Chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm nếu hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra. Đừng bao giờ đưa chúng tôi vào cùng vị trí với những đối tượng được xem là khủng bố. Các hành động phản kháng sẽ tiếp tục cho đến khi nào không còn một tên khủng bố xuất hiện tại biên giới của chúng tôi”, ông Erdogan nhấn mạnh.
Lực lượng người Kurd tại Syria liên tục gia tăng đồng thời thúc đẩy quyền tự trị tại phía Bắc Syria. Chính quyền Syria và các lực lượng người Kurd đều cố gắng tránh xung đột trong suốt thời gian diễn ra nội chiến tại đây. Cả hai bên đều tập trung vào cuộc chiến đối với các kẻ thù khác. Tuy nhiên, các thái độ cứng rắn của ông Assad đối với lực lượng người Kurds trong thời gian gần đây đã khiến cho căng thẳng leo thang.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, các hành động mà chúng ta nhìn thấy vào thời điểm hiện tại chỉ ra rằng, Mỹ không muốn duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Về cơ bản, Washington đang muốn can thiệp và có thể tạo xung đột dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.