• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Ẩn số” Syria cho Nga: đồng minh hay thách thức lớn nhất?

Thế giới 10/03/2018 20:20

(Tổ Quốc) - Sau gần 3 năm can thiệp quân sự tại Syria, Moscow giờ đây đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất từ chính đồng minh của mình.

Tờ New York Times kể lại, trong một cuộc gặp mặt vào năm ngoái với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đặc phái viên cấp cao của Điện Kremlin đã miêu tả những lợi ích có thể đạt được khi Moscow hướng cuộc xung đột Syria đến một sự dàn xếp chính trị. Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao Arab cũng có mặt lúc đó, Tổng thống Assad đã ngắt lời quan chức Nga và hỏi, tại sao lại phải cần đến một giải pháp chính trị trong khi chính phủ Syria đang đi rất gần đến chiến thắng.

Mâu thuẫn về giải pháp cuối cùng cho xung đột Syria

Gần hai năm rưỡi đã trôi qua kể từ khi Nga bắt đầu can thiệp quân sự Syria và thể hiện lập trưởng ủng hộ cho ông Assad, giờ đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang mắc kẹt tại quốc gia Trung Đông. Moscow vẫn chưa tìm được một giải pháp chấp nhận được cho cuộc xung đột Syria, cho dù đã ít nhất ba lần tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụ”. Một mặt, sự can thiệp của ông Putin giúp Điện Kremlin đóng một vai trò quan trọng trong thế cục Trung Đông, mặt khác, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ trở lại đây, việc rút nước Nga ra khỏi Syria đang trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với những dự định trước đó.

Vấn đề, theo New York Times, chính là những ích lợi của Moscow và ông Assad đã gắn quá chặt với nhau đến nỗi, gần như không còn chỗ cho một sự “xoay vần” nào. 

Ông Putin không thể rút quân hoặc thúc đẩy một sự thay đổi chính trị tại Syria mà không phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ của chính quyền Assad. Sự đổ vỡ của Damascus có thể khiến những nỗ lực làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và gia tăng uy tín của ông Putin – bị ảnh hưởng nặng nề. Biết được điều này, ông Assad đang sử dụng chính nó để chống lại những cố gắng của Nga nhằm thương lượng với các lực lượng đối lập tại Syria.

Hôm thứ Ba (6/3), Liên hợp quốc công bố một bản báo cáo trong đó lần đầu tiên cáo buộc Không lực Nga có liên quan tới một tội ác chiến tranh. Tháng 11 năm ngoái, một phi cơ chiến đấu của Nga bị cho là đã tiến hành một loạt vụ tấn công tại thị trấn Al Atarib, tây Aleppo – khiến ít nhất 84 người thiệt mạng và hơn 150 người khác bị thương.

Trên khắp Syria, sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau, bao gồm cả những lính đánh thuê cho Nga, có khả năng làm gia tăng bạo lực và mở rộng vai trò của Nga trong cuộc xung đột vẫn chưa có hồi kết tại đây.

Cùng lúc, sự cạnh tranh với Iran về các hợp đồng tái thiết hậu chiến, cũng khiến liên minh trở nên lung lay. Sự bất đồng với Damascus có thể được thấy rõ tại một cuộc họp kín diễn ra ở Moscow vào cuối tháng Hai vừa rồi.

Với mong muốn tập hợp các bên đối lập tại Syria cùng ngồi vào bàn thương lượng, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chủ trì một cuộc họp kéo dài hai ngày tại Câu lạc bộ thảo luận Valdai –diễn đàn chính sách đối ngoại uy tín nhất của Nga, Tuy nhiên, nỗ lực này dường như không nhận được sự quan tâm từ chính quyền Damascus.

Trong một bài phát biểu, cố vấn thân cận của Tổng thống Assad, bà Bouthaina Shaaban không hề đề cập đến các dàn xếp đàm phán. Thay vào đó, bà Shaaban liên tục nhắc lại rằng, Damascus sẽ sớm tuyên bố “chiến thắng cuối cùng”.

Người Nga tất nhiên tỏ ra không hài lòng. “Chiến thắng quân sự là một sự hoang tưởng; anh không thể chiến thắng trong trận chiến này,” Vitaly Naumkin, Giám đốc Viện nghiên cứu Phương Đông tại Học viện Khoa học Nga, đồng thời là một cố vấn cho chính phủ Nga về Trung Đông, nhận định.

Tại Moscow, các chuyên gia Trung Đông và giới phân tích quân sự lưu ý, sự chia rẽ trong chính phủ Nga, đặc biệt là trong Bộ Quốc phòng nước này, cũng đóng góp đáng kể vào mâu thuẫn giữa Nga và Syria.

Nga không còn phân biêt nổi Tổng thống Assad là đồng minh hay thách thức trong xung đột Syria?

Mâu thuẫn về lợi ích trong một Syria hậu chiến

Cùng lúc, Nga còn phải chật vật tìm cách khắc chế sự khác biệt giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Về mặt chiến lược, Moscow và Tehrran cùng hướng tới mục tiêu bảo vệ chính phủ Syria hiện tại. Hai bên duy trì mối quan hệ quân sự mang tính biểu tượng với Nga “chiếm lĩnh” bầu trời, trong khi Iran có khoảng 60.000 binh lính trên chiến trường Syria.

Tuy nhiên, rạn nữa đã xuất hiện khi những tương lai của một Syria hậu chiến bắt đầu được đề cập đến.

Iran cho rằng mình đã nắm trong tay các dự án quan trọng với một loạt các biên bản ghi nhớ chung từng được ký kết hồi đầu năm 2017. Tuy nhiên, theo Jihad Yazigi, một biên tập viên của trang The Syria Report, đến thời điểm hiện tại, chưa có một hợp đồng nào trở thành sự thật.

Một nhà ngoại giao Arab giấu tên tiết lộ, trong chuyến công du đến Syria hồi tháng 12/2017, Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin, đã “giành lại” từ Iran không ít dự án. Ông Rogozin tuyên bố Nga sẽ nằm quyền kiểm soát hoàn toàn lĩnh vực dầu mỏ, vốn trước đây do các công ty phương Tây phát triển tại Syria.

Việc cả Iran và Nga đều không giấu được bất mãn cho thấy vụ việc vẫn chưa đi tới hồi kết.

Rahim Safavi, một cố vấn cấp cao cho nhà lãnh tụ tối cao Ali Khamenei của Iran lưu ý rằng, Nga đã có những thỏa thuận về chính trị, quân sự và kinh tế với Syria. Vì vậy, Syria có thể trả lại những chi phi mà Iran đã bỏ ra, thông qua việc hợp tác với nước này trong lĩnh vực dầu mỏ, khí gas… 

Tuy nhiên, một đặc phái viên từng có mặt trong cuộc gặp gỡ giữa ông Assad và Rogozin nói, người Nga cũng kỳ vọng có được một thù lao nào đó cho những hy sinh của họ tại Syria, đồng thời gọi quốc gia Trung Đông là “một đất nước giàu có vô tận”.

New York Times nhận định, bất chấp những yêu cầu của mình, cả Nga và Iran không thể một mình đảm đương được toàn bộ chi phí cho công cuộc tái thiết Syria - ước tính lên tới hơn 200 tỷ USD. Thay vào đó, hai nước này có vẻ như muốn giữ vai trò trung gian kết nối với các tập đoàn tư nhân hoặc các nước khác.

Trong lúc này, hầu hết các quốc gia/ tập đoàn Arab, phương Tây và cả Trung Quốc đều đang tạm dừng các dòng đầu tư vào Syria vì lý do chính trị.

Theo giới chuyên gia, một phần nguyên nhân Nga khẳng định rằng đối thoại chính trị vẫn đang tiếp diễn, là vì họ cần thuyết phục Liên minh châu Âu và các nhà đầu tư lớn. “Mỹ, Vùng Vịnh và EU đều có điều kiện cho việc tái thiết dựa trên một tiến trình chính trị - điều mà Nga không thể có được từ Tổng thống Assad,” Vladimir Frolov, một nhà phân tích chính sách đối ngoại, phân tích. “Vì vậy, người Nga cố gắng sử dụng một chiến dịch PR khiến nó giống như một quy trình hiến pháp thực sự và do Syria dẫn dắt đang diễn ra, trong khi đó không phải là sự thật. Ông Assad sẽ không bao giờ đàm phán để rời khỏi quyền lực”. 

Quan trọng hơn, Điện Kremlin sẽ phải đối phó với Washington. Hiện Mỹ và đồng minh đang kiểm soát 1/3 lãnh thổ Syria, bao gồm nhiều khu vực có nguồn dầu mỏ phong phú. Một số nhà phân tích tin rằng, một cuộc đối thoại Nga – Mỹ, đồng thời “trói buộc” tất cả các bên tham gia còn lại, sẽ là hy vọng duy nhất để kết thúc cuộc xung đột Syria.

Với sự hiện diện tại Syria, Nga mong muốn có thể thiết lập một thỏa thuận hòa bình với Washington, giúp củng cố hơn nữa vai trò mở rộng của Nga tại Trung Đông.

Tuy nhiên, sự chờ đợi đi cùng với khả năng, Nga sẽ bị lún sâu hơn nữa vào cuộc chiến trong trường hợp xảy ra một đụng độ lớn ngoài dự định, tại bất kỳ trong số những chiến trường vốn đang rất căng thẳng: tại miền bắc, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và kẻ thù lâu năm, người Kurd; tại phía đông Syria, giữa quân đội Syria do Nga ủng hộ và liên minh do Mỹ dẫn đầu; và dọc theo biên giới Israel với Lebanon và Syria, gần cao nguyên Golan, nơi mới đây đã xảy ra đối đầu giữa Iran và Israel. 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ