(Tổ Quốc) - Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ nhất trí vào ngày 16/10 nhằm cấm giao dịch làm ăn với Triều Tiên.
- 12.10.2017 Triều Tiên tuyên bố ném mưa hỏa lực xuống Mỹ
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ nhất trí vào ngày 16/10 nhằm cấm giao dịch làm ăn với Triều Tiên – động thái nằm trong gói trừng phạt mới nhằm cô lập Bình Nhưỡng về các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Theo Reuters, tác động thực tế của các động thái này có thể chỉ mang tính biểu tượng khi nội dung lệnh trừng phạt là Brussels sẽ áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ và lệnh cấm đối với đầu tư của EU, tuy nhiên, khối này không bán dầu thô cho Triều Tiên và các công ty châu Âu không có khoản đầu tư đáng kể ở đó.
Biện pháp trừng phạt này cũng sẽ bổ sung thêm ba quan chức hàng đầu của Triều Tiên và sáu doanh nghiệp vào một danh sách đen cấm đi lại đến EU và đóng băng tài sản của họ. Điều đó sẽ nâng tổng số những người Triều Tiên bị EU trừng phạt lên tới 41 cá nhân và 10 thực thể, một quan chức cao cấp của EU cho hay.
Chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên khiến EU lo ngại. (Nguồn: KCNA) |
Lượng lao động Triều Tiên ở EU, trong đó Brussels ước tính khoảng 400 người ở Ba Lan, sẽ phải đối mặt với một giới hạn thấp hơn về số tiền họ có thể gửi về nhà và thị thực lao động của họ sẽ không được gia hạn khi hết hạn.
Các biện pháp này, đã nhận được sự đồng ý của các bộ trưởng ngoại giao EU tại Luxembourg, sẽ đi xa hơn các biện pháp trừng phạt đa phương mới nhất do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp dụng.
"Người Triều Tiên dường như không quan tâm đến việc EU tham gia vào tiến trình hòa bình", một nhà ngoại giao EU cho hay. "Người Triều Tiên muốn đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ, nhưng Tổng thống (Donald) Trump phản đối điều này", nhà ngoại giao này nói.
"Chúng tôi đã làm mọi điều mà chúng tôi có thể để khiến Triều Tiên thay đổi hành vi của họ", một quan chức EU nói.
Mặc dù EU không xuất khẩu dầu sang Triều Tiên, mục tiêu của họ là thúc đẩy các nước khác cũng có hành động tương tự, cả đơn phương hay tại Liên hợp quốc. Vào tháng trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã hạn chế nhập khẩu dầu thô của Triều Tiên, nhưng Trung Quốc và Nga đã phản đối điều này.
Các nhà ngoại giao nói rằng nếu Bình Nhưỡng phóng thêm tên lửa, EU có thể xem xét áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty không phải thuộc EU làm ăn với Bình Nhưỡng như điều Hoa Kỳ đã làm.
Tuy nhiên, các "lệnh trừng phạt thứ cấp" như vậy cần có bằng chứng rõ ràng để tránh những thách thức pháp lý, trong khi đó khối này không muốn khiến Trung Quốc tức giận một đối tác thương mại hàng đầu của EU - bằng cách nhắm vào các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc.
(Theo Reuters)