(Tổ Quốc) - Nga đang chuẩn bị một trong những bước đi lớn nhất trong sự tăng cường hiện diện quân sự
- 01.08.2017 Nga đại tập trận, Mỹ tăng mạnh quân sát sườn
Nga đang chuẩn bị triển khai (có thể lên tới) 100.000 lính tới biên giới phía đông lãnh thổ NATO vào cuối mùa hè, một trong những bước đi lớn nhất trong sự tăng cường hiện diện quân sự của Tổng thống Vladimir V. Putin.
Quân đội đang tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân sự được gọi là Zapad 2017 ở Belarus, vùng biển Baltic, phía tây của Nga và vùng lãnh thổ Kaliningrad. Cuộc tập trận sẽ có sự tham dự của lực lượng bọc thép – được bố trí lại từ thời Liên Xô có tên gọi là First Guards Tank Army.
Ít nhất có hai tiểu đoàn của 1st Guards Tank Army, khoảng 3.000 lực lượng bọc thép, dự kiến sẽ tham gia vào các cuộc diễn tập ở Belarus. Tổng số binh lính Nga, nhân viên an ninh và các quan chức dân sự trong các hoạt động rộng hơn dự kiến sẽ từ 60.000 đến khoảng 100.000.
Tổng thống Putin và các tướng lĩnh theo dõi cuộc tập trận Zapad 2013. (Nguồn: EPA) |
Cuộc tập trận quân sự Zapad, đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng, không phải là phản ứng đáp trả các biện pháp trừng phạt kinh tế mới vào Nga được Quốc hội Mỹ thông qua tuần trước.
Tuy nhiên, động thái này là một phần trong nỗ lực lớn hơn của ông Putin nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Nga và cho thấy Nga ngày càng mạnh mẽ hơn. Quân đội của nước này trong những năm gần đây đã triển khai các lực lượng tới Syria, sáp nhập Crimea, đã có những vụ ngăn chặn lẫn nhau với các máy bay và tàu của NATO và thậm chí còn được cho là hỗ trợ lực lượng li khai miền đông Ukraine.
Lo ngại về Zapad
Theo NewYork Times (NYT), nhiều quan chức Mỹ đang lo ngại Nga có thể gia tăng sự hiện diện quân sự tại Belarus – một nước trung Âu giáp biên giới với 3 thành viên NATO: Ba Lan, Lithuania và Latvia.
Tướng Tony Thomas, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Đặc biệt Hoa Kỳ, phát biểu tại một cuộc họp an ninh quốc gia ở Aspen, Colo, vào tháng 7 rằng, “mối quan tâm lớn nhất là họ (Nga) sẽ không rời đi, và đó không phải là sự hoang tưởng”.
Đồng thời, câu hỏi mà các quan chức NATO đặt ra là liệu tất cả quân đội và trang thiết bị của Nga khi tới Belarus có rời đi hay không. Tướng Frederick Hodges – người đứng đầu lực lượng Mỹ tại châu Âu nhận định, “Tôi rất quan tâm về những lực lượng và thiết bị nào sẽ đến và sẽ đi”.
Đối với chương trình tập trận Zapad, Nga đã sử dụng các tàu hàng để chuyên chở 4000 xe tăng và thiết bị hạng nặng đến và đi từ Belarus.
Người Nga cũng có khoảng 1.000 quân phòng không và các nhân viên liên lạc trú đóng tại Belarus, và các đội hậu cần đang khảo sát các địa điểm đào tạo ở đó. Vào giữa tháng Tám, các lực lượng tinh anh của lục quân Nga, không vận và không quân Nga sẽ tới tham gia cuộc tập trận này. Các lực lượng còn lại dự kiến sẽ tới Belarus vào đầu tháng 9 ngay trước cuộc tập trận Zapad, dự kiến diễn ra từ 14 - 20/9.
Hành động phản ứng từ Mỹ
Hoa Kỳ đang áp dụng các biện pháp phòng ngừa, bao gồm gửi 600 lính nhảy dù tới ba nước Baltic - thành viên của NATO trong suốt thời gian diễn tập Zapad và trì hoãn việc luân chuyển một nhóm chiến đấu do Hoa Kỳ dẫn đầu tại Ba Lan.
Washington cũng sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trên lãnh thổ Lithuania từ ngày 14-20/ 9, trong thời điểm Zapad 2017 được tổ chức.
Còn phía Nga, cũng đã đưa một đơn vị cơ động mới tới Smolensk, gần biên giới với Belarus, có thể được sử dụng kết hợp với đơn vị xe tăng. Cùng với quân đoàn xe tăng cơ động, lực lượng này có khoảng 800 xe tăng, hơn 300 pháo binh và 12 bệ phóng tên lửa chiến thuật Iskander.
Con số này cho thấy nhiều xe tăng hơn so với con số NATO triển khai ở các nước Baltic, Ba Lan và Đức, nhưng không bao gồm kho vũ trang mà quân Mỹ có thể sử dụng để tái triển khai tại đây, ông Phillip A. Karber, chủ tịch của Potomac Foundation, người nghiên cứu các hoạt động quân sự của Nga cho biết.
Là một phần của các cuộc diễn tập, 1st Guards Tank Army dự kiến sẽ thiết lập một trạm chỉ huy ở phía tây Belarus, và tổ chức các cuộc tập trận tại các khu vực tập huấn gần Brest, biên giới Ba Lan và Grodno, gần Ba Lan và Lithuania.
Các quan chức Nga đã nói với NATO rằng cuộc diễn tập sẽ nhỏ hơn nhiều so với các quan chức phương Tây đang dự đoán và sẽ ít hơn 13.000 quân. Tuy nhiên, các quan chức NATO nhận định rằng, cuộc tập trận này, nhằm thử nghiệm các kế hoạch dự phòng của Nga cho một cuộc xung đột lớn với liên minh, sẽ bao gồm một số cơ quan dân sự của Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Chúng tôi có mọi lý do để tin rằng có thể có nhiều quân đội tham gia hơn số lượng được báo cáo chính thức."
Gia tăng thêm vào mối quan tâm này, người Nga vẫn chưa đồng ý rằng các nhà quan sát quốc tế có thể theo dõi cuộc tập trận Zapad. Các quan chức Mỹ từ lâu đã nói rằng việc giám sát là rất quan trọng, khi nhiều đơn vị tình báo phương Tây đang khó khăn trong việc xác định rằng liệu các hoạt động quân sự của Nga chỉ đơn thuần là một bài tập hay là một sự chuẩn bị cho một can thiệp vũ trang.
Tăng sức ép
"Chỉ có một lý do để xây dựng 1st Guards Tank Army - một lực lượng tấn công đáng chú ý ", Tướng Hodges nói. "Đây không phải là vì an ninh quốc gia. Điều này không có nghĩa là lực lượng trên sẽ tự động tham chiến, tuy nhiên sẽ là một lực lượng đặt ra nhiều sức ép cho các đồng minh. "
Người Nga đã thông báo rằng 1st Guards Tank Army sẽ là đội hình đầu tiên tiếp nhận chiếc T-14 Armata, một xe tăng chiến đấu hiện đại được trang bị thiết bị phòng không và thiết bị chiến tranh điện tử tiên tiến.
Còn ông Karber cảnh báo, nếu được triển khai đầy đủ tới Belarus, 1st Guards Tank Army sẽ là một đơn vị tấn công mạnh mẽ và hỗ trợ quân đội Nga nhanh chóng mở rộng sức mạnh về phía tây, điều quan trọng hơn đối với Moscow.
Ông Karber nói: "Sự có mặt của 1st Guards Tank Army ở gần biên giới Ba Lan sẽ đưa NATO vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. "Liệu NATO sẽ tăng cường sức mạnh các quốc gia Baltic hay bảo vệ Ba Lan ở phía đông? NATO không đủ sức để làm cả hai trong một khoảng thời gian ngắn."
Tuy nhiên, một mối quan ngại gần đây nữa là liệu Nga sẽ sử dụng cuộc tập trận Zapad để tiếp tục giữ được sự ủng hộ của Belarus hay không. Belarus đã hợp tác chặt chẽ với Moscow, và các đơn vị phòng không được kết hợp với Nga về phía đông.
Dù vậy, một số mâu thuẫn giữa Tổng thống Belarus Lukashenko và ông Putin có thể khiến nước này không muốn đón tiếp thêm nhiều lực lượng Nga một cách thường xuyên.
Các quan chức quân sự phương Tây cho rằng Hoa Kỳ và Nga không đứng trên bờ vực của chiến tranh nhưng lo ngại hoạt động quân sự của Nga có thể dẫn tới các cuộc đối đầu không mong muốn.
(Theo NYT)