• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ẩn tình quân sự Trung Quốc lần đầu đổ bộ Afghanistan

Thế giới 29/08/2018 11:56

(Tổ Quốc) - Trung Quốc hỗ trợ hoàn toàn cho căn cứ tại Hành lang Wakhan, Afghanistan và sẽ gửi hàng trăm lính tới đây.

Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một trại huấn luyện cho quân đội Afghanistan tại một hành lang hẹp nối giữa hai nước. Dự án này do Bắc Kinh tài trợ hoàn toàn để hỗ trợ nước láng giềng cải thiện các nỗ lực chống khủng bố, South China Morning Post (SCMP) dẫn các nguồn tin thân cận quân đội Trung Quốc cho biết.

Khi doanh trại này hoàn thành, Quân đội Trung Quốc (PLA) có thể gửi hàng trăm nhân viên quân đội - ít nhất là một tiểu đoàn - tới hành lang Wakhan bị cô lập của Afghanistan, một trong những nguồn tin thân cận với vấn đề này nói với tờ SCMP. Một tiểu đoàn thường có hơn 500 quân.

Đây là lần đầu tiên quân sự Trung Quốc hiện diện tại Afghanistan - một trong những đất nước căng thẳng nhất khu vực. (Nguồn: PLA)

"Việc xây dựng căn cứ đã bắt đầu và Trung Quốc sẽ gửi ít nhất một tiểu đoàn, cùng với vũ khí và trang thiết bị, đóng quân ở đó đồng thời đào tạo cho các đối tác Afghanistan", một trong những nguồn tin cho biết.

Nguồn tin này cũng nói rằng, không rõ khi nào PLA dự định chính thức mở căn cứ này và đây được coi là một “dự án tốn kém nhưng đáng giá”.

Thế khắc nghiệt tại Afghanistan

Hành lang Wakhan này là một dải đất hẹp đầy khắc nghiệt và hầu như khó tiếp cận, nằm giữa tỉnh phía bắc Badakhshan của Afghanistan và khu vực Tân Cương, Trung Quốc. Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Trung Quốc có sự hiện diện quân sự ở Afghanistan – nơi nổi tiếng là khó tiếp cận và quản lí.

Hiện tại, Afghanistan đang ngày càng trở nên quan trọng đối với an ninh của chính Trung Quốc, cũng như với Sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại “Vành đai và con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc đã thành lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên vào năm ngoái tại Djibouti, một cơ sở Bắc Kinh cho biết là có nhiệm vụ tiếp tế cho các tàu Trung Quốc khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và nhân đạo ở Ấn Độ Dương.

Theo các nguồn tin giấu tên, PLA đã đưa hơn một tiểu đoàn tới Djibouti, nhiều người trong số họ là các kỹ sư và đội ngũ xây dựng đang làm việc trên một cầu cảng đa năng, với rất ít binh sĩ chiến đấu sẽ thực hiện các cuộc diễn tập bắn đạn thật.

Họ cũng cho biết căn cứ Afghanistan sẽ có một vai trò khác với vai trò ở Djibouti vì trại huấn luyện nằm gần khu vực biên giới căng thẳng Tân Cương.

Hãng tin Ferghana News của Nga đưa tin hồi tháng 1 rằng Bắc Kinh sẽ tài trợ cho một căn cứ quân sự mới ở Badakhshan sau khi bộ trưởng quốc phòng từ hai nước nhất trí hồi năm ngoái sẽ cùng nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố, trích lời Tướng Davlat Vaziri từ Bộ Quốc phòng Afghanistan.

Vào thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc không xác nhận họ có kế hoạch xây dựng một “căn cứ quân sự” ở Afghanistan, nhưng Bắc Kinh từ lâu đã viện trợ và hỗ trợ cho người hàng xóm này như một nội dung trong các nỗ lực hợp tác an ninh, bao gồm hoạt động chống khủng bố.

Chuyên gia quân sự từ Bắc Kinh Li Jie nói rằng Trung Quốc tự bản thân đã tăng cường các biện pháp chống khủng bố nhưng cũng cần phải hợp tác với các nước khác ở Trung Á và Trung Đông. "Vì PLA không quen thuộc với địa hình và đời sống ở Afghanistan, hợp tác song phương là cách tốt nhất để có được kết quả cùng thắng."

Nguy cơ với đà thịnh vượng Trung Quốc

Trung Quốc đã viện trợ quân sự hơn 70 triệu USD cho Afghanistan trong ba năm qua, nhà nghiên cứu Ahmad Bilal Khalil thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và khu vực ở Kabul, cho biết trong tháng 2. Ông nói thêm rằng, Bắc Kinh cũng lo ngại sự bất ổn ở nước láng giềng có thể đe dọa lợi ích kinh tế ngày càng tăng của mình trên toàn khu vực.

Song Zhongping, một nhà phân tích quân sự ở Hồng Kông và là một nhà bình luận quân sự cho đài truyền hình Phoenix, cho biết căn cứ mới này sẽ có lợi cho cả quân đội Trung Quốc lẫn các đối tác Afghanistan.

"Một chức năng chính của cơ sở đào tạo sẽ là tăng cường hợp tác chống khủng bố và giao lưu quân sự giữa Bắc Kinh và Kabul, cũng là một phần trong nỗ lực ngăn chặn lực lượng cực đoan tiến vào Trung Quốc", Song nói.

"Afghanistan còn yếu về chống khủng bố, và chính quyền nước này vẫn lo ngại về sự hồi sinh của Taliban, nhưng họ không thể làm bất cứ điều gì nếu không có sự giúp đỡ từ Mỹ, Trung Quốc và các nước khác."

Li Wei, một chuyên gia chống khủng bố tại Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc, nói rằng ngoài việc cung cấp hỗ trợ quân sự, Bắc Kinh cũng đã tăng cường hợp tác kinh tế với Afghanistan, nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, với hơn 1.400 mỏ khoáng sản.

"Phát triển quốc phòng và [kinh tế] luôn là cơ sở để cùng có lợi", Li Wei nói. "Đó là bởi vì nếu cả hai bên chỉ tập trung vào hợp tác an ninh, đây sẽ không phải là một mối quan hệ bền vững."

Afghanistan là một quan sát viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) -khối an ninh khu vực do Trung Quốc và Nga dẫn đầu từ năm 2012.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ