(Tổ Quốc) - Ảnh hưởng của Iran đang gia tăng tại Syria và có thể sẽ có tác động lớn tới tương lai nước này sau khi xung đột kết thúc.
Từ cuối Chiến tranh Lạnh cho đến năm 2010, Syria, được lãnh đạo bởi cựu Tổng thống Hafez al-Assad và sau đó là con trai Bashar al-Assad, đã có một vị trí địa chính trị linh hoạt đặc thù trong thế giới Ảrập. Syria được cho là kẻ thù công khai của Israel nhưng hai bên đã trực tiếp đàm phán với nhau. Dù không hoà thuận với phần còn lại của thế giới Arab, nhưng Syria vẫn tham gia liên minh của Liên Hợp Quốc trong cuộc chiến vùng vịnh năm 1991, được cho là để giải phóng Kuwait khỏi Iraq. Đồng thời, chính phủ Assad tuy đã bị Mỹ coi nhà một nhà bảo trợ khủng bố, nhưng các cơ quan tình báo Syria vẫn hợp tác với các đối tác Mỹ nhằm chống lại Al Qaeda.
Tuy nhiên, những ngày linh hoạt đó có thể đã kết thúc.
Diễn biến quan hệ Syria- Iran
Theo Newyork Times, (NYT), kể từ khi cuộc nội chiến bùng lên vào năm 2011, chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad đã dựa vào Iran và các lực lượng được cho là thân cận với Tehran như nhóm vũ trang người Lebanon Hezbollah để tiếp tục nắm quyền. Trong khi Nga cũng là một bên hỗ trợ quan trọng, Tehran vẫn là một nhà bảo trợ đầu tiên của chính quyền Syria. Trong khi điểm kết chiến tranh tại Syria dường như đang dần hiện rõ, Iran có vẻ sẽ là bên chiến thắng lớn và gây được ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại của Syria trong tương lai.
Quan hệ Iran- Syria có những diễn biến phức tạp và hé lộ những nước cờ mới sau xung đột Syria. (Nguồn: NYT) |
Liên minh giữa Syria và Iran được bắt đầu từ năm 1979 sau cuộc cách mạng Iran và việc ký kết một hiệp định hòa bình giữa Israel và Ai Cập – quốc gia trước đó là đồng minh của Syria.
Cảm thấy bị cô lập, Hafez al-Assad tin rằng Syria cần một số đối tác mới mạnh mẽ. Iran đã đóng vai trò này bằng cách hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Syria, đồng thời thúc đẩy Hezbollah giúp Damascus duy trì vị thế chiến lược của mình.
Dù vậy, mối quan hệ này luôn luôn là một điều khó lường. Một phần là vì sự khác biệt giữa hai nước: Syria, đa số là người Ả Rập Sunni, được lãnh đạo bởi Đảng Baath thế tục kể từ đầu những năm 1960. Iran, mặt khác, đa số là người Ba Tư và người Shiite, và từ năm 1979 đã trở thành một nước cộng hòa Hồi giáo. Syria cũng thường xuyên khác biệt với Iran về nhiều vấn đề chính sách, bao gồm về vấn đề cao nguyên Golan và tăng cường mối quan hệ với Mỹ và phương Tây.
Diễn biến trong cuộc xung đột Syria
Sau đó cuộc xung đột xảy ra. Khi cuộc chiến giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy Syria ngày càng khốc liệt, chính sách đối ngoại của Damascus cũng ngày càng cứng rắn hơn. Ngay từ đầu, Iran đã hỗ trợ cho ông Assad để đảm bảo quyền tiếp cận của nước này với Lebanon và kiềm chế Saudi Arabia không mở rộng ảnh hưởng ở Levant. Sự giúp đỡ này đã mang tính quyết định. Chiến tranh dường như sắp kết thúc và cho tới nay ông Assad vẫn đang cầm quyền.
Từ khi được trao các hợp đồng tái thiết để sắp xếp và hỗ trợ các lực lượng bán quân sự thân cận chính phủ Syria, ảnh hưởng của Iran đã gia tăng tại Syria theo cách ông Assad cũng đang dần thấy rõ ràng.
Vào ngày 20/8, Tổng thống Syria đã đưa ra một bài diễn văn cứng rắn, trong đó ông cảm ơn các đồng minh của ông và tuyên bố rằng sẽ “không hợp tác an ninh và mở các đại sứ quán” đối với các nước phản đối ông. Ông nói rõ ràng rằng Syria sẽ, trong tương lai, nhìn về phía Đông hơn là phương Tây.
Dù vậy, phần đông giới tinh hoa chính trị và quân sự của Syria, bao gồm cả chính ông Assad, đang lo ngại rằng ảnh hưởng quá sâu của Iran sẽ hạn chế tính linh hoạt của họ khi tiến hành tái thiết sau chiến tranh, phát triển kinh tế và quan hệ ngoại giao trong tương lai với phương Tây.
Kịch bản Syria- Iran nguy hiểm
Một chuyên gia về chính sách hàng đầu của Nga chia sẻ từ Moscow rằng "kịch bản ác mộng" của ông Assad là khi chiến tranh chấm dứt, không một quốc gia nào sẽ quan tâm tới những gì xảy ra ở Syria trừ Iran. Mặc dù những gì ông Assad đã nói trong bài phát biểu, giáo sư về lịch sử Trung Đông David W. Lesch tại Đại học Trinity chia sẻ với NYT rằng, về sâu trong nội hàm, ông Assad vẫn muốn duy trì sự linh hoạt chiến lược của mình.
Nếu ông Assad lựa chọn trở thành đối tác chính của Tehran, điều này có thể dẫn tới một tình huống rất nguy hiểm. Israel, đặc biệt, đang lo lắng bởi khả năng này. Israel đã liên tục tấn công các lực lượng thân cận chính phủ Syria bên trong và xung quanh Cao nguyên Golan. Diễn biến cuộc nội chiến Syria thậm chí đã đẩy Israel tự động phải ủng hộ một số nhóm đối lập Syria dọc theo biên giới để ngăn chặn Hezbollah thiết lập một sự hiện diện thường trực tại đó. Nếu hướng đi của Syria đối với Iran vẫn tiếp tục, thì Israel sẽ cảm thấy rằng khi họ nhìn qua Cao nguyên Golan, Iran sẽ nhìn chằm chằm lại.
Cũng theo ông David W. Lesch, chính quyền ông Trump cho đến nay dường như đã sẵn sàng giao trách nhiệm giải quyết tình hình Syria cho Nga, trừ việc đánh bại IS. Dù vậy, Washington vẫn cần quan tâm tới việc diễn biến tại Syria có ý nghĩa gì với Iran. Moscow chỉ muốn duy trì các căn cứ quân sự ở Syria và họ sẽ không thực sự trở thành một đối trọng của Iran một khi chiến tranh kết thúc.
Trong nhiều thập niên qua, Syria đã coi Mỹ là đòn bẩy trong việc gây áp lực cho Israel trên Golan, kìm chế hoạt động của Israel để đổi lấy triển vọng hòa bình Ả-rập-Israel, và giải phóng con đường cho đầu tư nước ngoài vào Syria. Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ không còn quan tâm đến Syria, và nếu Nga tiếp tục chỉ tập trung vào các vấn đề an ninh trong khi phớt lờ chính trị, Iran sẽ chiếm ưu thế tại Damascus.
Theo kịch bản này, Israel sẽ không chịu đựng được ảnh hưởng của Iran gia tăng tại Syria và kết quả có thể sẽ là một cuộc chiến tranh giữa Syria và Israel – đồng thời cũng là cuộc chiến Iran- Israel, trong khi ranh giới cuộc chiến không chỉ giới hạn ở Syria.
Cũng theo ông Lesch, để ngăn chặn điều này, các nhà hoạch định chính sách Mỹ và Nga cần phải làm nhiều hơn để chấm dứt xung đột và xúc tiến thiết lập tương lai sau chiến tranh của Syria. Đồng thời, nhiều quốc gia khác cũng cần kết nối với Syria để gây ảnh tới họ - động thái có thể ngăn Iran là bên duy nhất đầu tư vào tương lai của Syria.
(Theo NYT)