• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

'Ẩn tình' sóng gió Mỹ - Hàn về khoản chi khủng cho lực lượng quân sự

Thế giới 11/04/2020 10:46

(Tổ Quốc) - Khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper gọi điện cho người đồng cấp Hàn Quốc trong tuần này, ông đã nhấn mạnh việc cần nhanh chóng được thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng mà Tổng thống Donald Trump kỳ vọng sẽ thấy đóng góp của Seoul tăng đáng kể.

Tuy nhiên, các cựu quan chức Mỹ và cả những người đương nhiệm nói với tư cách cá nhân rằng, dường như không có nhiều hi vọng đạt được một thỏa thuận mới trong những ngày tới, trong khi một số người còn nghĩ tới nhiều tuần và tháng tới.

Thoả thuận bế tắc giữa đại dịch

Họ nói rằng ông Trump đã từ chối điều có lẽ là đề nghị tốt nhất của Seoul trước cuộc bầu cử quốc hội vào giữa tháng Tư – mức đóng góp tăng ít nhất 13% so với thỏa thuận trước đó về chia sẻ chi phí cho việc quân đội Mỹ trú đóng tại Hàn Quốc, hai trong số các quan chức nói.

Lời đề nghị đó của Hàn Quốc và quyết định từ chối của Tổng thống Mỹ đã đẩy 2 nước rơi vào bế tắc, ngay cả khi dịch virus corona bùng phát và đe dọa làm suy yếu sự sẵn sàng của quân đội Mỹ - Hàn trong kịch bản xung đột tiềm tàng với Triều Tiên.

Khoảng 28.500 lính Mỹ được triển khai tới Hàn Quốc, điều được cho là một tín hiệu răn đe đối với Bình Nhưỡng, cũng như gửi đi thông điệp tới Trung Quốc về ảnh hưởng và năng lực của Mỹ ở châu Á.

Quan điểm của ông Trump rằng Hàn Quốc giàu có, có nền kinh tế lớn hơn Australia, và đang chiếm lợi từ Mỹ, đang ngày càng khiến Seoul cho rằng Washington đang trở thành đối tác mang tính giao dịch và đưa ra những yêu cầu vô lý.

"Bế tắc hiện tại là bởi vì họ đã đưa ra yêu cầu quá mức ngay từ đầu", một quan chức Hàn Quốc thạo tin cho hay.

'Ẩn tình' sóng gió Mỹ - Hàn về khoản chi khủng cho lực lượng quân sự - Ảnh 1.

Lực lượng quân đội Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Quyết định của ông Trump từ chối lời đề nghị của Hàn Quốc được đưa ra vào tuần trước sau khi tham khảo ý kiến với ông Esper và Ngoại trưởng Mike Pompeo, các quan chức cho biết. Động thái này diễn ra sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng và Hàn Quốc đã đề xuất trả nhiều tiền hơn bao giờ hết, như một phần của Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) mới.

Nhưng mức tăng đề xuất của Seoul còn thấp hơn nhiều so với những kỳ vọng hạ thấp đáng kể của chính quyền Trump, người ban đầu còn đề cập đến mức tăng theo cấp số nhân lên tới 5 tỷ USD, từ khoảng 900 triệu USD Hàn Quốc đồng ý trong thỏa thuận chia sẻ chi phí một năm qua.

"Đó không phải là một khoản tiền nhỏ ngay cả khi chúng tôi đã đưa ra mức tăng 13%", quan chức Hàn Quốc nói.

Ông Esper và ông Pompeo thì cho rằng Hàn Quốc đã chi trả không quá một phần ba chi phí liên quan trực tiếp nhất đến việc đóng quân của lực lượng Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, chưa kể các tài sản tình báo và quân sự khác của Mỹ liên quan đến quốc phòng của Hàn Quốc.

"Chúng tôi đã rất thất vọng vì chúng tôi không thể đạt được điều gì đó cả hai bên chấp nhận lẫn nhau", một trong những quan chức Hoa Kỳ thông tin với điều kiện giấu tên.

Trong một dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán đã diễn ra căng thẳng như thế nào khi bắt đầu, Reuters từng biết Hàn Quốc năm ngoái đã đưa ra đề nghị cắt giảm đóng góp của họ.

Đề xuất này vào ngày 19/11 năm ngoái đã khiến phái đoàn Hoa Kỳ ở Seoul không đồng tình, theo một nguồn thạo tin.

Kịch bản trì trệ nhiều tháng

Bế tắc hiện tại đặt ra một câu hỏi lớn chưa được trả lời về việc Hoa Kỳ có thể làm gì, nếu Hàn Quốc không đưa ra lời đề nghị mà ông Trump chấp nhận được. Tổng thống Mỹ đã không giấu giếm sự bất mãn của mình về chi phí triển khai quân đội ở nước ngoài.

Lầu Năm Góc từ chối bình luận về các cuộc đàm phán giữa hai bên, đề cập đến Bộ Ngoại giao, nơi đang dẫn đầu các cuộc đàm phán. Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng cũng từ chối bình luận về các cuộc thảo luận kín này.

Các quan chức chính quyền Trump nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra.

"Tổng thống có lập trường rõ ràng về kỳ vọng rằng các đồng minh của chúng tôi trên khắp thế giới, bao gồm cả Hàn Quốc, có thể và nên đóng góp nhiều hơn", một trong các quan chức nói, cũng với điều kiện giấu tên.

Một quan chức Mỹ cũng cho biết rất khó có thể đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử quốc hội ngày 15/4 của Hàn Quốc. Người này cũng đề cập đến lo ngại thỏa thuận trên có thể mất thời gian đến mùa hè và thậm chí đến gần cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, có lẽ để khiến ông Trump phải hạ thấp yêu cầu.

Một trong những hệ lụy rõ ràng nhất sau các cuộc đàm phán chia rẽ là khoảng 4.000 người lao động Hàn Quốc tại các căn cứ của Hoa Kỳ bị cho nghỉ phép do không đạt được thỏa thuận trước hạn chót ngày 1/4. Hoa Kỳ nói rằng họ cần đóng góp chia sẻ chi phí của Hàn Quốc để giúp trả lương cho những người này.

Abraham Denmark, cựu quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á, cho biết đây là lần đầu tiên việc cho nghỉ phép được thực hiện kể từ khi liên minh Mỹ - Hàn được thành lập năm 1953.

Nhưng tác động này không gây lo ngại rõ ràng ở Hàn Quốc, một phần do dịch Covid-19 – điều đã cản trở những người lao động bị xáo trộn công việc này lên tiếng phản đối.

Chỉ huy hàng đầu của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, Tướng Robert Abrams, đã gọi việc cho nghỉ phép này là "một ngày đáng tiếc cho chúng ta." Ông nói thêm rằng đó cũng là điều "không thể tưởng tượng nổi" và "hết sức đau lòng".

Tuy nhiên, việc cho nhân viên nghỉ này không có nhiều tác động đến các căn cứ của Mỹ tại Hàn Quốc, một phần vì ông Esper ủy quyền cho ông Abrams giữ lại các nhân công Hàn Quốc ở những vị trí thiết yếu gắn liền với đời sống, y tế, an toàn và phục vụ khả năng sẵn sàng tối thiểu. Các căn cứ cũng ít hoạt động hơn, do việc đóng cửa liên quan đến dịch virus corona.

Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu Mỹ và Hàn Quốc, hiện tập trung nhiều vào giải quyết dịch bệnh hơn là các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí, có cảm nhận được sức ép để phải giải quyết vấn đề nhanh chóng hay không.

"Thật không may, có vẻ như điều này chỉ có thể kéo dài", Bruce Klingner, một chuyên gia về Hàn Quốc tại tổ chức tham vấn Heritage Foundation nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ