(Tổ Quốc) -Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chỉ trích việc cô lập Qatar là hành động phi nhân đạo và là án tử hình đối với nước này.
“Án tử hình” cho Qatar
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào ngày 13/6 cho biết, việc cô lập Qatar sẽ vi phạm các giá trị đạo Hồi và giống như một án tử hình trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao căng thẳng hiện nay.
"Cô lập một quốc gia trong một khu vực là hành động phi nhân đạo và chống lại các giá trị đạo Hồi", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh |
Các bình luận của ông Erdogan thể hiện sự can thiệp mạnh mẽ nhất kể từ khi Saudi Arabia, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ với Qatar đồng thời tăng các lệnh trừng phạt kinh tế vào Doha.
Vào ngày 13/6, Đại sứ UAE tại Mỹ cho biết, sẽ không có bất kỳ hành động quân sự nào nhằm chống lại Doha.
Hiện tại, Qatar từ chối cáo buộc hậu thuẫn lực lượng khủng bố nhà nước Hồi giáo IS và Iran.
“Một lỗi nghiêm trọng đang áp đặt lên Qatar, cô lập một quốc gia trong một khu vực là hành động phi nhân đạo và chống lại các giá trị đạo Hồi. Đây giống như một hình phạt “tử hình” đối với Qatar”, ông Erdogan nhấn mạnh trong bài phát biểu trước đảng Công lý và Phát triển (AKP) ở thủ đô Ankara.
“Qatar luôn tỏ ra lập trường quyết đoán cùng với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại lực lượng khủng bố IS. Việc trừng phạt Qatar thông qua chiến dịch bôi nhọ sẽ không thể đạt được mục đích gì”, ông Erdogan khẳng định.
Các biện pháp chống lại Qatar – nhà phân phối lớn gas và dầu, sẽ kiềm chế việc nhập khẩu thực phẩm và các nguyên liệu khác.
Ông Yousef Al Otaiba – Đại sứ của UAE tại Mỹ đã nói với báo chí tại Washington rằng: “Không có bất kỳ hành động quân sự nào sau sự việc ngừng quan hệ với Qatar”.
“Tôi đã có 4 lần gặp gỡ và thảo luận với Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis vào cuối tuần trước. Chúng tôi đã có cam kết rằng các hành động đối với Qatar sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động căn cứ không quân Al-Udeid của Mỹ gần thủ đô Doha, Qatar”, ông Otaiba nói.
Có tới hơn 11.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ ở Qatar nhằm ngăn chặn và chống lại lực lượng khủng bố IS trong khu vực.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford cũng cho biết, việc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các quốc gia vùng Vịnh sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động quân sự của Mỹ.
Qatar nhập khẩu 80% thực phẩm từ các nước láng giềng trong khu vực trước khi rơi vào khủng hoảng ngoại giao. Hiện tại, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tăng cường khả năng tiếp vận thực phẩm và nước đến quốc gia này.
Là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới, Qatar hiện đóng cửa hai nhà máy sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng bởi vì khủng hoảng kinh tế, một nguồn tin bí mật nói với Reuater vào ngày 13/6.
Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục duy trì mối quan hệ tốt với Qatar cùng với một vài các quốc gia vùng Vịnh.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt đối với Qatar và cho rằng, điều này đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân Doha.
Ngoại giao quốc tế
Khi được hỏi liệu các quốc gia vùng Vịnh sẽ có thêm các hành động đối phó với Qatar hay không, ông Otaiba cho rằng: “Chúng tôi đã xác định 59 cá nhân và 12 thực thể tại Qatar có liên quan đến khủng bố”.
“Doha hiện trở thành trung tâm truyền thông và tài chính đối với chủ nghĩa cực đoan. Quốc gia này phải có hành động quyết đoán giải quyết các vấn đề cực đoan”, ông Otaiba đưa ra ý kiến trên Wall Street Journal vào ngày 12/6.
Bộ trưởng Ả rập Saudi cũng đã nói với báo chí trong buổi họp báo tại Washington vào ngày 13/6 cùng với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Ả rập Saudi sẵn sàng tiếp vận thực phẩm và y tế đến Qatar.
Bộ trưởng Adel al-Jubeir cho biết thêm: “Chúng tôi cho phép di chuyển các gia đình từ hai nước, vì vậy, sẽ không có chuyện chia cắt các thành viên trong gia đình”.
Trong khi đó, Bộ trưởng ngoại giao Qatar Sheikh Abdulrahman al-Thani cho biết, Doha vẫn không hiểu lý do khiến các quốc gia vùng Vinh cắt đứt quan hệ với Doha. Ông Sheikh Abdulrahman al-Thani từ chối cáo buộc Doha hỗ trợ lực lượng khủng bố và có quan hệ thân thiết với Iran.
Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng, ông Erdogan sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Donald Trump trong cuộc điện đàm vào thời gian tới.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt việc triển khai binh lính đến căn cứ quân sự tại Qatar thông qua Hiệp định 2014 với các quốc gia vùng Vịnh. Động thái này được cho là có hậu thuẫn từ các siêu cường và thành viên NATO.
Tại Nga, điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Putin và Quốc vương Saudi Arabia Salman đã có thảo luận về khủng hoảng Qatar trong cuộc điện đàm vào ngày 13/06. Điện Kremlin cho biết, mâu thuẫn này sẽ không giúp cho tình hình các nước cải thiện và cũng không phải là giải pháp hữu hiện chống lại chủ nghĩa khủng bố.