• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn tượng Tết Aza Koonh của đồng bào Pa Cô

Văn hoá 02/11/2023 15:07

(Tổ Quốc) - Khi mùa màng đã thu hoạch xong xuôi, đồng bào ở các bản làng trên dãy Trường Sơn mở hội, cất lên tiếng trống, điệu múa... mừng Tết Aza Koonh truyền thống. Có dịp vui đón Tết cùng đồng bào nơi đây sẽ là trải nghiệm khó quên cho nhiều người.

A Lưới là huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Trong số đó, không thể kể đến lễ hội truyền thống Aza Koonh của đồng bào Pa Cô.

Từng có dịp cùng nhóm bạn được trải nghiệm, hòa mình vào không khí lễ hội Aza Koonh truyền thống của đồng bào Pa Cô ở vùng cao A Lưới trong một chuyến công tác, Nguyễn Khải Tuấn (du khách TPHCM) đã có những ấn tượng khó phai về nét đẹp văn hóa này.

Ấn tượng Tết Aza Koonh của đồng bào Pa Cô - Ảnh 1.

Người dân Pa Cô tại huyện A Lưới tổ chức lễ hội Aza Koonh.

Nam du khách kể lại, mang theo tâm trạng hồi hộp xen lẫn chút tò mò, lần đó, anh cùng nhóm bạn vượt hàng chục cây số từ thành phố Huế lên huyện miền núi A Lưới với mong muốn tìm hiểu về nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Càng háo hức hơn khi chuyến đi này trùng vào dịp người dân tổ chức lễ hội Aza Koonh, một trong những nét văn hóa truyền thống hết sức độc đáo của đồng bào vùng cao trên dãy Trường Sơn.

Mất khoảng 2 tiếng đồng hồ di chuyển, xe ô tô đưa Khải Tuấn và nhóm bạn đến với làng A Năm (xã Hồng Vân, huyện A Lưới). Đập vào mắt mọi người là khung cảnh đậm nét văn hóa vùng cao với cây nêu khổng lồ được dựng trước sân nhà cộng đồng. Ngay cận đó, các lễ vật như buồng chuối, thịt heo, trái bí ngô và rất nhiều sản vật địa phương khác đã được dân làng bày biện sẵn.

Ấn tượng Tết Aza Koonh của đồng bào Pa Cô - Ảnh 2.

Lễ vật được bày biện bên cây nêu trước nhà cộng đồng thôn.

Trước đó, từ sáng sớm, đồng bào Pa Cô với trang phục truyền thống của dân tộc mình đã tụ hội về trước nhà cộng đồng thôn để chuẩn bị cho ngày hội lớn của bản làng. Mọi người vui vẻ, nói cười tạo nên không khí hết sức vui tươi, sôi động.

Với nhiều tên gọi như Tết Aza, Tết cơm mới, mừng lúa mới... Aza Koonh là lễ hội được tổ chức vào cuối năm khi mùa màng thu hoạch xong, đánh dấu kết thúc một năm làm việc cũ và mở ra năm làm việc mới. Tham gia lễ hội này, Khải Tuấn cùng nhóm bạn đã được chứng kiến người đồng bào Pa Cô tái hiện đầy đủ các lễ Aza Koonh. Đó là lễ tẩy rửa, lễ mời mẹ lúa, lễ cúng các vị giống cây trồng, lễ cúng cho Giàng Xứ (Giàng sông, suối, gió, núi, mây, lửa...), lễ ăn cơm mới…

Khi giờ lành đã điểm, già làng A Năm đánh vài tiếng kẻng báo hiệu. Nghe thấy âm thanh quen thuộc, các hộ dân trong làng bắt đầu tiến hành lễ cúng ở mỗi nhà. Trong những ngôi nhà sàn, nhiều lễ vật được bày biện hấp dẫn. Mọi người trong gia đình quây quần bên nhau tạo nên không khí ấm áp ngày hội. Xong xuôi, mỗi người đại diện cho gia đình bưng một mâm lễ tiến về nhà cộng đồng.

Ấn tượng Tết Aza Koonh của đồng bào Pa Cô - Ảnh 3.

Người dân mang lễ vật đến nhà cộng đồng của thôn.

"Giữa ánh nắng như rót mật, người dân địa phương bưng mâm lễ đi thành một hàng. Bóng người rọi xuống mặt đường tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp trong bức tranh thiên nhiên rộng lớn ở miền núi. Từ khắp các nẻo đường trong bản làng, người dân mang theo nhiều mâm lễ vật đến nhà cộng đồng để bắt đầu lễ cúng chính thức của lễ hội Aza Koonh. Hình ảnh này đã để lại ấn tượng sâu đậm cho mình khi lần đầu được xem lễ hội Aza Koonh ở A Lưới", Khải Tuấn chia sẻ.

Theo lời kể của Khải Tuấn, tại ngày hội, bên trong nhà cộng đồng, nhiều mâm lễ vật như cơm trắng, gà, heo, bánh, hạt giống cây trồng... được sắp đặt đẹp mắt. Sau khi lễ chính diễn ra trong không khí trang nghiêm, mọi người hào hứng với lễ ăn cơm mới. Vị già làng mang chiếc bát di chuyển đến từng người để họ được thưởng thức cơm mới.

Ấn tượng Tết Aza Koonh của đồng bào Pa Cô - Ảnh 4.

Người dân thực hiện các nghi lễ trong ngày hội Aza Koonh.

Sau khi phần lễ kết thúc cũng là lúc phần hội được diễn ra sôi động, nhộn nhịp. Những chàng trai, cô gái Pa Cô cùng nhau sum vầy, chúc nhau ly rượu mừng sức khỏe dồi dào. Hòa lẫn trong tiếng trống, điệu nhạc..., người dân nhảy múa, ca hát mừng ngày tết truyền thống của dân tộc mình.

Qua lời kể của người dân làng A Năm, Khải Tuấn được biết Aza Koonh không chỉ là lễ hội truyền thống, là ngày tết vui tươi, mà còn là dịp để thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh mang đến mùa màng tốt tươi, bội thu. Bên cạnh đó, Aza Koonh còn thể hiện lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ cây lúa nuôi dưỡng lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác. Lễ hội này còn là dịp cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, đem lại mùa màng bội thu cho năm sau.

Với lễ hội Aza Koonh, người dân ở bản làng có dịp quây quần bên nhau, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi giúp nhau phát triển kinh tế, khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng của bà con làng bản...

Ấn tượng Tết Aza Koonh của đồng bào Pa Cô - Ảnh 5.

Lễ hội Aza Koonh là dịp để người dân quây quần bên nhau.

Vài năm trước, lễ hội truyền thống Aza Koonh của người Pa Cô (huyện A Lưới) đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm vui lớn của người dân đồng bào Pa Cô. Càng vui hơn khi những năm gần đây, các ban, ngành tiếp tục quan tâm, thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống này, qua đó góp phần mang đến những trải nghiệm đa dạng, mới lạ cho du khách gần xa.

May mắn có cơ hội hòa mình vào ngày tết truyền thống ở vùng cao Thừa Thiên Huế, Khải Tuấn đã cảm nhận được rõ hơn về những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn. Theo nam du khách, đây là trải nghiệm không bao giờ quên của mình cùng nhóm bạn trên hành trình khám phá văn hóa các dân tộc ở mọi miền Tổ quốc.

Minh Hải

NỔI BẬT TRANG CHỦ