(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, nhà máy điện chạy bằng than cuối cùng của Anh đã đóng cửa vào ngày 30/9, đánh dấu thời gian kết thúc 142 năm sản xuất điện bằng than ở quốc gia đã châm ngòi cho Cách mạng Công nghiệp.
Hành trình đi tới quyết định đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng
Những công nhân làm việc ở nhà máy Ratcliffe-on-Soar ở miền trung nước Anh sẽ kết thúc ca làm việc cuối cùng vào lúc nửa đêm ngày 30/9, sau 142 năm biến than thành điện.
Chính phủ Anh ca ngợi việc đóng cửa nhà máy điện than là cột mốc quan trọng trong nỗ lực tạo ra toàn bộ năng lượng sạch ở Anh vào năm 2030. Việc đóng cửa khiến Anh trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) loại bỏ than — mặc dù một số quốc gia châu Âu khác, bao gồm Thụy Điển và Bỉ, đã thực hiện sớm hơn.
Bộ trưởng Năng lượng Anh Michael Shanks cho biết việc đóng cửa nhà máy "đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên điện than và những người làm việc trong ngành than có thể tự hào về những đóng góp của ho cho đất nước trong hơn 140 năm. Chúng ta biết ơn với những đóng góp đó."
"Kỷ nguyên than đá có thể sắp kết thúc nhưng kỷ nguyên cho quá trình năng lượng sạch mới chỉ bắt đầu", ông Michael Shanks nói.
Năm 1990, than đá cung cấp khoảng 80% điện năng của Anh. Đến năm 2012, con số này đã giảm xuống còn 39% và đến năm 2023, chỉ còn 1%, theo số liệu từ National Grid.
Hơn một nửa nguồn điện của Anh hiện nay đến từ các nguồn tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời, và phần còn lại đến từ khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân.
Theo thống kê, năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng gió và năng lượng mặt trời, hiện chiếm hơn 1/2 tổng sản lượng điện tại Anh. Khí đốt cũng đóng vai trò trong sự chuyển đổi này, tăng từ 28% trong cơ cấu năng lượng năm 2012 lên 34% vào năm ngoái.
Vương quốc Anh đã chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng về năng lượng từ than trong 12 năm qua. Sự kết hợp giữa các ưu đãi tài chính và các quyết định chính sách hiệu quả đã khuyến khích 25 nhà máy điện than đóng cửa hoặc chuyển sang các nguồn năng lượng khác kể từ năm 2000.
Một báo cáo công bố của nhóm nghiên cứu Ember (Anh) đã nêu ra chính sách tạo điều kiện của chính phủ Anh nhằm khuyến khích nước này nhanh chóng thoát khỏi nhiên liệu than. Báo cáo này cũng nhắc đến mục tiêu khử carbon, đưa Anh trở thành quốc gia đầu tiên loại bỏ dần điện than.
Vương quốc Anh cũng tăng chi phí than thông qua giá carbon và các yêu cầu phát thải bổ sung đối với các nhà máy điện mới.
Trên hết, nguồn điện gió ngoài khơi được xác định là một trong những ngành công nghiệp hàng đầu của Vương quốc Anh hiện nay. Cải cách thị trường đối với năng lượng tái tạo đã mang lại sự an toàn cho các nhà phát triển và đầu tư vào lưới điện, cho phép kết nối nhanh chóng thế hệ năng lượng sạch mới.
"Vương quốc Anh đã áp dụng đúng như quy tắc cây gậy và củ cà rốt. "Củ cà rốt" tượng trưng cho những lợi ích sẽ nhận được khi thực hiện một hành động cụ thể, còn "cây gậy" chính là những hậu quả tiêu cực phải gánh chịu khi không thực hiện hành động đó. Trong giải quyết tranh chấp, việc lựa chọn hòa giải đem lại những lợi ích tương đối rõ ràng.
Chuyên gia MacDonald giải thích điều quan trọng là chúng ta có thể tin tưởng rằng nguồn năng lượng gây ô nhiễm sẽ có ngày kết thúc, nhưng cũng phải cung cấp một môi trường thuận lợi để xây dựng hệ thống năng lượng sạch mới.
Kể từ khi điện than bắt đầu suy giảm nhanh chóng, Vương quốc Anh đã tăng gấp 4 lần sản lượng điện gió và điện mặt trời.
Thay thế than bằng gió và mặt trời
Theo báo cáo của Ember, thay thế điện than bằng điện gió và mặt trời cũng có tác động lớn đến lượng khí thải của ngành điện Vương quốc Anh. Lượng khí thải đã giảm 3/4 từ 158 megaton CO2 tương đương vào năm 2012 xuống còn 41 megaton CO2 tương đương vào năm 2023.
Điều này có nghĩa là Vương quốc Anh đã cắt giảm được 880 triệu tấn khí thải kể từ năm 2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm để cắt giảm khí đốt nhập khẩu đắt đỏ và một số bài học từ việc loại bỏ than có thể được áp dụng cho giai đoạn cuối cùng này của quá trình khử cacbon trong ngành điện.
"Vương quốc Anh đã đạt được một thành tựu to lớn, chuyển đổi hệ thống điện từ một quốc gia gây ô nhiễm lớn sang một quốc gia có năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ, trong một khoảng thời gian ngắn đáng kinh ngạc", Frankie Mayo, nhà phân tích năng lượng và khí hậu cấp cao của Ember cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Mayo, công việc xây dựng một hệ thống điện sạch sẽ tiếp tục như cắt giảm nhu cầu nhập khẩu khí đốt đắt đỏ, giảm hóa đơn tiền điện và tạo ra điện sạch, thúc đẩy phần còn lại của nền kinh tế cũng chuyển đổi theo".
Với sự tham gia của Vương quốc Anh, hơn 1/3 trong số 38 quốc gia OECD hiện đã loại bỏ dần điện than.
Ba quốc gia chưa từng có nhà máy điện than là Costa Rica, Estonia và Lithuania.
11 quốc gia khác từng sử dụng than nhưng đã đóng cửa nhà máy cuối cùng là Iceland năm 1951, Thụy Sĩ năm 1960, Luxembourg năm 1998, Latvia năm 2010, Bỉ năm 2016, Thụy Điển và Áo năm 2020, Bồ Đào Nha năm 2021, Na Uy năm 2023 và Slovakia năm 2024. Mỗi quốc gia này đều có sản lượng điện gió và điện mặt trời nhiều hơn vào năm 2023 so với sản lượng điện than ở thời kỳ đỉnh cao./.