• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Anh – EU tăng tốc tìm lối ra về tương lai hậu Brexit

Thế giới 29/06/2020 10:31

(Tổ Quốc) - EU và Anh đang khởi động một cuộc đàm phán kéo dài năm tuần về một thỏa thuận nhằm xác định mối quan hệ hậu Brexit của họ vào thứ Hai, khi London muốn nhanh chóng hoàn tất mọi thứ.

Vòng đàm phán mới tại Brussels sẽ là lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp kể từ khi đại dịch Covid-19 lây lan và sự không nhượng bộ của cả hai bên đã khiến tiến trình đối thoại đi vào khó khăn. Các cuộc đối thoại này sẽ được tổ chức luân phiên hàng tuần giữa Brussels và London trong suốt tháng 7 và cuối tháng 8.

Trong khi đó, nhà đàm phán chính người Anh David Frost sẽ được thăng chức trở thành cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Boris Johnson. Một số nhà bình luận ngay lập tức cho rằng điều này có thể phá vỡ sự nhất quán về lập trường của người Anh, nhưng một phát ngôn viên của Vương quốc Anh khẳng định vị trí mới của Frost không có nghĩa là ông sẽ bị phân tâm khỏi các cuộc thảo luận đang diễn ra với người đồng cấp EU Michel Barnier.

"David sẽ vẫn là nhà đàm phán chính trong các cuộc đàm phán với EU cho đến khi đạt được thỏa thuận hoặc cho đến khi tiến trình đối thoại kết thúc", quan chức này nói. "Đây sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của ông ấy. Chúng tôi cũng đã nói rõ rằng dù sao chúng tôi cũng không muốn những cuộc đàm phán này kéo dài tới mùa thu".

Anh – EU tăng tốc tìm lối ra về tương lai hậu Brexit - Ảnh 1.

Trưởng đoàn đàm phán của Anh và EU gặp nhau trực tiếp tại Brussels hồi tháng ba. Ảnh: Yahoo News/AFP.

Tăng tốc đối thoại

Đang có nhiều hi vọng rằng việc tăng cường các cuộc thảo luận sẽ có thể giúp tạo ra được kết quả nào đó sau các phiên đối thoại trước đó, chủ yếu là diễn ra qua hình thức trực tuyến, đã không đạt được nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, đã có nhiều tiếng nói giận dữ bùng lên trong những ngày gần đây khi Thủ tướng Johnson nhấn mạnh vào thứ Bảy rằng Anh sẽ chấp nhận hậu quả của việc không đạt được thỏa thuận nếu vẫn không tìm thấy điểm chung giữa hai bên.

Thủ tướng Đức Angela Merkel - nước sẽ tiếp quản vị trí Chủ tịch của EU vào tuần tới - cũng đã thể hiện rõ lập trường công khai của bà, đặt ra câu hỏi liệu London có thực sự muốn đạt được thỏa thuận hay không.

"Tất nhiên sẽ là vì lợi ích của Vương quốc Anh và tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu trong việc nhất trí về quá trình rút khỏi (Anh rời khỏi EU-pv) một cách có trật tự", bà Merkel nói với tờ nhật báo Sueddeutsche Zeitung. "Nhưng dựa trên việc cả hai bên đều muốn điều này", bà nói thêm.

Anh đã rời EU vào ngày 30/1 và giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, theo đó nước này vẫn được hưởng lợi từ tư cách thành viên EU trên thực tế, sẽ chấm dứt vào ngày 31 tháng 12 năm nay.

Nếu không đạt được thỏa thuận mới, mối quan hệ giữa hai bên sẽ giảm xuống các tiêu chuẩn tối thiểu do Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đặt ra. Khi đó, mức thuế cao đối với 2 bên sẽ được áp dụng và kéo theo sự gián đoạn nghiêm trọng đối với hoạt động kinh doanh.

London muốn đạt được sự đồng thuận ít nhất về về những vấn đề cốt lõi của thỏa thuận thương mại trong mùa hè này – tối thiểu là về mặt chính trị - để tạo cho các doanh nghiệp một cái nhìn rõ ràng trước cuối năm nay.

EU ít bị sức ép hơn về thời gian và tin rằng quá trình phê chuẩn cần thiết của Nghị viện châu Âu và các đơn vị khác sẽ ra được thỏa thuận vào cuối tháng 10.

"Chúng ta có thể đạt được thỏa thuận càng nhanh thì càng tốt - và không có lý do rõ ràng nào về việc tại sao bản phác thảo diện rộng về thỏa thuận, trên yếu tố chính trị, không thể đạt được vào mùa hè", một nguồn từ số 10 phố Downing nói với AFP.

Hướng đến phá vỡ bế tắc

Cơ chế của các cuộc đàm phán vào thứ Hai sẽ được sắp xếp hợp lý hơn các vòng đầu tiên khi hàng trăm nhân viên liên quan sẽ được bố trí vào các phiên họp riêng biệt về các chủ đề khác nhau.

Kể từ lúc này, nhà đàm phán trưởng của EU, Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost sẽ dẫn dắt các đội ở quy mô nhỏ hơn có thẩm quyền chính trị phá vỡ thế bế tắc.

"Chúng tôi sẽ có hành động có tính xây dựng, như chúng tôi đã luôn luôn như vậy, và thể hiện tôn trọng, và chúng tôi sẵn sàng linh động để tìm ra điểm chung", ông Barnier phát biểu với Trung tâm chính sách châu Âu tại Brussels tuần trước.

Trong một tweet, Frost nói rằng anh sẽ đến Brussels với "niềm tin tốt đẹp". Nhưng ông cảnh báo: "Lúc này cần phải là một cuộc đàm phán thực sự và một số lập trường không thực tế của EU sẽ phải thay đổi nếu chúng ta muốn tiến lên phía trước."

Các cuộc thảo luận sẽ bắt đầu bằng một cuộc họp giữa hai người dẫn đầu vào lúc 0800 GMT và sẽ tiếp tục trong suốt cả tuần với các phiên ngắn về các chủ đề bất đồng nhất, bao gồm việc đảm bảo cạnh tranh công bằng mà EU yêu cầu trong các vấn đề tài chính, xã hội hoặc môi trường để tránh sự xuất hiện của một nền kinh tế kém điều tiết ở ngưỡng cửa của châu Âu.

Các vấn đề nhức nhối khác là vai trò của Tòa án Công lý EU, quyền tiếp cận vùng biển của Anh đối với ngư dân châu Âu, cũng như hình thức của thỏa thuận chung. Đây có thể là một thỏa thuận rất rộng bao gồm tất cả các lĩnh vực của mối quan hệ, như người châu Âu muốn, hoặc một thỏa thuận thương mại đơn giản với nhiều thỏa thuận bên lề nhỏ như London đang hướng đến.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ