(Tổ Quốc) - Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Vương quốc Anh đã thúc đẩy hai nước đạt được một thỏa thuận an ninh mới, gia tăng thêm các liên kết an ninh của Tokyo.
Quân đội Anh và Nhật Bản sẽ "hợp tác chặt chẽ hơn với nhau" theo một thỏa thuận quốc phòng mới. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố thông tin này trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản hôm thứ Năm.
Ông Johnson đã tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại dinh thự số 10 phố Downing. Ông cũng đề cập rằng Nhật Bản đã thể hiện "lập trường mạnh mẽ" đối với hành động của Nga ở Ukraine và sự tương đồng giữa tình hình an ninh ở châu Âu và châu Á.
Ông Johnson nói: "Có thể nhìn trực tiếp từ hành động của các cường quốc chuyên quyền ở châu Âu cho đến những gì có thể xảy ra ở Đông Á. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ hơn với nhau."
Văn phòng của ông Johnson cho biết thỏa thuận an ninh này sẽ mở đường cho lực lượng vũ trang của hai nước cùng nhau triển khai để huấn luyện, tập trận chung và cứu trợ thảm họa. Theo đó, hai nhà lãnh đạo Anh và Nhật Bản đã nhất trí về nguyên tắc của Thỏa thuận tiếp cận qua lại (RAA), mở đường cho Nhật Bản và Anh phối hợp, diễn tập và hoạt động cùng nhau; thúc đẩy cam kết của Vương quốc Anh đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và bảo vệ hòa bình cũng như an ninh toàn cầu.
Anh – Nhật tương đồng về chiến lược
Vương quốc Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên có thỏa thuận an ninh như vậy với Nhật Bản. Nước này đã tuyên bố chính sách đối ngoại "nghiêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" sau khi rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2020 (Brexit) và coi Nhật Bản là một đồng minh Đông Á quan trọng.
London, sau khi không còn cần thực hiện nhiều nghĩa vụ với châu Âu, đang ngày càng hướng tới châu Á – Thái Bình Dương để tìm kiếm các cơ hội thương mại hậu Brexit. Tháng 2 năm ngoái, Vương quốc Anh đã đăng ký làm thành viên của khối thương mại tự do 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và vào tháng 10 năm 2020 đã ký một thỏa thuận thương mại tự do với Nhật Bản. Vương quốc Anh cũng đang là một thành viên của liên minh an ninh ba bên mới được gọi là AUKUS, cùng với Australia và Mỹ.
Anh và Nhật Bản cũng đã duy trì quan hệ hợp tác an ninh sâu sắc. Đại sứ Nhật Bản tại Australia Yamagami Shingo từng thông tin với tờ Sydney Morning Herald rằng ông hy vọng kế hoạch đưa Nhật Bản gia nhập liên minh tình báo Five Eyes giữa Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ, sẽ "trở thành hiện thực trong tương lai gần".
Thêm vào đó, lập trường của hai quốc gia về xung đột Ukraine cũng có nhiều điểm chung. Trong khi Anh luôn thể hiện tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề này, Nhật Bản cũng đã lên án hành động của Nga và cùng các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow. Nhật Bản cũng đã cung cấp cho Ukraine một số khoản viện trợ quân sự khác. Tokyo cũng lo ngại cuộc xung đột Ukraine có thể có tác động ở Đông Á, nơi một số tranh chấp biên giới vẫn đang diễn biến phức tạp.
Liên minh cần được kiểm nghiệm
Chris Hughes, giáo sư về chính trị quốc tế và Nhật Bản tại Đại học Warwick, cho biết chuyến thăm của ông Kishida "sẽ củng cố hơn nữa' liên minh gần gũi giữa Vương quốc Anh và Nhật Bản – khía cạnh đã được củng cố trong thập kỷ qua."
Cũng theo ông Chris Hughes, mối quan hệ Anh – Nhật Bản đang "trở nên mạnh mẽ hơn nhiều về an ninh. Tuy nhiên, liên kết này sẽ được kiểm nghiệm bằng việc theo dõi Nhật Bản sắp tới có làm được gì nhiều hơn về an ninh với Vương quốc Anh bên ngoài khu vực Đông Á của họ hay không. Và tương tự như vậy, Vương quốc Anh có thể duy trì hợp tác thực chất với Nhật Bản đến đâu bên ngoài khu vực ảnh hưởng truyền thống của họ, cũng như trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra".
Về phần mình, Nhật Bản đã và đang liên tục củng cố các mối quan hệ đối tác quân sự của họ ở nước ngoài. Chính phủ Nhật Bản đã diễn giải lại hiến pháp hòa bình vào năm 2015 để cho phép chiến lược phòng thủ được thực hiện ở quy mô rộng hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các nỗ lực này đều tập trung vào các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Vào năm 2020, Nhật Bản cũng đã ký một thỏa thuận hậu cần quân sự được mong đợi từ lâu với Ấn Độ. Thỏa thuận này cho phép hai nước trao đổi vật tư và hoạt động tại các căn cứ và cảng quân sự của nhau. Vào tháng 1 năm 2022, Nhật Bản và Australia cũng đã ký Thỏa thuận tiếp cận qua lại (RAA), đánh dấu sự hợp tác an ninh sâu sắc nhất của Nhật Bản với một quốc gia khác ngoài đồng minh hiệp ước truyền thống là Mỹ vào thời điểm đó.