(Tổ Quốc) - Các nhà lập pháp Anh từ mọi đảng chính trị sẽ thúc giục Thủ tướng Theresa May cho phép Quốc hội bỏ phiếu về chiến lược đàm phán rời khỏi EU.
- 23.09.2016 Brexit: Anh “tự tin” không cần tới 2 năm để ly hôn
- 03.10.2016 Tiến vào Brexit: Anh “đón đầu” khủng hoảng
Nick Clegg, cựu phó thủ tướng Anh, cho biết kế hoạch của bà May để kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon – khởi động tiến trình rời khỏi EU vào cuối tháng 3 sẽ trao quyền chủ động cho cho 27 thành viên EU.
Một phiên họp nội các Anh trong tháng 8. (Nguồn : Getty) |
"Trong khi chính phủ có nhiệm vụ đưa chúng ta ra khỏi EU, họ không có quyền quyết đich cách thức thực hiện tiến trình này", Clegg nói trên chương trình Andrew Marr của BBC vào ngày 16/10.
Các nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền, Đảng Lao động đối lập và đảng Dân chủ Tự do của ông Clegg cho biết họ chấp nhận kết quả người Anh đã bỏ phiếu rời khỏi EU, tuy nhiên kêu gọi tranh luận và bỏ phiếu để gia tăng ảnh hưởng của Anh trong tiến trình đàm phán.
Bà May, được bổ nhiệm là Thủ tướng Anh sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử tháng 6, tuần trước cho biết Quốc hội có thể thảo luận về kế hoạch rời khỏi EU, nhưng loại trừ khả năng tổ chức bỏ phiếu về việc kích hoạt Điều 50.
Ông Clegg cho biết ông ủng hộ một tiến trình "Brexit mềm dẻo", trong đó Anh vẫn thuộc hoặc có liên hệ gần gũi với thị trường chung đơn nhất của EU cũng như kêu gọi bà May xem xét các điều kiện Anh sẽ kiểm soát tình trạng nhập cư ra sao để vẫn duy trì quyền tham gia đầy đủ vào thị trường chung EU.
Còn bà May, cho biết sẽ đi theo ý nguyện của người dân về việc giảm số người nhập cư từ các nước EU khác tới Anh, khôi phục chủ quyền của Anh, tuy nhiên, cũng thận trọng rằng bà muốn có một “thoả thuận tốt nhất” về giao thương.
Sự không chắc chắn về mục tiêu các thoả thuận Brexit kéo theo sự bất ổn và lo ngại từ các nhà đầu tư và thị trường.
Đồng Bảng Anh hiện đặc biệt nhạy cảm với bất cứ kiến nghị nào về việc Anh thực hiện tiến trình "Brexit cứng rắn" – xoá bỏ hoàn toàn quyền tiếp cận vào thị trường EU với khoảng 500 triệu người tiêu dùng.
(Theo Reuters)