• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

APEC 2022: Cơ hội nào để Thái Lan thể hiện?

Thế giới 26/11/2021 20:02

(Tổ Quốc) - Trước những lo ngại gia tăng về tình hình trong nước, Thái Lan có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức thành công các cuộc họp của APEC vào năm 2022, theo nhận định từ tờ The Diplomat.

Với tư cách là Chủ tịch cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm tới, Thái Lan sẽ có cơ hội vàng để thể hiện mình trước cộng đồng quốc tế. Chính phủ nước này đặt mục tiêu đóng vai trò hòa giải, hạ thấp căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế APEC, chèo lái con tàu APEC đi về phía trước với chủ đề "Rộng mở. Kết nối. Cân bằng". Logo APEC 2022 mới được công bố gần đây lấy cảm hứng từ một chiếc giỏ tre đan của Thái Lan. Chiếc giỏ này có ý nghĩa trao gửi quà tặng và trao đổi hàng hóa qua nhiều thế hệ, tượng trưng cho sự kết nối và hợp tác lâu đời giữa các quốc gia Vành đai Thái Bình Dương.

Nỗ lực tạo tiền đề

Thái Lan đã rất nỗ lực để tạo tiền đề cho vai trò Chủ tịch APEC sắp tới. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, trong chuyến tham dự hội nghị khí hậu COP26 vào đầu tháng này, đã mời Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC dự kiến tổ chức tại Bangkok vào tháng 11 năm tới. Trong khi đó, các quan chức Thái Lan cùng với các doanh nghiệp tư nhân cũng đang thúc đẩy Mô hình Kinh tế Sinh học – Tuần hoàn - Xanh (BCG) để thúc đẩy nền kinh tế hậu đại dịch nước này tăng trưởng một cách bền vững và bao trùm. Mô hình BCG liên quan đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên sinh học tái tạo trong sản xuất hàng hóa, giảm thiểu chất thải và kết hợp năng lượng xanh để đáp ứng các mục tiêu không gia tăng phát thải. Những yếu tố này sẽ được áp dụng cho bốn ngành công nghiệp, đó là thực phẩm và nông nghiệp, y tế và sức khỏe, năng lượng sinh học và du lịch.

APEC 2022: Cơ hội nào để Thái Lan thể hiện? - Ảnh 1.

APEC 2003 diễn ra tại Thái Lan đã nhận được nhiều đánh giá tích cực. Ảnh: Nas.

Thái Lan, nổi tiếng với lòng hiếu khách và mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc lớn trong khu vực, có bề dày thành tích trong việc tổ chức các hội nghị cấp cao quốc tế thành công. Lần đăng cai tổ chức APEC lần cuối của nước này vào năm 2003 đã nhận được nhiều đánh giá tích cực. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2019, Thái Lan đã góp phần hoàn thành các thành phần chính của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và công bố Triển vọng ASEAN đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Việc đưa ra AOIP là một thành tựu đáng chú ý và bất ngờ, xét đến một số yếu tố chưa được đoàn kết trong ASEAN về các vấn đề an ninh và áp lực ngày càng tăng trong việc định hướng của khối sẽ nghiêng về mối quan hệ với Mỹ hay Trung Quốc.

Hàng loạt trở ngại

Thái Lan chắc chắn có đủ tiềm năng tổ chức các cuộc họp APEC thành công, tuy nhiên, chính trị trong nước có thể sẽ là một trở ngại lớn. Bất ổn chính trị nội bộ luôn là trở ngại cho khả năng vươn ra quốc tế của Thái Lan. Trong thời gian Thái Lan làm Chủ tịch ASEAN từ giữa năm 2008 đến tháng 12 năm 2009, sân bay lớn nhất của Bangkok đã bị những người biểu tình bảo thủ "áo vàng" chiếm giữ, khiến hàng nghìn du khách bị mắc kẹt. Hội nghị cấp cao ASEAN tại Pattaya cũng từng bị gián đoạn do hoạt động của những người "áo đỏ" ủng hộ cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.

Trước sự ngạc nhiên của nhiều nhà quan sát, các vấn đề trong nước, gồm cả những tranh cãi xung quanh cuộc tổng tuyển cử, đã không cản trở chức Chủ tịch ASEAN của Thái Lan vào năm 2019. Tuy nhiên, Thái Lan có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2022.

Chính phủ do ông Prayut lãnh đạo đang gặp phải nhiều thách thức khi nền kinh tế sụt giảm mạnh do đại dịch; các thể chế chủ chốt, chế độ quân chủ, tòa án và quân đội, đang bị thách thức, điều kiện môi trường xấu đi và giá cả tăng cao. Một ví dụ là các xe tải trên toàn quốc đã đình công trong vài tuần qua để phản đối việc tăng giá nhiên liệu, liên quan đến việc ông Prayut phải chuẩn bị để các xe tải quân sự vận chuyển hàng hóa.

Một chủ đề "nóng" khác là sửa đổi hiến pháp. Quốc hội gần đây đã bác bỏ một dự thảo sửa đổi tìm cách loại bỏ Thượng viện được bổ nhiệm, thay đổi phương pháp bổ nhiệm thành viên của Tòa án Hiến pháp và các tổ chức chính trị độc lập khác, đồng thời hủy bỏ tất cả các lệnh do chính quyền ban hành kể từ năm 2014.

Về cơ bản, dự thảo bị bác bỏ này tìm cách làm suy yếu các cơ chế đang củng cố quyền lực cho ông Prayut và các đồng minh. Theo một số học giả Thái Lan, việc bác bỏ hoàn toàn dự thảo này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự phân cực chính trị giữa phe bảo thủ và phe tự do. Không khó để hình dung ra sự bùng nổ phong trào biểu tình của giới trẻ trong năm tới.

Bên cạnh những thách thức này, dường như có một mối bất hòa dai dẳng trong liên minh lãnh đạo đất nước. Các thành viên của Đảng cầm quyền Phalang Pracharat (PPRP do quân đội hậu thuẫn) được cho là có một số điểm không đồng tình với ông Prayut. Trong khi đó, PPRP cũng đang cạnh tranh với Bhumjaithai và Đảng Dân chủ - đảng liên minh lớn thứ hai và thứ ba nước này - để giành được phiếu bầu ở các tỉnh phía Nam.

Theo nhận định trên tờ The Diplomat, trước những nghi ngại ngày càng gia tăng về khả năng duy trì sự lãnh đạo của chính phủ cũng như việc tăng cường các ưu tiên trong nước, Thái Lan sẽ gặp khó khăn trong việc cố gắng điều hành suôn sẻ các cuộc họp của APEC vào năm 2022. Điều này không có nghĩa là Thái Lan sẽ không thể thành công, nhưng rủi ro vẫn còn quá lớn. Ngoài những rắc rối trong nước, còn có những mối quan ngại lớn hơn trên toàn cầu và khu vực như một đợt bùng phát Covid-19 khác hoặc một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Như vậy, với tư cách là nước chủ nhà APEC 2022, Thái Lan sẽ đi trên một con đường rất gập ghềnh vào năm tới.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ