• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ASEAN cần hành động ngay để vượt “bão” sóng gió thương mại

Thế giới 13/09/2018 06:00

(Tổ Quốc) - Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), phiên thảo luận về Xung đột thương mại: Vượt qua căng thẳng địa kinh tế đã diễn ra vào chiều 12/9.

Bốn diễn giả tham gia chương trình, Alan Bollard – Giám đốc điều hành Ban Thư kí APEC; Victor Chu – Chủ tịch kiêm CEO của First Eastern Investment Group từ Hồng Kông; Ignatius Darell Leiking – Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia và Yasuo Tanabe – Phó Chủ tịch cấp cao tập đoàn Hitachi, đã chia sẻ về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện tại và ảnh hưởng của nó đối với thế giới.

Bốn diễn giả phát biểu tại WEF ASEAN 2018 ngày 12/9.

Trong bối cảnh đang có rất nhiều mâu thuẫn và xung đột thương mại và khả năng những điều này dẫn đến chiến tranh thương mại, ông Alan Bollard cho rằng rất khó để khẳng định luận điểm này vì còn nhiều điểm chưa chắc chắn. Chúng ta có thể nhìn lại những yếu tố để phân tích, như  đang có những chính sách mới về thương mại, những giao thoa mới về thương mại, những vòng đàm phán mới, như đàm phán NAFTA và nhiều đàm phán khác nữa. Chúng ta còn thấy cả những vấn đề xảy ra trong quan hệ thương mại song phương, như Mỹ - Trung Quốc – với giá trị thương mại song phương rất lớn. Đây là những tín hiệu đang khiến nhiều người lo ngại một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra trên thực tế, trong đó, Trung Quốc lại có một vai trò có thể gây ra tác động lớn tại khu vực châu Á.

Học hỏi gì từ lịch sử Nhật Bản?

Ông Tanabe – người có nhiều kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chính sách và đàm phán thương mại của chính phủ Nhật Bản, cũng như hiểu rõ về khoảng thời gian Mỹ và Nhật Bản có nhiều bất đồng– điều rất gần với những việc đang xảy ra giữa Washington và Bắc Kinh, chia sẻ, vào những năm 70-80 của thế kỉ trước, Mỹ cũng đã đặt ra nhiều yêu cầu đối với phía Nhật Bản và nước này cũng đã phải đàm phán rất gay go ở tất cả các ngành và lĩnh vực. Thời điểm này, đôi khi Nhật Bản đã tự hạn chế các chương trình xuất khẩu sang Mỹ và các công ty Nhật Bản cũng đã có những  hành động của riêng mình để làm cho tình hình yên ổn hơn. Và từ kinh nghiệm của chính mình, từ những năm 1980, những hệ thống thương mại quốc tế đa phương dựa trên nguyên tắc, quy định đã cho thấy vai trò quan trọng và chúng ta sẽ phải giảm đi xu hướng một phía có thể đưa ra nhiều ý kiến bắt buộc của mình. Đồng thời, những vấn đề thương mại của Mỹ và Trung Quốc hiện nay cũng cần giải quyết dựa trên tham khảo những quy định về thương mại quốc tế của WTO và phải hài hoà với tất cả cải cách hiện nay của WTO, ông Tanabe nhấn mạnh.

Về phía các doanh nghiệp Hồng Kông trong bối cảnh thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khá căng thẳng, ông Victor Chu chia sẻ, chúng tôi đang rất bối rối vì chưa biết chắc chắn căng thẳng này sẽ kéo dài trong ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Sự không chắc chắn này là một điều đáng lo ngại khi các khoản đầu tư sẽ bị chậm lại trong khi Hồng Kông đang là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất buôn bán hàng hoá lớn nhất vào Trung Quốc và ra khỏi Trung Quốc.

Như vậy, chúng ta có thể phải giải quyết các căng thẳng hiện nay bằng cách trở lại các nguyên tắc cơ bản về lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia và thực hiện các cải cách, đưa ra các sáng kiến phát triển cho mình, theo ông Victor Chu.

ASEAN cần hành động ngay trước sóng gió thương mại

Theo ông Leiking, từ vị thế của Malaysia những gì đang diễn ra cũng mang tới cơ hội để nhìn lại chính mình, chính bản thân ở trong ASEAN. Đối với Indonesia hay từ những đối tác khác, đã đến thời điểm để ASEAN nhìn lại, phải gắn kết lại để cả khối chặt chẽ, cô đọng và có tính năng động cao hơn. Và có lẽ phải tạo nên một mạng lưới thống nhất, hợp nhất. Điều này đã được nói đến từ cách đây 7 năm. Từ khi ASEAN bắt đầu thành lập cho đến nay đã có 10 nước và có quan hệ với nhiều đối tác bên ngoài, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc. Mà hiện tại hai đối tác này đang có những căng thẳng thương mại thì trong bối cảnh đó, trong các cuộc họp của ASEAN có lẽ cần phải đặt ra cần hỏi, tại từng quốc gia có để xảy ra vấn đề thâm hụt gì hay không? Và trên cơ sở đánh giá tình trạng phát triển, vấn đề đặt ra là liệu ASEAN đã có thể hoạt động như một khối kinh tế thống nhất hay chưa? Dù điều này chưa thể trả lời 100% được  nhưng hiện tại cũng cần có lời giải ở cấp độ nào đó để dự đoán được tác động của một cuộc chiến thương mại tiềm tàng, ông Leiking nhận định.

Các thành viên ASEAN có thể rơi vào tình thế khá bối rối vì tình trạng phát triển ở các quốc gia là khác nhau. Lúc này, tất cả các quốc gia khu vực phải chung tay góp sức, thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau phát triển để đạt đến một mức độ phát triển tương đồng. Điều này hoàn toàn có thể làm được và từ đó sẽ có vị thế tốt hơn để giải quyết những tác động hay ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại. Điều này nên làm ngay từ bây giờ vì những ảnh hưởng này hiện nay phần nào đã có thể dự đoán được, Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia Darell Leiking nhấn mạnh.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ